Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Báo cáo mới của Tuỳ viên Bộ Nông nghiệp Mỹ về vụ đường Thái Lan năm marketing 2007
17 | 09 | 2007
Theo báo cáo của Tuỳ viên Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng đường Thái Lan trong năm marketing 2007 sẽ tăng đáng kể lên mức 6,3 triệu tấn. Sản lượng tăng nhờ thời tiết thuận lợi, mức giá hấp dẫn do chính phủ thiết lập và định hướng thay thế xăng giá cao bằng các loại nhiên liệu thay thế có gốc từ mía và mật đường. ^Sản lượng mía cũng được dự đoán tăng đáng kể so với năm trước, lên mức 59 triệu tấn.

Sản lượng đường Thái Lan năm marketing 2007 dự đoán tăng lên mức 6,3 triệu tấn sau một vụ mía bội thu. Xuất khẩu đường theo đó cũng sẽ phục hồi so với năm trước, nhờ nguồn cung tăng ở mức giá thấp hơn, và việc khôi phục trong nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia châu Á.

Kể từ tháng 3/06, Ủy ban mía đường Thái Lan đã duy trì giá đường bán buôn trên thị trường nội địa ở mức cao hơn 1-2 Uscent/lb so với giá thế giới nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu tại các nước láng giềng. Việc giá đường thế giới ở mức thấp 15 – 16 Uscent/lb đã chấm dứt gần như hoàn toàn hoạt động buôn lậu trong năm trước.

Sản lượng mía năm marketing 2007 được điều chỉnh tăng lên mức 59 triệu tấn, cao hơn đáng kể so với năm trước, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Năng suất mía trung bình dự đoán tăng lên khoảng 8,8 kg/rai (tương đương với 55 tấn/ha) so với mức 7,5 kg/rai (46,7 tấn/ha) năm trước. Trận lụt trong suốt thời điểm bắt đầu trồng mía chỉ có tác động nhỏ lên diện tích mía. Mức độ thiệt hại từ lũ lụt trong giai đoạn trồng mía ban đầu dự đoán chỉ hạn chế ở mức khoảng 3.000 rai (480 ha) trên tổng diện tích bị ảnh hưởng là 23.000 rai (3.680 ha). Trận lụt vừa qua trong tháng 9 sẽ không có ảnh hưởng đến sản lượng mía bởi khi đó mía đã phát triển mạnh và nước rút rất nhanh.

Khối lượng đường xuất khẩu của Thái Lan trong năm marketing 2007 cũng được điều chỉnh tăng nhờ nguồn cung có thể xuất khẩu nhiều hơn trong bối cảnh dự đoán vụ mía bội thu. Trong đó, xuất khẩu sang các nước châu Á dự đoán phục hồi bởi giá xuất khẩu giảm sút. Mức giá xuất khẩu hiện nay của đường thô chỉ dao động trong khoảng 12 – 13 Uscent/lb (tương đương với 264 – 287 USD/tấn), giảm đáng kể so với mức kỷ lục 19 Uscent/lb (vào khoảng 419 USD/tấn) hồi tháng 2 năm nay. Thái Lan cũng sẽ phải hoàn thành hạn ngạch xuất khẩu đường thô 17.943 tấn (quy thô) sang thị trường Mỹ trong năm 2007, cao hơn đôi chút so với mức thông thường trước đây là 14.743 tấn để duy trì thị phần kỷ lục.

Năm 2006, xuất khẩu đường của Thái Lan được điều chỉnh gảim do sự thu hẹp trong nhu cầu nhập khẩu đường thô từ các nước nhập khẩu lớn, trong đó phải kể đến Indonesia và Nga – nơi sản lượng nội địa tăng cao. Tình trạng tương tự cũng xảy ra khi xuất khẩu đường trắng và tinh luyện sang thị trường Malaysia giảm sút mạnh do sự cạnh tranh của đường Braxin. Trong khi đó, xuất khẩu đường trắng và tinh luyện sang Campuchia lại tăng đáng kể. Ngoài ra, một số đường Thái Lan cũng đã được buôn lậu vào Việt Nam thông qua Campuchia. Hiện Thái Lan đã hoàn thành hạn ngạch xuất khẩu đường thô niên vụ 2005/06 sang thị trường Mỹ với mức xuất khẩu đạt 25.154 tấn (quy thô), cao hơn đáng kể so với mức hạn ngạch thông thường là 14.743 tấn.

Khối lượng đường nhập khẩu vào Thái Lan trong năm marketing 2006 và 2007 dự đoán sẽ rất nhỏ, bởi nguồn cung nội địa dồi dào. Chính sách nhập khẩu của chính phủ tuân thủ cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo đó, đường nhập khẩu trong hạn ngạch 13.760 tấn được áp thuế suất 65% (tương đương với 15,95 Uscent/kg), còn đường nhập ngoài hạn ngạch chịu mức thuế 94% (23,06 Uscent/kg).

(Nguồn tin: Reuters)



Báo cáo phân tích thị trường