Xây dựng nguồn nhân lực thông qua việc triển khai các đề tài nghiên cứu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I Lê Xân cho chúng tôi biết: Tiền thân của viện là Trạm Nghiên cứu cá nước ngọt, được thành lập năm 1963. Hiện nay, tổng số viên chức, lao động của viện là 365 người, trong đó lực lượng cán bộ trẻ được đào tạo chính quy, có trình độ cao: 74 người có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, 70,4% số cán bộ có trình độ từ đại học trở lên. Ðây là nguồn nhân lực quan trọng để nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai của viện. Chức năng chính của viện là nghiên cứu giống, nuôi trồng, môi trường thủy sản; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nội địa và ven biển; nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và công nghệ sau thu hoạch ở các tỉnh miền bắc đến Thừa Thiên - Huế. Hiện nay, viện có bảy trung tâm, phân viện trực thuộc, với sự góp sức của nhiều nhà khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu, nuôi trồng cùng cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Ở khu vực Trung Bộ và Bắc Trung Bộ có Phân viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (trụ sở tại Nghệ An). Khu vực Hải Phòng có Trung tâm nghiên cứu hải sản nước lợ, phục vụ chủ yếu cho các tỉnh hải đảo và ven biển, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình... Viện còn có hai trung tâm giống thủy sản và hải sản mang tầm cỡ quốc gia. Ở những trung tâm này được coi là "chân rết" phân bổ ở những vùng có nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, nhằm thuận tiện cho việc chuyển giao khoa học và công nghệ đến được với người dân. Không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, hằng năm, viện liên kết với Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội và các công ty sản xuất, chế biến thủy sản nhằm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho nhiều cán bộ trẻ tâm huyết với nghề. Nhờ đó, từ năm 2000 đến nay, viện thực hiện thành công gần 100 đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở về các lĩnh vực: sản xuất giống và nuôi thương phẩm, bệnh và môi trường, công nghệ sinh học... Bình quân mỗi năm viện triển khai từ 25 đến 35 đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp bộ cùng nhiều đề tài nhánh, đề tài địa phương, trong đó có năm đến sáu đề tài nghiên cứu ứng dụng được áp dụng thực tiễn, chuyển giao vào sản xuất. Năm 2009, viện triển khai và thực hiện 33 đề tài, dự án nghiên cứu cấp Nhà nước, bao gồm: 12 đề tài, dự án cấp Nhà nước bốn đề tài, dự án thuộc KC. 06, ba đề tài KC.07, năm đề tài công nghệ sinh học; 14 đề tài, dự án cấp bộ năm đề tài trọng điểm, bảy đề tài SUDA và sáu đề tài cấp cơ sở thực hiện từ đầu năm 2009 và đề tài "Nguyên nhân gây chết cá rô phi" tháng 9-2009.
Ðến nay, những đóng góp của viện với ngành thủy sản Việt Nam hơn 10 năm qua có bước phát triển vượt bậc, góp phần đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thủy sản nhanh trên thế giới.
Ðưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất
Hiện nay viện đang triển khai một số đề tài, như: Nghiên cứu quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cá trắm đen; nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chiên... Các đề tài này đã thu được những thành công bước đầu và viện sớm chuyển giao công nghệ cho những tỉnh, thành phố có nhu cầu nuôi. Theo kế hoạch, trong năm 2010, viện có thể cung cấp khoảng hai nghìn cặp tôm bố mẹ cho một số cơ sở sản xuất giống của các tỉnh và cơ sở nuôi. Từ năm 2008 đến nay, viện sản xuất được từ 300 đến 400 nghìn cá giống mỗi loài, cung cấp chủ yếu cho thị trường nuôi trong nước. Các giống cá biển có giá trị kinh tế cao, như: Cá song chuột, cá song vằn, cá song da báo, viện tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ. Cũng theo Phó Viện trưởng Lê Xân, đối tượng nuôi thủy sản hiện nay khá đa dạng và cơ cấu loài nuôi luôn có sự thay đổi để thích nghi với những môi trường khác nhau. Mặc dù vậy, đối tượng nuôi chủ lực trong giai đoạn vừa qua là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tôm hùm, tôm càng xanh... và nhóm cá nước ngọt truyền thống. Trong đó, cá tra và tôm sú hằng năm đóng góp sản lượng lớn, chiếm từ 60 đến 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước. Không dừng lại trong việc nghiên cứu những giống thủy sản trong nước, từ năm 2008-2009, viện nghiên cứu thành công giống hàu Thái Bình Dương cho năng suất, chất lượng, tỷ lệ thịt/vỏ cao cho các cơ sở nuôi từ 100 đến 120 triệu con hàu giống/năm.
Anh Phạm Ðức Quát ở xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết: Trước kia nuôi cá lời lãi chẳng được bao nhiêu mà chỉ thấy ốm người vì sau một năm chăm sóc nhưng cá vẫn chết dù gần đến tuổi thu hoạch, năng suất bằng một phần ba bây giờ. Năm 2009, gia đình được Trung tâm Tư vấn thiết kế và Chuyển giao công nghệ thủy sản chuyển giao công nghệ nuôi tôm chân trắng trên diện tích hai ha. Vụ một thả tôm từ tháng ba với mật độ 100 con/m2 và thu hoạch từ giữa tháng năm. Vụ hai thả từ cuối tháng bảy và thu hoạch vào cuối tháng 10 với mật độ 70 con/m2. Kích cỡ tôm nuôi trong hai vụ bình quân đạt 70 con/kg (14 g/con), tỷ lệ sống đạt 90%. Tổng số tôm chân trắng thu được trên hai ha trong hai vụ là 23 tấn. Năng suất đạt gần sáu tấn/ha/vụ, hệ số thức ăn công nghiệp (NURI - KP90) là 1,25. Anh Quát nhẩm tính, trừ các chi phí, một ha nuôi tôm chân trắng lãi hơn 150 triệu đồng.
Những đóng góp của viện không những tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người dân mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các địa phương khu vực ven biển, hải đảo, khu vực bị ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa. Trong những năm qua, viện đã nghiên cứu, chuyển giao được nhiều giống thủy sản mà chỉ ở viện mới có, được người dân các tỉnh chấp nhận và đánh giá cao. Minh chứng cho điều đó là những mặt hàng thủy sản trước đây người ta gọi là món ăn "xa xỉ", "khan hiếm" hiện có mặt ở khắp các nhà hàng từ sang trọng đến bình dân do được nuôi với quy mô lớn. Ðó là kết quả nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo cá vân hồi tại Sa Pa (Lào Cai) của viện cùng nhiều giống cá quý hiếm và bổ dưỡng khác. Viện dự định, trong thời gian từ ba đến năm năm nữa có thể hoàn thành hàng chục dự án trọng điểm trong nước thông qua các dự án quốc tế, như: Dự án "Nâng cao tính bền vững trong chế biến và sử dụng thức ăn trong nuôi trồng hải sản tại Việt Nam và Ô-xtrây-li-a (2009-2013); Dự án AIDA "Hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản thương mại và bền vững thông qua mô hình hợp tác xã nhỏ nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam" do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ (2008-2009)...
Bên cạnh sự phát triển nhanh nghề nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh miền bắc đến Thừa Thiên - Huế, hiện nay trong quá trình nghiên cứu, chuyển giao, viện gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc do khu vực này bị ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa quá nhanh, ô nhiễm nguồn nước, diện tích ao hồ co lại để nhường chỗ cho khu công nghiệp, dân sinh. Phần lớn cơ sở vật chất và trang thiết bị do hoạt động nhiều năm giờ bị hao mòn, chưa phát huy hết khả năng trong quá trình nghiên cứu. Không những thế, ngành thủy sản nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về thị trường xuất khẩu với nhiều nguyên nhân, như rào cản kỹ thuật, thương mại. Hầu hết các nước nhập khẩu thủy sản Việt Nam yêu cầu rất khắt khe về việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ mặt hàng thủy sản là khai thác trong tự nhiên hay nuôi trồng. Ðây là "đầu bài" để các nhà khoa học của viện hình thành các đề tài khoa học nghiên cứu quy trình sản xuất và nuôi thương phẩm các giống thủy, hải sản cho năng suất cao, sạch bệnh để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.