Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL lo thiếu mía
20 | 09 | 2008
Niên vụ mía đường năm nay, vùng ĐBSCL có thêm hai nhà máy đi vào hoạt động, nhưng diện tích mía lại giảm hơn 4.500 héc ta.
Chưa đầy 20 ngày sau hội nghị “Tiêu thụ mía đường niên vụ 2008-2009”, tuần rồi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) tiếp tục tổ chức hội nghị “Phát triển sản xuất mía đường khu vực ĐBSCL” tại Sóc Trăng đề cập đến việc bảo đảm vùng nguyên liệu cho các nhà máy.

“Vùng ĐBSCL họp về chuyện cây mía là nhiều nhất trong các vùng! Có vụ phải họp 3-4 lần”, ông Nguyễn Xuân Trình, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thừa nhận. Rắc rối chính là từ vấn đề vùng nguyên liệu, mà theo ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT: “Quá phức tạp! Nông dân sản xuất mía mà không biết mình sẽ bán cho nhà máy nào. Trong khi ở miền Trung, Tây Nguyên... việc liên kết giữa nhà máy và nông dân thực hiện rất tốt”.

Thống kê sơ bộ của Cục Chế biến - Thương mại - Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN & PTNT), chỉ tại bốn tỉnh có vùng nguyên liệu lớn là Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre và Sóc Trăng, đã có gần 15.000 héc ta mía mà hàng năm nông dân không biết đã bán... cho nhà máy nào. Bởi việc mua mía do thương lái đảm nhận và họ chở về đâu chỉ có nhà máy ấy biết!

Hưởng chung vùng nguyên liệu!

Niên vụ mía trước, Sóc Trăng có 57% diện tích mía được Nhà máy Đường Sóc Trăng ký hợp đồng bao tiêu và 24 tỉ đồng đã được đầu tư trước cho nông dân. Nhưng niên vụ năm nay, theo ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc nhà máy này, diện tích bao tiêu chỉ còn khoảng 40% và số tiền đầu tư vào vùng nguyên liệu cũng giảm theo, chỉ khoảng 13 tỉ đồng.

“Lãi vay ngân hàng tăng khiến chúng tôi giảm mức đầu tư. Nhưng nguyên nhân chính là vụ vừa qua hàng loạt nông dân phá vỡ hợp đồng khi các nhà máy đường khác đến mua, đưa ra nhiều ưu đãi hơn. Do đó, nếu bỏ vốn càng nhiều, rủi ro càng lớn”, ông nói.

Ông Châu kể tên gần như đủ các nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL rồi nói: “Bến Tre qua, rồi Hậu Giang xuống, Cà Mau cũng lên... mua. Tình trạng này không mới, bởi nó cứ tái diễn mỗi khi giá đường tăng hoặc nguyên liệu khan hiếm. Năm nay, nhà máy đường này là “nạn nhân”, nhưng những năm trước lại có thể là một trong các “thủ phạm”. Như hồi năm 2005, đã có “va chạm” giữa Sóc Trăng và Hậu Giang khi Nhà máy Đường Sóc Trăng cho rằng hai nhà máy đường ở Hậu Giang đã nhờ cơ quan chức năng không cho ghe chở mía từ trong tỉnh về Sóc Trăng.

Vùng mía nguyên liệu nhà máy nào xây dựng sẽ là “miếng mồi” ngon cho các nhà máy khác nhảy vào và ngược lại, dẫn đến tình trạng, theo lời ông Tần, là “cả nước không có vùng nguyên liệu mía nào như vùng ĐBSCL, không hề phân định rạch ròi”.

Nhà máy khó, nông dân cũng chẳng vui!“

Các nhà máy ở ĐBSCL tranh mua, tranh bán, không có tổ chức và cũng không có trách nhiệm với nông dân”, ông Tần nói. Vì nghĩ vùng nguyên liệu là “của chung”, nên khi cần thì nhà máy tranh nhau mua, còn lúc mía thừa thì ai cũng ngó lơ. Như ở Sóc Trăng, hiện vẫn còn khả năng phát triển thêm khoảng 2.000 héc ta mía, nhưng theo ông Huỳnh Thành Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh, nếu trồng thì khi mía thừa biết bán cho ai bởi thiếu sự gắn kết giữa quy hoạch vùng nguyên liệu với nhà máy!

Không chú tâm xây dựng vùng nguyên liệu riêng, nên các nhà máy không đầu tư bao nhiêu cho nông dân, dẫn đến vùng mía nguyên liệu giảm chất lượng, mía không đạt chữ đường (CCS), có nơi chỉ đạt 7 CCS (trong khi đúng chuẩn là 10 CCS). “Có giống sử dụng đã 20 năm nhưng vẫn xem là giống mới. Trong khi một giống mía mới thường chỉ sử dụng từ 3-5 năm”, ông Tần viện dẫn.

Vì vậy, giá thành sản xuất và chế biến tăng cao. “Một số nước như Thái Lan, giá thành một ki lô gam đường chưa tới 5.000 đồng, trong khi các nhà máy trong nước phải chấp nhận ở mức 7.000-8.000 đồng”, ông Tần nói. Những lúc mía khan hiếm, các nhà máy đường lại chấp nhận tăng giá thành để đẩy giá mua lên. Chính vì vậy mà theo ông Trình: “Giá mía ở ĐBSCL thường bằng gấp rưỡi giá mía trung bình cả nước, trong khi giá bán đường không cao hơn mấy”. Tuy nhiên, phần chênh lệch ấy nông dân chẳng hưởng bao nhiêu vì thương lái mới chính là đối tượng nhà máy cần ưu đãi để họ chở mía về. “Như những năm trước, có lúc mía lên 740 đồng/ki lô gam, nhưng chỉ có thương lái hưởng”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Nhà máy Đường Bến Tre, kể.

Theo ông Hiệp, niên vụ mía 2007-2008, giá mía nguyên liệu chỉ dao động trên 450 đồng/ki lô gam, nông dân thua lỗ nặng. Còn niên vụ 2008-2009, các nhà máy đã cam kết sẽ mua mía 10 CCS tại nhà máy với giá 500 đồng/ki lô gam, nhưng nhiều chuyên gia dự đoán giá mua sẽ giảm khi vào vụ bởi giá đường nội địa hiện vẫn ở mức thấp và đang phải cạnh tranh gay gắt với đường nhập lậu.

“Nếu trồng mía không còn lợi nhuận thì dĩ nhiên nông dân sẽ chuyển sang loại cây trồng khác và tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ trầm trọng. Niên vụ này, diện tích mía cả nước đã giảm 17.000-18.000 héc ta và dự đoán tiếp tục giảm vào những năm tới”, ông Tần nhận định.

Kêu gọi sự đồng thuận

Theo ông Tần, ngay từ lúc này, các nhà máy đường cần chú tâm xây dựng vùng nguyên liệu, hợp tác trong việc mua mía để giảm dần tình trạng tranh mua, tranh bán, qua nhiều trung gian dễ dẫn đến rủi ro về giá mà nông dân chính là người chịu thiệt. Một nhà máy ở tỉnh này vẫn có thể xây dựng vùng nguyên liệu ở tỉnh khác, nhưng phải phân định rõ với nhà máy tại địa phương và có hợp đồng bao tiêu. Hoặc giả như muốn đến Trà Vinh mua mía, cần liên hệ nhà máy đường ở tỉnh này để được giới thiệu hoặc mua giúp chứ không thể tự nhảy vào mua, gây xáo trộn.

Liệu chúng ta có muốn làm điều này không? Theo ông Tần, việc quan trọng nhất là các nhà máy đường trong vùng phải đồng thuận. “Ở Quảng Ngãi trước đây, do đồng lòng và thỏa thuận trước, nên khi có xe chở mía từ vùng nguyên liệu của nhà máy khác đến bán thì nhà máy này kiên quyết không mua và buộc chở về. Chi phí chở đi, chở về một lần là thương lái đủ sợ!”, ông Tần kể.





Nguồn: thesaigontimes.vn
Báo cáo phân tích thị trường