Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Tam nông” Trung Quốc: 7 thành tựu, 4 vấn đề
24 | 07 | 2008
Trung Quốc có 900 triệu nhân khẩu nông thôn, chiếm 70% dân số. “Tam nông” là 3 cái chân của ngôi lầu xã hội, bảo đảm ổn định. Những thành tựu đạt được to lớn, nhưng các tồn tại cần được tiếp tục khắc phục.

Mọi người đều biết, trong quá trình thực hiện “4 hiện đại hoá”, Trung Quốc bắt đầu cải cách ở nông thôn trước bằng việc khoán sản lượng tới hộ. Do được làm chủ ruộng đất, tự chủ làm ăn, tính tính cực sản xuất của người nông dân được phát huy. Sản xuất lương thực nhanh chóng tăng lên, đời sống nông dân từng bước có sự cải thiện khá rõ nét.

Nhưng từ năm 1984 khi Trung Quốc tiến hành cải cách ở thành phố, hầu như trong suốt 14 năm sau đó, nông dân phần nào bị bỏ quên. Đầu thế kỷ 21, những cuộc đấu tranh tự phát và có tổ chức của nông dân ngày một tăng lên, do mất ruộng đất, do nghèo đói, do con em thất học, do không có tiền chữa bệnh, v.v.. Số nông dân vào thành phố tìm công ăn việc làm lên tới trên 150 triệu người, có số liệu 200 triệu người. Cộng thêm tiếng nói đồng tình của những người Trung Quốc có tấm lòng, vấn đề “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) mới dần dần được coi trọng và tại Đại hội ĐCS Trung Quốc vừa qua đã được xác định là quốc sách.

Một số chính sách đã được triển khai và mang lại kết quả đáng kể:

Xoá bỏ thuế nông nghiệp, chấm dứt lịch sử người nông dân làm ruộng mà phải nộp thuế. Sản lượng lương thực tăng liên tục trong 4 năm liền, đến năm 2007 đạt trên 500 triệu tấn.Với việc xoá bỏ thuế nông nghiệp, gồm cả thuế chăn nuôi, thuế đặc sản, mỗi năm đã giảm nhẹ gánh nặmg đóng góp cho nông dân 133,5 tỷ NDT.

Toàn diện thực hiện giáo dục nghĩa vụ (9 năm) miễn phí: Không phải nộp học phí, không phải mua sách giáo khoa. 150 triệu học sinh của những gia đình khó khăn được trợ cấp sinh hoạt phí toàn phần hoặc một phần. Cơ bản giải quyết được nạn tráng niên bị mù chữ tại miền Tây.

Thành lập được bước đầu hệ thống y tế công và hệ thống dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản khắp nông thôn. Cải tạo và xây dựng mới 188.000 trạm y tế hương, trấn, trang bị thêm thiết bị y tế cho 117.000 trạm y tế hương, trấn… Điều kiện khám chữa bệnh ở nông thôn được cải thiện rõ rệt. Chế độ hợp tác chữa bệnh kiểu mới ở nông thôn được xác lập, đã mở rộng tới 87% huyện với 730 triệu nông dân tham gia.

Hệ thống dịch vụ văn hoá công nông thôn bước đầu hoàn thiện.

Hỗ trợ việc học nghề cho các tầng lớp thu nhập thấp trong toàn xã hội 66,6 tỷ NDT trong 5 năm tài chính của chính quyền trung ương, trong đó, phần đáng kể dành cho nông dân. Trung bình mỗi năm giúp 8 triệu lao động nông thôn có việc làm.

Thành lập chế độ bảo đảm mức sinh hoạt thấp nhất ở nông thôn từ năm 2007. Hơn 35,5 triệu nông dân được đưa vào phạm vi bảo hiểm này.

Cấp cho “tam nông” 1.600 tỷ NDT trong 5 năm tài chính của chính quyền trung ương, trong đó dùng cho xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn là gần 300 tỷ NDT. Xây mới và cải tạo 1,3 triệu km đường nông thôn, giải quyết cho 97,48 triệu cư dân nông thôn gặp khó khăn trong việc cung cấp nước uống và nước uống không an toàn. Tuy vậy, năm 2008 vẫn còn phải giải quyết vấn đề nước uống an toàn cho 32 triệu nông dân. Cải tạo hơn 22.000 trường tiểu học và trung học nông thôn không an toàn.

Trong 5 năm qua, đời sống nông dân có sự cải thiện đáng kể, được nâng từ mức trung bình toàn quốc 2.622 NDT/đầu người/năm (năm 2003) lên 4140 NDT (năm 2007). Tuy nhiên, so với mức thu nhập bình quân của cư dân thành thị là 8472 và 13786 NDT thì vẫn thấp hơn nhiều. Theo Báo cáo công tác của Chính phủ nước Trung Quốc, tháng 3/2008, vẫn còn 14,79 triệu nông dân Trung Quốc có thu nhập ròng dưới 785 NDT/năm, tức chuẩn nghèo tuyệt đối. Còn nếu tính theo mức thu nhập thấp từ 786 NDT - 1067 NDT/năm, vẫn còn 28,41 triệu nông dân thuộc diện đó. Theo báo cáo của Ngân hàng châu Á mùa hè năm 2007, Trung Quốc vẫn còn khoảng 300 triệu người, đa số là nông dân, có thu nhập dưới 1 USD/ngày.

Phải khẳng định, sau khi thấy được vấn đề, Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc đã có những chính sách và biện pháp tích cực để giải quyết và nước bạn đã thu được một số kết quả bước đầu đáng mừng như đã nói trên. Tuy nhiên, khó khăn, phức tạp vẫn còn không ít. Xin nêu mấy ví dụ:

Chủ yếu là phải giải quyết vấn đề ngành nghề hoá nông nghiệp, trong đó, hoạt động của dây chuyền “sản xuất - cung cấp - tiêu thụ” chiếm vai trò rất quan trọng. Hơn nữa, hiện nay, nông nghiệp Trung Quốc vẫn ở trong tình trạng tự cung tự túc, chưa hình thành kinh tế qui mô.

Đột xuất là cải cách chế độ hộ tịch trong vấn đề nông thôn (chế độ hiện hành đã gây ra sự chênh lệch tương đối lớn trong phát triển kinh tế và trình độ văn hóa giữa thành thị và nông thôn). Nhưng sau khi cuộc cải cách giải phóng được sức lao động thừa đến từ nông thôn thì việc sắp xếp hướng dẫn hợp lý lại là vấn đề nan giải.

Trong vấn đề nông dân có hai điều: tố chất và giảm nhẹ đóng góp. Tố chất văn hoá còn thấp. Một số địa phương cá biệt vẫn chưa nghiêm túc giảm nhẹ đóng góp cho nông dân. “Tam nông” tại tuyến cần quyết việc khám, chữa bệnh còn gặp khó khăn. Phần lớn nông dân vào thành phố làm thuê không biết cuối đời giải quyết hậu sự như thế nào.

Trung Quốc có 900 triệu nhân khẩu ở nông thôn, chiếm 70% dân số cả nước. “Tam nông” lại là 3 cái chân của ngôi lầu xã hội Trung Quốc. 3 cái chân đó đứng vững thì đảm bảo ổn định xã hội. Những tồn tại trong vấn đề “tam nông” mà nước bạn đã thấy sẽ được đẩy mạnh giải quyết và khắc phục trong thời gian tới.



Nguồn: Tổ Quốc
Báo cáo phân tích thị trường