Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chậm tiến độ hỗ trợ nhân dân vùng ngập úng: Lỗi tại đâu?
23 | 04 | 2009
Theo kết quả tổng hợp kê khai của 26 quận, huyện, thành phố trực thuộc, tổng số tiền cần hỗ trợ cho các hộ dân toàn thành phố Hà Nội bị thiệt hại là 400,994 tỷ đồng. Đến ngày 22-4, mới có 15/26 quận, huyện cơ bản hoàn thành việc giải ngân. Vì sao thành phố đã có chủ trương mà việc hỗ trợ tại địa phương lại chậm trễ như vậy?

Chủ trương kịp thời
 
Trên cơ sở tham mưu của các ngành, ngày 18-11-2008 UBND TP đã có Công văn số 3198 phê duyệt phương án tổng thể khắc phục hậu quả do đợt mưa úng gây ra với tổng kinh phí 800 tỷ đồng, trích từ nguồn dự phòng ngân sách và quỹ dự trữ tài chính của TP. Ngày 20-11-2008 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo có Quyết định số 2168/QĐ-UBND quy định chế độ, chính sách, phương thức hỗ trợ đời sống, khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất đối với nhân dân vùng ngập úng. Ngày 28-11-2008 liên ngành Tài chính - Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Lao động-Thương binh & Xã hội có Công văn 1922/LN hướng dẫn về cơ chế thanh, quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ nói trên.

Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, TP đã vừa chỉ đạo điều hành chống úng, tiêu thoát nước, khắc phục hậu quả, vừa có quyết định hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và an ninh xã hội. Theo kết quả tổng hợp kê khai của 26 quận, huyện, thành phố trực thuộc, tổng số thiệt hại cần hỗ trợ cho các hộ dân là trên 400 tỷ đồng. Trước tình trạng các địa phương triển khai hỗ trợ rất chậm trễ, đầu tháng 4-2009, Chủ tịch UBND TP đã phê bình một số huyện và yêu cầu các địa phương trên địa bàn TP bị ngập lụt khẩn trương kê khai hỗ trợ nông dân phải tiến hành hỗ trợ xong trước ngày 20-4.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP, nhiều địa phương đã ráo riết hơn trong việc kiểm tra, rà soát, chuyển tiền hỗ trợ đến hộ dân bị thiệt hại, nhưng đến ngày 20-4  mới có 15 quận, huyện, thành phố cơ bản hoàn thành là: Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Hà Đông, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên, đạt trên 90%, có 3 đơn vị là Phú Xuyên, Sơn Tây và Thạch Thất đã hỗ trợ đạt trên 80%; như vậy đến nay vẫn còn 11 huyện, quận chưa hoàn thành việc chuyển tiền hỗ trợ đến địa chỉ cần thiết.

Chậm trễ do đâu?

Toàn thành phố có 6 huyện chậm chi tiền hỗ trợ. Đoàn kiểm tra của thành phố do ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm trưởng đoàn đã làm việc và xem xét các nguyên nhân cụ thể ở từng địa phương. Huyện Ba Vì thành lập một ban có tên rất dài: "Chỉ đạo thực hiện việc thanh toán hỗ trợ đời sống, khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất cho nhân dân vùng ngập úng", mọi quy trình triển khai rất đúng, nhưng sự chậm trễ lại có vẻ như bất khả kháng. Huyện hoàn thành văn bản giải ngân gửi Sở Tài chính vào ngày 24-2. Sau đó, liên ngành gồm Sở Tài chính; Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Lao động - Thương binh&Xã hội đã "chốt" số tiền Ba Vì được hỗ trợ là 19,550 tỷ đồng. Đợt một, huyện được cấp 4,993 tỷ đồng, số còn lại thành phố yêu cầu huyện tạm ứng trước cho nhân dân. Huyện không có tiền để ứng nên quyết định chờ, bao giờ có đủ tiền thì trả một thể. Đến ngày 8-4 huyện nhận được đủ tiền và đến ngày 18-4 đã cơ bản hoàn thành việc chuyển tiền hỗ trợ cho các hộ.

Tìm hiểu thực tế từ cơ sở, chúng tôi được biết khi có chủ trương hỗ trợ kinh phí của TP, ở nhiều địa phương có tình trạng nông dân kê khai tăng diện tích nuôi trồng bị thiệt hại, chính quyền cơ sở nể nang vẫn chấp nhận kê khai, đến khi niêm yết danh sách hỗ trợ công khai thì bị dân thắc mắc; hoặc có tình trạng diện tích nuôi trồng thủy sản hoặc cây màu mất có 1ha thì hộ dân lại kê thành 1,5ha; có khu đồng quy hoạch chuyển đổi thấy con số kê khai cao hơn diện tích được giao khi ban chỉ đạo hỗ trợ của thôn, xã, huyện đi kiểm tra phát hiện diện tích bị tăng, nhiều thôn phải làm đi làm lại, nên thời gian kéo dài. Việc chuyển kinh phí từ UBND TP chậm, đợt 1 (ngày 19-12-2008, thành phố có QĐ 2656 tạm cấp 50% nhu cầu kinh phí cho các huyện với tổng số tiền là 155,438 tỷ đồng; đợt 2 tới ngày 7-4-2009 UBND TP mới có QĐ 1590 cấp nốt số còn lại) đã dẫn đến tình trạng một số huyện, quận để kinh phí đủ cả 2 đợt mới hỗ trợ dân.

Một lý do khác là sự chỉ đạo của cấp quận, huyện chưa sát sao, chặt chẽ. Có địa phương lúng túng trước tình trạng báo cáo thực tế và kết quả kiểm tra của các ngành chức năng. UBND thành phố Hà Đông ngày 17-4-2009 có Công văn số 399 gửi UBND TP Hà Nội và các ngành chức năng, cho phép được điều chỉnh số liệu tổng hợp thiệt hại, do tổng hợp ban đầu chưa đầy đủ. Một nguyên nhân nữa là bài học từ việc hỗ trợ tiền Tết vừa qua cho hộ nghèo đã làm cho chính quyền các xã, thôn thận trọng hơn cũng làm chậm thời gian.

Một trong những nguyên nhân các huyện còn lúng túng trong việc giải ngân là do sự hướng dẫn, chỉ đạo của các sở, ban, ngành của thành phố thiếu cụ thể, dẫn đến khó thực hiện. Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ tuy chỉ vỡ một phần bờ nhưng cá trong ao đã đi sạch nhưng cũng không được hỗ trợ, nếu cán bộ địa phương "máy móc", cương quyết không đưa đối tượng này vào danh sách bị thiệt hại thì gặp phải sự phản đối của người dân, còn nếu đưa vào thì không đúng theo hướng dẫn trong danh mục kê khai…

Đến nay, huyện Chương Mỹ đã giải ngân được trên 98% số tiền thành phố cấp hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do ngập úng. Theo ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, nguyên nhân của sự chậm trễ chủ yếu nằm ở công tác thống kê, rà soát. Do đối tượng liên quan đến trên 50% số hộ dân trên địa bàn huyện, tương ứng với 36.157 hộ dân, công tác thống kê thiệt hại ban đầu có sự chênh lệch với kết quả kiểm tra thực tế. Nhiều xã, việc thống kê thiệt hại chưa chính xác, cán bộ chuyên trách lại thiếu và yếu, trong quá trình kê khai lại có sự nể nang... Huyện Chương Mỹ đã thành lập các đoàn kiểm tra, phối hợp với địa phương rà soát tận hiện trường (cánh đồng), nhà cửa, vật nuôi chuồng trại, không để dân bị sót, bị thiệt nhưng cũng cương quyết đối với các trường hợp kê sai, kê khống. Qua tổng hợp ở huyện này có 10 xã giải ngân không hết, trả lại ngân sách 590.063.000 đồng… Quan điểm của huyện Chương Mỹ là: số tiền dư ra so với báo cáo ban đầu, huyện đã nộp trả ngân sách, còn những hộ do đi làm ăn xa, không kê khai kịp thời, hoặc do quá trình kê khai bỏ sót, vào sổ nhầm… huyện sẽ đề nghị cấp trên bổ sung.


Bốn nguyên nhân


(HNM) - Ngày 21-4, trả lời Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng cho biết, việc thanh tra trách nhiệm chủ tịch UBND 6 quận, huyện chậm giải ngân tiền hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do mưa ngập năm 2008 đã hoàn thành. Nguyên nhân chính là do sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa tốt.

 

Theo tài liệu trả lời HĐND TP về vấn đề này, UBND TP xác nhận: Tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ đến các hộ dân được hưởng là chậm, thiếu kịp thời, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tới niềm tin của nhân dân tới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền. Tính đến ngày 15-4-2009, toàn TP mới giải ngân được 187,947 tỷ đồng, bằng 48% tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ.

 

UBND TP khẳng định có 4 nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ nói trên. Thứ nhất, mưa lớn lịch sử đã gây thiệt hại lớn. Theo đó, diện hỗ trợ rộng, tính chất phức tạp cao, yêu cầu lại phải chính xác, công khai dân chủ trong nhân dân, dẫn tới việc kê khai, xét duyệt kéo dài.

 

Đặc biệt, việc công khai, dân chủ trong nhân dân, nhiều địa phương phải làm đi làm lại nhiều lần, do thiếu trung thực trong kê khai. Thứ hai, sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền xã, phường, thị trấn, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở thôn xóm, cụm dân cư còn thiếu nhiệt tình và trách nhiệm, thiếu chính xác, tiến độ kê khai xét duyệt chậm. Thứ ba, việc kiểm tra đôn đốc của UBND các quận, huyện chưa thường xuyên, thiếu sâu sát, quyết liệt, không chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ kịp thời, có tư tưởng trông chờ ngân sách TP cấp. Thứ tư, các sở, ngành liên quan thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

 

UBND TP kết luận, để xảy ra tình trạng trên, trước hết trách nhiệm thuộc về cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thiếu tập trung chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện kịp thời. Lãnh đạo các quận, huyện, TP trực thuộc thiếu kiểm tra, đôn đốc theo dõi giám sát việc thực hiện của các địa phương. Các sở, ngành liên quan chưa làm tốt chức năng tham mưu cho TP trong kiểm tra, đôn đốc, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong khi thực hiện chính sách trên.



Nguồn: www.hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường