Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Tích tụ được đất lúa, nông dân có thể làm giàu"
24 | 07 | 2008
“Nếu nông dân tích tụ được nhiều đất lúa thì hoàn toàn có thể làm giàu, một năm họ có thể lời vài ba trăm triệu đồng là bình thường. Cái chính là diện tích đất của chúng ta quá ít, nếu chỉ có làm lúa không thì thu nhập thấp”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng trao đổi bên hành lang phiên họp UBTVQH.
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Bùi Bá Bổng: "Chỉ trong 3 tháng trồng lúa, bà con có thể thu được 15 - 20 triệu đồng/ ha". Ảnh: LN
Khuyến khích nông dân quay lại trồng lúa

- Thưa Thứ trưởng, ông nhìn nhận thế nào về tình trạng nông dân ồ ạt chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái sang trồng lúa?

Thực ra, trước đây khi giá lúa thấp, ở nhiều nơi người dân đã chuyển một số diện tích trồng lúa sang trồng cây khác. Tuy nhiên, có một số nơi không hiệu quả, chẳng hạn vườn cây ăn trái bị nhiễm bệnh vàng lá chết, nên bây giờ người dân chuyển về trồng lúa.

Việc này theo tôi là rất bình thường, có điều chính quyền địa phương phải hướng dẫn nơi nào cần chuyển và cách thức trồng lúa thế nào để đạt hiệu quả cao, cần khuyến khích và hoàn toàn theo nhu cầu thị trường.

- Đất đã trồng các loại cây khác, giờ chuyển sang trồng lúa thì liệu năng suất có thấp đi không?

Không lo. Trồng lúa rất đơn giản. Trước ta thất bại khi để dân phá lúa trồng cây khác, còn bây giờ từ vườn cây ăn quả chuyển sang lúa rất đơn giản. Lúa chỉ 3 tháng, vì thế nếu cần thiết chuyển sang cây khác cũng dễ, không phải đầu tư nhiều. Khôi phục đất lúa là rất khuyến khích.

- Trồng lúa còn liên quan đến thủy lợi, nhưng việc chuyển ồ ạt từ diện tích nuôi tôm, cây ăn trái sang lúa chắc chắc sẽ gặp khó khăn về nguồn nước. Vậy bài toán thủy lợi sẽ phải tính thế nào, thưa ông?

Đối với trồng lúa, vấn đề thủy lợi đơn giản hơn nhiều so với trồng cây ăn quả hay nuôi thủy sản. Nếu nuôi thủy sản phải đầu tư rất nhiều về thủy lợi để dẫn nước mặn, hay trồng cây ăn quả phải đầu tư làm bờ bao, tránh úng ngập... thì làm lúa không cần đầu tư nhiều mà vẫn trồng được, thu lời lại rất nhanh. Chỉ trong 3 tháng trồng lúa, bà con có thể thu được 15 - 20 triệu đồng/ ha.

Chỉ cần 3,8 - 3,9 triệu ha đất lúa là đảm bảo an ninh lương thực.

"Cái chính là diện tích đất của chúng ta quá ít, nếu chỉ làm lúa thì thu nhập thấp. Ta đang tạo điều kiện, làm thế nào đó phải giải phóng lao động nông thôn, tích tụ thêm ruộng đất cho nông dân".
- Việc người nông dân liên tục thay đổi cây trồng sẽ gây tốn kém và có thể phá vỡ quy hoạch những cây trồng khác. Bộ NN & PTNT có tính đến điều này, thưa ông?

Thật ra việc chuyển này không làm thay đổi lớn cho lắm vấn đề quy hoạch. Với diện tích một năm đồng bằng sông Cửu Long có 1,8 triệu hecta trồng lúa thì diện tích chuyển đổi chỉ khoảng 1%, tức là rất nhỏ so với tổng diện tích hiện có, không làm phá vỡ quy hoạch trồng lúa của khu vực này.

- Ông có lo ngại rằng trồng lúa không có quy hoạch sẽ lại giống như các bài học cà phê, cá basa, làm muối?

Hiện nay, chỉ sợ không tăng được diện tích trồng lúa, chứ không sợ thừa. Thành ra việc người dân chuyển một số diện tích sang trồng lúa, theo quan điểm của tôi, là một việc làm rất nên khuyến khích.

Tạo điều kiện cho nông dân tích tụ ruộng đất

- Thưa ông, không chỉ Việt Nam tăng diện tích trồng lúa mà nhiều nước cũng tăng. Như vậy sản lượng lúa sẽ tăng và giá gạo thế giới có thể giảm. Rất có thể bà con lại chuyển đổi từ cây lúa sang trồng loại cây khác?

"10 - 15 năm nữa, giá lúa sẽ không xuống". Ảnh: Internet
Chúng ta không lo ngại điều đó, bởi không bao giờ đủ gạo cho thế giới. Hiện chỉ có một số nước có lợi thế trồng lúa, như Việt Nam. Dự báo một thời gian rất dài, khoảng 10 - 15 năm nữa, giá lúa sẽ không xuống.

- Hiện nay chi phí đầu vào sản xuất lúa tăng 300%, nhưng giá lúa thì chỉ tăng chưa đến 100%, tức là chỉ lấy công làm lãi. Có người tính công trồng lúa chỉ được vài chục nghìn đồng một ngày, vậy làm sao khuyến khích người dân tăng diện tích lúa được?

Thu nhập thấp là do đất trồng lúa của nông dân quá ít, vì chỉ có 2 - 3.000 m2, hoặc nhiều nhất là 1 hecta. Chứ nếu sản xuất lúa vẫn lời được 50 - 50, tức là chi phí 50 và lời 50. Nếu nông dân tích tụ được đất lúa thì hoàn toàn có thể làm giàu, một năm họ có thể lời vài ba trăm triệu đồng là bình thường.

Cái chính là diện tích đất của chúng ta quá ít, nếu chỉ làm lúa thì thu nhập thấp. Ta đang tạo điều kiện, làm thế nào đó phải giải phóng lao động nông thôn, tích tụ thêm ruộng đất cho nông dân.

- Việc nông dân chạy theo thị trường, không có sự định hướng quy hoạch thì người chịu thiệt thòi sẽ là họ?

Nông dân bây giờ phải thích ứng với cơ chế thị trường, và rất nhanh nhạy với cơ chế thị trường, chứ không phải chạy theo. Nông dân đã bắt đầu chấp nhận sự thay đổi, người ta dần hình thành về ý thức kinh doanh. Nhà nước hướng dẫn về thông tin thị trường, kỹ thuật cho họ làm tốt.

- Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam cần giữ diện tích trồng lúa bao nhiêu là hợp lý, thưa ông?

Cần khoảng 3,8 - 3,9 triệu ha đất lúa, đảm bảo quy mô dân số ổn định 130 triệu người. Hiện nay, diện tích đất trồng lúa của nước ta là 4,1 triệu hecta, lúa dư thừa xuất khẩu, nhưng sau đó sẽ phải giảm xuất khẩu.

Ngày 7/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì thống nhất với các bộ để báo cáo Thủ tướng diện tích đất trồng lúa hiện có, xác định diện tích đất trồng lúa cần giữ lại để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ sau khi xem xét nhu cầu sử dụng đất đến năm 2015 và 2020 cho từng lĩnh vực đô thị, giao thông, công nghiệp thì cần xác định diện tích đất trồng lúa cần giữ lại.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường