Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thu mua lúa cho nông dân
26 | 02 | 2010
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất khẩu gần 500 nghìn tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 233 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới hiện ở mức cao. Những ngày giữa tháng 2, giá gạo FOB giao tại cảng ở Việt Nam từ 450 đến 570 USD/tấn, tăng so với cùng kỳ năm trước (390 đến 440 USD/tấn). Từ tháng 10-2009, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long tăng liên tục, là tín hiệu vui cho cả doanh nghiệp và nông dân khi bước vào thu hoạch lúa đông xuân, vụ sản xuất chính trong năm.

Vụ đông xuân này, các tỉnh phía nam đã xuống giống xong 1,6 triệu ha lúa, nhiều tỉnh đã bắt đầu thu hoạch trà đông xuân sớm. Hiện nay, tình hình dịch  bệnh  được  kiểm  soát  và  thời  tiết thuận lợi, phần lớn diện tích lúa đang giai đoạn làm đòng và phát triển tốt, hứa hẹn một vụ đông xuân bội thu. Cũng ngay từ những ngày đầu năm mới, các doanh nghiệp trong cả nước đã ký được hợp đồng xuất khẩu hơn 2,4 triệu tấn gạo. Vì vậy, hoạt động thu mua lúa, gạo bắt đầu rộn rã, giá lúa lại bắt đầu giảm nhẹ, làm không ít nông dân lo lắng. Tại đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống sản xuất và lưu thông lúa gạo vẫn còn nhiều điều bất hợp lý. Hầu hết thương lái đứng ra mua lúa của nông dân, qua nhiều khâu trung gian hạt gạo thành phẩm mới đến đơn vị xuất khẩu, cho nên người trồng lúa phải chịu thiệt. Trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, nông dân đảm trách 60% công việc, người kinh doanh chỉ làm 10% công đoạn nhưng lại thường được hưởng hơn 70% giá trị gia tăng.


Bộ Tài chính vừa xây dựng Ðề án trình Chính phủ triển khai các chính sách bảo đảm cho nông dân có lãi từ 30%. Tuy nhiên, để chủ trương trên thành hiện thực vẫn cần nhiều giải pháp khác, như cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải có sự phối hợp kịp thời để tranh thủ xuất khẩu gạo được giá cao. Các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tìm kiếm khách hàng, xây dựng thương hiệu gạo, đồng thời cải tiến khâu thu mua nhằm tránh thua thiệt cho nông dân. Về lâu dài, cần tổ chức lại sản xuất trên cơ sở tập hợp nông dân sản xuất theo từng tổ hợp tác, quy hoạch lại vùng nguyên liệu để thuận tiện áp dụng kỹ thuật cao và có sự gắn kết với doanh nghiệp trong khâu chế biến, tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần thay đổi cơ chế điều hành xuất khẩu gạo nhằm phù hợp thực tế. Ðối với hợp đồng xuất khẩu tập trung số lượng lớn, có thể phân bổ cho từng tỉnh. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kho chứa, hệ thống xay xát; đối với nông dân thì chuyển giao kỹ thuật canh tác, cho vay vốn, đầu tư công nghệ thu hoạch, máy móc phục vụ sản xuất,...



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường