Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Chưa vào vụ đã nếm vị đắng của mía!
26 | 08 | 2008
Hậu Giang đang có khoảng 200.000 tấn mía nguyên liệu đang bị lũ uy hiếp và mong muốn các nhà máy đường sớm hoạt động để “chạy lũ”. Còn các nhà máy đường gần như né tránh đưa ra giá sàn thu mua mía...
Ngày 22/8, tại Hậu Giang, 10 nhà máy đường(NMĐ) ở ĐBSCL đã ngồi lại với nhau để bàn cách tiêu thụ mía nguyên liệu trong niên vụ 2008-2009. Không phải ngẫu nhiên Hậu Giang được chọn làm nơi họp mặt. Tỉnh này đang có khoảng 200.000 tấn mía nguyên liệu đang bị lũ uy hiếp mong muốn các NMĐ sớm hoạt động để “chạy lũ”...

“Làm ơn” mua mía khi nước lũ ngấp nghé!

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, diện tích trồng mía của tỉnh này các năm qua có nhiều biến động: có lúc 17.000 – 18.000 ha nhưng có lúc xuống chỉ còn 6.000 – 7.000 ha do cả thu mua mía nguyên liệu bấp bênh. Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển giao khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp chủ động bao tiêu, vụ mía 2008-2009 diện tích trồng mía của tỉnh đạt 15.471 ha. Sản lượng ước đạt 1 triệu tấn mía cây. Trong đó, các giống chủ lực được nông dân trồng: dòng lai Mỹ 24, quế đường 11, quế đường 13, ROC 16 cho năng suất khá cao bình quân 84 tấn/ha, cá biệt có nhiều hộ đạt trên 150 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho rằng, cần sớm đưa các NMĐ vào hoạt động. Yêu cầu các NMĐ trong vùng đến và mua khoảng 200.000 tấn mía thuộc địa bàn huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy. Hậu Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN thu mua. Hiện Hậu Giang có khoảng 16.000 hộ trồng mía, chiếm gần 20% nông dân của tỉnh. Đề nghị các NMĐ cân đối thu mua đảm bảo cho người trồng mía lãi từ 40% trở lên với giá thành 350đ/kg (350đ + 40% = 490đ/kg trở lên). Tuy nhiên, một số NMĐ lại cho rằng, ở thời điểm đầu tháng 9-2008, chữ đường mía còn thấp, rất khó mua. Chuyện giá sàn mía nguyên liệu 500đ hay 550đ/kg vẫn còn lệ thuộc vào chữ đường của mía và vẫn còn phải chờ.

Tuy nhiên, nhiều nông dân ở Phụng Hiệp, Ngã Bảy (Hậu Giang) đang lo lắng sẽ bị thương lái ép giá. “Vụ rồi lúc mía khó tiêu thụ, thương lái đến rẫy mía của nông dân bẻ mía “nếm nếm” rồi “phán” chữ đường theo hướng ép dân” – ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết.

Nếu tính toán với mức lợi nhuận 40%, nông dân trông mía cũng chỉ đạt lới nhuận khoảng 14 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận quá thấp so với thời gian gần 1 năm trồng 1 vụ mía. Tuy nhiên, hiện các NMĐ cũng rất khó đưa ra già sàn thu mua mía nguyên liệu – vì phải lệ thuộc rất lớn vào đầu ra!?

“Từ 15-9, 3 nhà máy đường ở Hậu Giang sẽ đi vào hoạt động. Các NMĐ còn lại sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 9-2008. Các nhà máy cần phấn đấu thu mua mía nguyên liệu với giá sàn 500đ/kg (mía 10 chữ đường). Trong đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân” – ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục chế biến – thương mại, nông lâm – thủy sản và nghề muối nhấn mạnh. Nói là thế, song vẫn phải chờ vào vụ mới biết “đáp số”!? Vụ rồi, giá mía “trồi sụt” thất thường, diện tích mía từ 64.573 ha đã giảm xuống chỉ còn khoảng 60.000 ha. Đây chỉ là số liệu báo cáo của các tỉnh, một số NMĐ cho biết, trên thực tế rất nhiều diện tích mía tồn tại…“ảo”!?

Doanh nghiệp cần tham gia chống buôn lậu….

10 NMĐ hiện có công suất hoạt động 21.500 tấn/ngày. “Các NMĐ đừng đánh nhau nữa” – Giám đốc một công ty mía đường kêu gọi. Không phải ngẫu nhiên doanh nghiệp này kêu gọi thế.

Những năm qua, thường vào đầu vụ, các NMĐ hay “chê” vùng nguyên liệu mía lũ của Phụng Hiệp – Ngã Bảy nhưng khi vào chính vụ lại “xâu xé” tranh giành mua nguyên liệu. Năm nay chắc tình hình sẽ lắng đọng hơn! Vì hiện tại các NMĐ rơi vào thế khó khăn chồng chất. Giá đường quá thấp, lượng tồn kho còn nhiều, đường lậu lại áo ạt tràn vào.

Theo tính toán của một số NMĐ ở ĐBSCL, giá đường RS bán buôn loại trung bình sẽ dao động ở mức 8.000đ/kg từ nay đến hết tháng 9/2008. Đây là mức giá thấp so với giá thành sản xuất của các NMĐ trong vùng. Trong khi đó, đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam mỗi ngày khoảng 400 - 500 tấn/ngày tiếp tục tuồn về. Thậm chí sẽ cao hơn khi mùa lũ tràn về trong thời gian tới. Hiện các NMĐ trong khu vực buộc phải giải phóng đường tồn kho trong sự cạnh tranh khốc liệt về giá với đường lậu. Vấn đề được các doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương quan tâm là: giải quyết nguồn vốn, lãi suất hợp lý để doanh nghiệp triển khai mua mía của nông dân. Trong đó, cần có biện pháp triển khai phòng chống buôn lậu hiệu quả để duy trì giá đường hợp lý để các doanh nghiệp mua mía nguyên liệu với giá phù hợp.

“Việc triển khai các biện pháp phòng chống buôn lậu là cấp bách. Các doanh nghiệp chống buôn lậu tốt nhất là đừng tham gia buôn lậu” – một vị lãnh đạo ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nói. Bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc các công ty Mía đường cồn Vạn Phát đã ủng hộ giải pháp này.

Theo bà Quy, cần “làm rõ” doanh nghiệp tiếp tay cho buôn lậu thông qua chuyện hợp thức hóa hóa đơn…!? Ông Lê Văn Đông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty mía đường II đề xuất: Các NMĐ chi tiền cho lực lượng phòng chống buôn lậu tăng cường “triệt tiêu” đường lậu!

Ngay lập tức một vị lãnh đạo trong ngành mía đường lưu ý: “Coi chừng rơi vào khung “hối lội” – vị phạm luật”. Đề xuất này sau đó bị bỏ quên. Tuy nhiên, ông Lê Văn Đông vẫn bảo vệ quan điểm khi rời khỏi cuộc họp. “Nếu các NMĐ chi tiền thưởng nóng cho lực lượng phòng chống buôn lậu thì chẳng gì phải sợ” – ông Đông nói.

Có thể nói trước lúc nổ máy để ép mía nguyên liệu, các NMĐ ở ĐBSCL đang rơi vào khó khăn chồng chất: Giá đường thấp, đường lậu nhiều, thiếu vốn mua mía… Việc đưa ra giá sàn mua mía 500đ/kg (mía 10 chữ đường), thật ra chỉ mang “yếu tố” tinh thần. Thực chất, giá mía nguyên liệu do thương lái quyết định. Vì doanh nghiệp đường có trực tiếp mua mía nông dân đâu. Năm ngoái, cánh thương lái còn làm “kiêu binh” uy hiếp các NMĐ. Còn năm nay, chờ vào vụ mới biết!




Nguồn: vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường