Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nhà máy đường cam kết không tranh mua tranh bán nguyên liệu
11 | 09 | 2007
Các Nhà máy Đường Ayunpa, An Khê, Kon Tum và Bình Định trong khu vực tỉnh Gia Lai đã cam kết không tranh mua, tranh bán nguyên liệu nhằm ổn định giá cả đầu vào, đảm bảo hạ giá thành sản phẩm.

Trên cơ sở cam kết, các nhà máy đường đã thoả thuận phân vùng quy hoạch trồng mía cụ thể ở từng địa bàn và có kế hoạch đầu tư, thu mua trực tiếp với nông dân, không “lấn sân” lẫn nhau. Dự kiến trong niên vụ mía 2006 - 2007 các nhà máy đường đều mở rộng diện tích trồng mía lên đến 21.000 ha, tăng gần 40% so với niên vụ trước. Nhiều nhất là Nhà máy Đường An Khê gần 10.000 ha, Ayunpa và Bình Định mỗi đơn vị 5.000 ha, Kon Tum hơn 1.000 ha. Các nhà máy cũng đã thống nhất giá mua mía trong niên vụ tới không vượt quá 400.000 đồng/tấn mía cây với chữ đường trên 10CCS, với mức giá này nhà máy có lợi nhuận và người trồng mía cũng có lãi ít nhất 40% so với giá thành nông nghiệp. Ngoài ra, từng nhà máy cũng đã lên phương án đầu tư thiết bị nâng cao năng lực hoạt động và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng chất lượng vườn mía. Riêng Nhà máy Đường An Khê cải tiến lại dây chuyền sản xuất tăng công suất chế biến từ 2.500 tấn lên 5.000 tấn mía cây/ngày, tăng năng suất mía trồng từ 43 tấn/ha lên 55 tấn/ha.

Nhiều niên vụ trước đây, các nhà máy đường trong khu vực thường diễn ra tình trạng tranh mua, tranh bán đã đội giá thu mua nguyên liệu lên rất cao đến hơn 700.000 đồng/tấn mía cây. Thực trạng này đã tạo cho nông dân “bất chấp” việc ký kết hợp đồng với nhà máy và tự do chở mía bán cho những nơi có giá mua cao hơn. Không những thế, các nhà máy còn phải chịu thu lỗ, sản phẩm ứ đọng khi giá thành sản phẩm vượt quá ngưỡng cho phép của thị trường.



Nguồn: thitruong
Báo cáo phân tích thị trường