Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kon Tum: Mía ’đắng’ !
24 | 05 | 2010
Chưa năm nào cây mía ở Kon Tum bị nhiễm bệnh than nặng như năm nay. Thành phố Kon Tum có hơn 500 ha mía bị nhiễm bệnh than ở xã Vinh Quang, Ya Chiêm, phường Thống Nhất, Nguyễn Trãi… Người dân tiếc của không tiêu hủy 50% diện tích mía bệnh khiến nguy cơ bệnh than lan rộng khi mùa mưa đến.
Anh Lê Văn Bằng, cán bộ Trạm bảo vệ thực vật (BVTV) thành phố Kon Tum cho biết, nông dân ở phường Nguyễn Trãi, xã Đoàn Kết… khi chưa được tập huấn cho rằng mía bệnh là cây “mía đực”, “mía sả” và nhổ bỏ đi.

Ra cánh đồng mía sau Trại phong Đăk Kia, xã Đoàn Kết, ông Đỗ Luật đang làm cỏ và vun xới gốc cho mía, cho hay “Cây mía bị bệnh than hầu hết ở diện tích mía lưu gốc. Giống mía bị bệnh là VD 81, quế đường (giống Trung Quốc) do Công ty Cổ phần đường Kon Tum đầu tư. Nhà tôi làm 1,4 ha mía giống VD 81 đều bị nhiễm bệnh than. Hai năm đầu trồng mía chủ yếu trả tiền đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho nhà máy đường. Năm này là năm mình ăn nhưng cây mía bị bệnh như thế này… đau quá!”.

Với sản lượng bình quân 80 tấn/ha, doanh thu gần 50 triệu đồng, số mía bị nhiễm bệnh gây thiệt hại cho người trồng hàng chục tỷ đồng.

Loay hoay

Khi chúng tôi hỏi sao không tiêu hủy và chuyển sang trồng cây khác, ông Luật than thở: “Tiêu hủy phải thuê máy cày, cày đi cày lại vài lần. Công sức đâu mà tiêu hủy, tiền đâu mà thuê. Bây giờ nếu có tiêu hủy để chuyển sang trồng mì, ngô, đậu cũng không kịp vì trễ vụ rồi.

 Tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 3.000 ha mía, trồng tập trung ở ngoại ô thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy, Đăk Hà. Hiện nay bệnh đã lan sang một số xã Sa Bình, Ya Xia của Sa Thầy. Do chưa có chế độ hỗ trợ của chính quyền nên ngành bảo vệ thực vật Kon Tum chỉ biết khuyến cáo và vận động người dân tiêu hủy phần diện tích bị nhiễm bệnh.

Gia đình không muốn tiêu hủy nhằm vớt vát, sau này bán kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Hơn nữa, chưa nghe thành phố có chính sách hỗ trợ cho người phá mía bị nhiễm bệnh than. Nếu thành phố có chính sách hỗ trợ thỏa đáng chúng tôi cày bỏ mía luôn”- Ông Luật khẳng định.

Kế bên ruộng ông Luật là ruộng mía của ông A Hoan (Trại phong Đăk Kia). Ông Hoan cày bỏ mía nhưng không gom lại để đốt. Một số hộ khác cũng cày bỏ ruộng mía (chủ yếu mía năm thứ 3, thứ 4). Có ruộng mía bà con cày bỏ, gốc mía bị vùi lấp đã lên cây non, nhưng không thấy bà con trồng lại cây gì.

Ông Ngô Văn Phòng, phường Nguyễn Trãi - một người có thâm niên thâm canh cây mía nói: “Nhà tôi thuê mướn đất làm 15 ha mía ở cánh đồng Cửu Nghi, xã Đoàn Kết. Năm nay cây mía bị bệnh than nhiều hơn các năm trước”.

Việc loay hoay và chậm trễ trong việc tiêu hủy cây mía dẫn đến mía bị bệnh sống chung với mía không bị bệnh. Đây là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh than tiếp tục lan rộng.

Ông Đinh Quang San - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Kon Tum khẳng định: Bệnh than trên cây mía vô phương cứu chữa bởi chưa có thuốc đặc trị. Năm qua Kon Tum bị lũ ngập nặng, lượng đất bồi nhiều nên các bào tử bệnh ủ trong đất lớp đất ẩm, dày phát tán mạnh. Nếu chính quyền các cấp không có biện pháp hỗ trợ người trồng mía, để bệnh than lan rộng, vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy đường Kon Tum sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường