Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chính sách mới đối với tam nông là thực hiện công bằng xã hội: Tín hiệu vui
04 | 07 | 2008
Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) sẽ được Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) họp vào trung tuần tháng Bảy tới đây tập trung bàn thảo và ra nghị quyết. ở một số địa phương, các nhà quản lý cũng đã đưa ra những chính sách hợp lý để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, nhằm từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho nông dân.
Chuyện “tam nông” ở Hải Dương

Là một trong những huyện có tốc độ phát triển công nghiệp thuộc diện nhanh nhất tỉnh Hải Dương, thời gian qua, Cẩm Giàng phải đối mặt với nhiều vấn đề do sự phát triển công nghiệp, dịch vụ quá “nóng” mang lại. Theo ông Vương Đức Sáng, Bí thư Huyện ủy, đến nay, toàn huyện có 130 doanh nghiệp đầu tư. Trên địa bàn đã hình thành 3 khu công nghiệp lớn và 4 cụm công nghiệp cấp huyện với tổng diện tích 2.000ha. Tỷ lệ nghịch với sự “bành trướng” của các khu công nghiệp là diện tích đất nông nghiệp giảm từ 6.500ha xuống còn 3.400ha. Đơn cử như ở Phú Xá (xã Tân Trường), đến cuối năm 2007, toàn thôn không còn đất canh tác. Nhiều người dân không có việc làm, đời sống khó khăn. Sau khi nhận tiền đền bù, 70% số hộ tập trung xây, sửa nhà, mua xe máy và các vật dụng khác. Theo thống kê, mới có khoảng 150 thanh niên của thôn được nhận vào làm công nhân, còn lại hầu hết đi làm thợ xây, phụ hồ (khoảng 80 người), 40 người đi xuất khẩu lao động. Anh Trần Xuân Huân, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tân Trường lo lắng: “Cái mà người dân chúng tôi cần là việc làm ổn định cho con em”.

Trong số các địa phương ở Đồng bằng sông Hồng, Hải Dương là một trong những tỉnh bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ phát triển các khu công nghiệp nhiều nhất. Từ năm 2000 đến nay, toàn tỉnh đã giảm hơn 18.000ha đất trồng lúa. Mặc dù vậy, Hải Dương vẫn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đổi lúa sang màu, đổi diện tích cây hằng năm sang cây lâu năm, nhất là chuyển 4.100ha đất trũng sang nuôi thủy sản. Từ đó, góp phần hình thành nhiều vùng chuyên canh hàng hóa như hành, tỏi ở Nam Sách; cà rốt ở Đức Chính - Cẩm Văn; dưa hấu ở Kim Thành; vải thiều ở Thanh Hà, đưa giá trị kinh tế mỗi hecta đất canh tác của tỉnh năm 2007 đạt bình quân 43 triệu đồng. Ngày càng có nhiều hộ dân xây dựng trang trại, thành lập cơ sở chế biến hoặc công ty. Đến nay, toàn tỉnh có 717 trang trại đạt thu nhập 50 triệu đồng /năm; 885 doanh nghiệp thành lập và hoạt động trên địa bàn nông thôn, tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động.

Tuy nhiên, báo cáo của Tỉnh ủy Hải Dương về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng chỉ ra nhiều bất cập. Đối với nông nghiệp, đó là tình trạng ruộng đất manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu; đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực này năm cao nhất (năm 2006) chỉ đạt 14,47% tổng đầu tư toàn tỉnh. Đặc biệt, hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn rất thấp. Kết quả điều tra tháng 7/2007 cho thấy, sản xuất 1ha lúa đông xuân chỉ lãi 3,5 triệu đồng; chỉ có 26,6% số lao động nông thôn được đào tạo nghề. Để từng bước khắc phục những bất cập trên, Tỉnh ủy Hải Dương đã nghiên cứu và đề ra nhiều giải pháp, xây dựng và triển khai bảy chương trình với 23 đề án đề cập đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó Chương trình “Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2006-2010” đã bắt đầu khởi động và thu được một số kết quả.

Sức bật vùng ven đô

Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, vùng ngoại ô TP.Cần Thơ xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như: trồng rau sạch, trồng hoa, làm nấm, nuôi bò sữa... Trong đó phải kể đến Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Long Tuyền đã đưa được sản phẩm rau sạch vào các siêu thị. Chủ nhiệm HTX Triệu Công Đính cho biết: “Một công (1.000m2) đất trồng rau màu, trừ chi phí, lãi 1,5 - 2 triệu đồng/vụ (3 tháng), một năm có thể thu lãi hơn 50 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần trồng lúa”.

Sản xuất nông nghiệp ở Cần Thơ chuyển dần theo hướng chuyên canh chất lượng cao, cung cấp phần lớn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, cái khó lớn nhất của nông dân khi bước vào hội nhập là tập quán canh tác tự sản tự tiêu, thiếu sự liên kết. Ông Đính cho biết, mỗi hộ nông dân trong khu vực trung bình có 5-7 công đất, chứng tỏ quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán. Những nông dân làm ăn hiệu quả, muốn tăng diện tích lại thiếu vốn, trong khi có hộ càng làm càng lún. Một nền sản xuất hàng hóa nhất thiết phải được tập trung và tích tụ ruộng đất phù hợp. Tự bản thân nông dân không thể tích tụ ruộng đất. Phải có người đứng ra thuê đất, thuê lại một bộ phận nông dân và làm theo công nghệ mới, cho thu nhập cao hơn ngay trên những mảnh đất đó”.

Mô hình Chợ Mới

Là địa phương khởi phát phong trào làm lúa vụ ba ở An Giang, nông dân Chợ Mới có trong tay vốn kiến thức kha khá về nghề trồng lúa. Trong bối cảnh giá lương thực ngày càng tăng cao, để nâng cao thu nhập cho nông dân, lãnh đạo huyện tiếp tục khuyến khích bà con làm lúa vụ ba trên cơ sở ứng dụng hiệu quả tiến bộ kỹ thuật. “Chưa bao giờ tôi thấy bán lúa đã tay như bây giờ!”, lão nông Nguyễn Duy Thiệt (Năm Thiệt) ở ấp Hòa Hạ, xã Kiến An nói trong sự phấn khích. Chỉ với 9 công ruộng, ông Năm đã dựng được căn nhà chống lũ khang trang, nuôi con học đại học. Hỏi ra mới biết ông là cao thủ trồng lúa đất Chợ Mới, năng suất đạt tới 21 tấn/3 vụ/năm. Ruộng của ông Năm được chọn làm thí điểm áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, phun thuốc “4 đúng”.

Bà Trần Thị Yến Châu, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn được Huyện uỷ, UBND huyện quan tâm. Chúng tôi chỉ đạo phát triển sản xuất dựa trên yếu tố khai thác tối đa thế mạnh. Ví dụ, với những nông dân giàu kinh nghiệm sản xuất lúa, chúng tôi khuyến khích bà con chủ động sản xuất lúa vụ ba. Từ nông dân đến cán bộ đã ý thức được việc tuân thủ lịch xuống giống lúa là phương cách né rầy hữu hiệu và đảm bảo cho sản xuất lúa vụ ba”.

Ngoài lúa, Chợ Mới còn có những mô hình trồng rau màu đạt hiệu quả cao. Lão nông Nguyễn Minh Hùng (Ba Hùng) ở ấp Hòa Trung là tay trồng rau nổi tiếng xã Kiến An. Ba Hùng vừa bán 4 công cải, thu được gần 6 triệu đồng, trong đó lãi hơn phân nửa. Năm rồi, sản xuất 4 vụ, Ba Hùng đạt doanh thu gần 40 triệu đồng, lãi gấp hai lần làm lúa. Kiến An cũng là 1 trong 5 xã của Chợ Mới thực hiện mô hình trồng rau an toàn. Đây cũng là hướng đi mới của nông dân Chợ Mới nhằm khuếch trương thương hiệu rau dưa củ đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Hiện tại, mỗi ngày Chợ Mới cung cấp khoảng 10 tấn rau cho các tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long, xuất sang cả Campuchia. Không ít cư dân lành nghề nông Chợ Mới đổ xô sang Đồng Tháp và một số huyện khác của An Giang, thậm chí sang Campuchia thuê đất làm nông nghiệp.

Để có những thành tựu như hôm nay, huyện Chợ Mới đã có những bước đi đúng đắn. Cách đây 2 năm, Huyện ủy ra Nghị quyết số 07-NQ/HU về đẩy nhanh CNH -HĐH nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006-2010. Theo đó, Huyện ủy Chợ Mới xác định, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật. Phát triển nông nghiệp theo hướng lấy kinh tế lương thực làm nền tảng, kinh tế vườn, chăn nuôi, thủy sản làm mũi nhọn. Theo đó, giảm diện tích lúa, tăng màu, cây ăn trái, phấn đấu đến năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2.653 tỷ đồng, tăng 19,15% so với năm 2006, tốc độ tăng bình quân 4,5%/năm. Trong năm 2008, Huyện ủy Chợ Mới xác định: Đẩy mạnh chương trình “3 giảm, 3 tăng” đạt 75% diện tích sản xuất lúa; xã hội hóa sản xuất giống để đạt 1.300ha lúa giống; phát triển nhanh vùng rau an toàn gắn với thị trường. Đồng thời, thực hiện tốt giao thông, thủy lợi nội đồng, trang bằng mặt ruộng, tạo điều kiện để đưa khoa học, công nghệ và cơ giới vào đồng ruộng. Nói là làm, Chợ Mới là một trong những huyện đầu tiên của An Giang áp dụng trang bằng mặt ruộng bằng tia lazer; đưa nhiều trạm bơm tưới sử dụng điện thay thế dầu.

Những điển hình như thế có thể bắt gặp ở nhiều nơi, chỉ cần nông dân được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, trên cơ sở đó thay đổi tập quán canh tác, chắc chắn cuộc sống sẽ có nhiều khởi sắc.



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường