Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao chính sách hỗ trợ "trễ hẹn" với với dân?
11 | 06 | 2008
Những chính sách hỗ trợ không đến được với dân thường là do cách làm, hay nói cách khác, đó là sự quan tâm nửa mùa của những người ra chính sách - nhận định của một số chuyên gia về nông nghiệp.
Không tin cấp dưới

LTS: Loạt bài "Chính sách cho nông dân: Từ văn bản đến thực tiễn" đã đăng liên tục đến hôm nay là 14 kì. Chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến phải hồi của các nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội và đặc biệt là đông đảo bạn đọc xa gần. Sau khi báo phản ánh một số chính sách cụ thể chưa đến được với người dân, nhiều địa phương đã tiếp thu, khắc phục kịp thời. Nhiều độc giả đề nghị chúng tôi tiếp tục tìm hiểu, đăng tải tuy nhiên hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị cho một loạt bài khác nên xin tạm khép lại loạt bài tại đây.

Trong quá trình đi tìm câu trả lời vì sao một số tỉnh giầu có, ra quyết định hỗ trợ cụ thể rồi mà có vài tỷ đồng hỗ trợ nông dân vẫn không thực hiện được? Chúng tôi tìm thấy những văn bản các ngành chức năng của tỉnh này đỗ lỗi cho nhau. “Ông” cầm tiền là Sở Tài chính thì có văn bản cho rằng, không thực hiện được là do địa phương và các ngành liên quan chưa thống kê đầy đủ, cụ thể, đúng quy định nên chưa thể cấp tiền. Các “ông” còn lại thì bảo đã làm đâu vào đấy cả rồi...

T.S Lê Đức Thịnh - Viện Chiến lược chính sách PTNN-NT cho rằng, điều đó thể hiện cấp trên không tin cấp dưới. Khi tài chính xuất tiền ra mà đến nhầm địa chỉ thì đó là trách nhiệm của tài chính, nên họ luôn trong thế thận trọng nhất. Chỉ “OK” ngay khi quyền lợi của họ được sẻ chia (điều này trong thực tế đã có).

“Ở nước ta có một điều đáng sợ là trong những trường hợp phải hỗ trợ thiên tai thì người ta hay thống kế quá lên so với thực tế thiệt hại. Khi "ông" có thẩm quyền có quyết định hỗ trợ rồi, công bố rồi, nhưng xuất tiền cho dân lại là việc hoàn toàn khác. Tài chính sẽ luôn kêu khó cân đối được, không tin việc thống kê…mặc dù có quỹ phòng chống rủi ro. Vì thế, người ta gọi sự công bố, hay quyết định hỗ trợ đó chỉ là đồng ý trên nguyên tắc. Nghiên cứu nhiều chính sách hỗ trợ ra đời chậm đến được với người dân, chúng tôi thấy điều đó rất rõ. Ngay cả khi đã có những quyết định hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, bên tài chính họ vẫn nói rằng là chưa cân đối được. Cuối cùng thiệt hại dân lĩnh. Còn chính quyền thì gần như hết trách nhiệm”, ông Thịnh phân tích.

Một chuyên gia kinh tế trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, chính sách hỗ trợ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp là rất cần thiết, nhưng thực tế ở ta, nó không khẩn cấp một tí nào, nó chỉ khẩn cấp…giấy mà thôi. Chính sách này thường bị hành chính hoá nó “hành”. Từ khi Thủ tướng, Bộ trưởng hay Chủ tịch UBND tỉnh ra một quyết định hỗ trợ cụ thể bao nhiêu tiền/hộ rồi đến khi tiền đó tới được tay nông dân, người ta phải chi rất nhiều tiền cho giấy tờ, công đi lại của công chức thực hiện việc đó. Thống kê gửi lên xã, xã “OK” gửi lên huyện, huyện “OK” gửi lên tỉnh, tỉnh bảo "ông" khai nhiều quá hay ít quá lại quay về bổ sung. Chưa kể đến việc, sau mỗi cấp như thế các ngành liên quan như tài chính hay ngân hàng cũng phải “OK” nữa mới được. Được xong mới tính đến lấy tiền ở đâu. Với cái thời khoá tài chính của mình hiện nay, 2 năm tiền đến được với dân có khi còn...nhanh.

Hỗ trợ phải là cơ chế đặc biệt

Ông Tô Thành Mai, chuyên gia nghiên cứu về chính sách Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân cho rằng: “Tiền hỗ trợ cho nông dân trong những trường hợp khẩn cấp là thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta vì thế nó phải được phải được coi như là một cái phễu, rót thẳng xuống nông dân, không lòng vòng. Khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra đúng là chính quyền, đoàn thể rất quan tâm, và thường là các chính sách hỗ trợ cũng rất kịp thời nhưng tiền luôn luôn đến với dân chậm. Lúc người dân cần phục hồi sản xuất thì không hỗ trợ, lúc người dân tái nghèo rồi hỗ trợ mới đến, thậm chí không đến nữa. Trong nhiều cuộc họp, hội thảo, tôi thấy ai cũng biết điều đó mà không thấy ai đề nghị xử lý cả.”

Nhiều nhà nghiên cứu về Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân cho rằng, chính sách hỗ trợ của chúng ta hiện nay thì rất nhân đạo nhưng nhiều chính sách đó lại gây bức xúc cho người dân. “Khi thiên tai dịch bệnh xảy ra, gấp gáp như thế, người dân mong ngóng từng giờ đồng tiền hỗ trợ như thế để kịp khôi phục sản xuất trong khung thời vụ thì chúng ta không thể thực hiện việc hỗ trợ theo kiểu hành chính đang cản trở như hiện nay được. Cho chẳng ra cho, mua không ra mua, hỗ trợ không ra hỗ trợ, dân bán tín bán nghi. Trong tình thế cấp bách như vậy, việc giải quyết thủ tục hành chính này phải được thực hiện theo một cơ chế đặc biệt để sự hỗ trợ đến được với dân nhanh nhất. Tác phong khi thực hiện hỗ trợ phải là tác phong chiến đấu, chứ sao ì ạch như hiện nay được. Ai không làm được phải xử lý", ông Mai kiến nghị.

Một số ý kiến khác cho rằng, để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp, chính quyền phải lên được kịch bản khi thiên tai, đặc biệt là dịch bệnh…do nguyên nhân chủ quan gây ra. Phương án kỹ thuật đó một phần hạn chế được sự thiệt hại do nguyên nhân chủ quan, một phần giúp cho việc thống kê, hỗ trợ được thực hiện một cách nhanh chóng.

Theo những nghiên cứu của Viện Chiến lược Chính sách NN-PTNT, tiền hỗ trợ thường không thể đến dân 100%, nó bị “rơi vãi” từ 10-25%. Tiền đó vài túi ai thì không rõ. Nhưng có nơi họ giải thích đó là tiền chi công thống kê, đánh giá thiệt hại… Còn việc tiền hỗ trợ đến tay người dân chậm là phổ biến. Sau 1-2 năm mà không đến với dân, dân cũng quên luôn.

---------------

Tin liên quan

Giải quyết vấn đề ''tam nông'': Phải bắt đầu từ ruộng đất!
Bài 13: Ông Dean Wu - TGĐ InnovGreen: Chính sách tốt, triểu khai còn khó
Bài 12: ''Chính sách đúng thì vào cuộc sống không gì ngăn nổi...''
Phản hồi loạt bài ''Chính sách cho nông dân: Từ văn bản đến thực tiễn''
Bài 11: Cần xử lý “rừng treo”
Bài 10: Rà soát xong, đất rừng vẫn ''treo''...



Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường