Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi trồng thủy sản tại ngoại thành Hà Nội: Chật vật vì thiếu con giống
05 | 12 | 2008
Đã 1 tháng qua, kể từ sau trận ngập úng "thế kỷ", người nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá ở Hà Nội tiếp tục phải đối mặt với tình trạng khan hiếm con giống, giá cá giống tăng cao khiến cơ hội hồi sinh thật mỏng manh.

Nông dân đồng loạt "treo" ao

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thành phố Hà Nội bị mất trắng 15.000 ha/18.000 ha nuôi thủy sản trong đợt mưa úng lịch sử, số hộ nông dân bị ảnh hưởng chưa thống kê hết nhưng việc khắc phục hậu quả lại rất nan giải. Gần 1 tháng sau trận ngập úng, có mặt ở xã Phương Tú (Ứng Hòa), nơi được coi là một trong những vựa cá lớn của huyện với 241 hộ nuôi thả trên diện tích 442 mẫu, thấy không khí nơi đây thật đìu hiu. Theo lãnh đạo xã, toàn bộ diện tích nuôi cá của các hộ bị mất trắng, trong đó có nhiều hộ nuôi cá giống. Vì vậy, mặc dù nước đã rút hơn 20 ngày nhưng hầu hết hộ nuôi cá ở đây chỉ có thể dọn dẹp, vệ sinh ao và gia cố lại những đoạn bờ bị sạt lở, mà chưa thể thả vụ mới. Nhiều người chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm mua giống nhưng rất khan hiếm và giá cá giống quá cao nên không mua được, đành "treo" ao chờ vụ sau.

Xã Hợp Tiến (Mỹ Đức), nơi có 197 hộ gia đình nuôi thả cá trên diện tích hơn 160 ha cũng ở trong tình cảnh tương tự. Ông Đặng Văn Chuẩn, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến xót xa cho biết: Những năm trước, mỗi vụ, xã cung cấp ra thị trường chừng 2.000-3.000 tấn cá các loại. Năm nay thì người nuôi cá đang khốn đốn với những khoản nợ ngân hàng, có hộ nợ gần 1 tỷ đồng.

Nóng bỏng khan hiếm cá giống

Hiện nay, tình trạng cá giống khan hiếm và giá tăng cao đang là đề tài nóng bỏng của "làng" nuôi trồng thủy sản Hà Nội. Ông Nguyễn Văn San, chủ cơ sở nuôi cá giống quy mô lớn ở xã Phương Tú trăn trở: Cơ sở của ông cung ứng giống cá cho cả huyện Ứng Hòa và các vùng lân cận với hơn 120 triệu con cá giống/năm. Tuy nhiên, đợt mưa úng vừa qua làm hơn 50% số cặp cá bố mẹ và hơn 20 vạn cá giống của ông đã trôi theo dòng nước.

Khu vực DN sản xuất giống thuộc ngành NN&PTNT thành phố cũng đang gặp những khó khăn. Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Chăn nuôi Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Hiện nay, Sở có 17 cơ sở sản xuất cung ứng đủ lượng cá giống trên địa bàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng loạt 15.000 ha thủy sản bị mất trắng, trong đó có 7 cơ sở sản xuất cá giống của ngành và nhiều cơ sở sản xuất cá giống trong dân nên năng lực cung ứng giống ra thị trường lúc này chỉ đáp ứng được khoảng 15%. Giống khan hiếm, đương nhiên giá sẽ cao. Ông Lưu Văn Trống, hộ nuôi cá ở xã Hoa Sơn (Ứng Hòa) cho biết, trung bình mỗi ki lô gam cá mè giống (loại 200 con một ki lô gam) tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg, cá trôi giống (loại 35-40 con/ kg) tăng từ 8.000-9.000 đồng/kg nhưng không có mà mua.

Khoanh vùng nuôi cá qua đông

Đó là chủ trương của Sở NN&PTNT trong kế hoạch giúp người nuôi cá khôi phục sản xuất. Theo ông Vũ Minh Đức, ngoài việc thực hiện hỗ trợ 15 triệu đồng/ha thủy sản bị mất trắng cho các hộ theo quyết định của UBND thành phố, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo cho bà con nuôi cá qua đông và nuôi cá trái vụ để tăng sản lượng, phục vụ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, việc này không phải nơi nào cũng làm được bởi phụ thuộc vào nguồn nước ở các ao và kỹ thuật nuôi rất khó. Dự kiến, số diện tích có thể nuôi cá qua đông, cá trái vụ của thành phố khoảng 5.000 ha, Sở đã chỉ đạo 10 cơ sở sản xuất giống không bị ngập nước trong đợt mưa úng vừa qua và liên hệ với những cơ sở sản xuất giống của các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh để cung ứng đủ con giống cho bà con. Khó khăn còn bộn bề, hy vọng rằng với những nỗ lực của người nông dân, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, người nuôi cá ở Hà Nội sẽ từng bước vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại.



Nguồn: Báo Hà Nội Mới
Báo cáo phân tích thị trường