Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Buôn bán thủy sản sống ở Châu Á
19 | 03 | 2008
Giữ thủy sản sống đến khi sử dụng đang là hoạt động mang lại lợi nhuận lớn nhất. Thị trường thủy sản sống ở các nước Ðông Á và Ðông Nam Á ngày càng phát triển mạnh, nhất là những nơi có nhiều người Hoa sinh sống. Mặc dù ngành thủy sản đang hướng nhiều hơn đến sản phẩm GTGT và sản phẩm thủy sản chế biến tiện dụng, nhưng buôn bán thuỷ sản sống ở Châu Á vẫn phát triển mạnh.
Mặc dù ngành thủy sản đang hướng nhiều hơn đến sản phẩm GTGT và sản phẩm thủy sản chế biến tiện dụng, nhưng buôn bán thuỷ sản sống ở Châu Á vẫn phát triển mạnh vì những lý do: (a) nhu cầu thủy sản sống của các nhà hàng tăng mạnh do du lịch bùng nổ; (b) ở Châu Á, nhất là khu vực Ðông Á và Ðông Nam Á, người tiêu dùng thường ưa chuộng thủy sản tươi sống hơn thủy sản đông lạnh; (c) nguồn cung cấp tăng, nhất là từ NTTS, đã làm cho thủy sản có giá bán phù hợp hơn và dễ chấp nhận hơn; (d) sự gia tăng số lượng cửa hàng bán lẻ hiện đại cung cấp thủy sản sống; (e) những tiến bộ về công nghệ cải tiến phương thức bao gói và vận chuyển giúp đưa sản phẩm thủy sản sống đến những khu vực xa hơn trong thời gian ngắn hơn và tỷ lệ chết thấp hơn.

Bên cạnh đó việc cung cấp thủy sản sống cũng có động lực tài chính vì mang lại giá bán và lợi nhuận cao hơn. Ví dụ, giá bán cá mú đỏ tươi/đông lạnh ở Hồng Kông là 3-5 USD/kg, trong khi giá cá sống lên đến 30-40 USD/kg. Cá rô phi đỏ tươi/đông lạnh bán trong các siêu thị ở Malaixia giá khoảng 2 USD/kg, nhưng giá cá sống 6,5 USD/kg. Do vậy, bán thủy sản sống thực sự là quá trình gia tăng giá trị cao nhất.

Có thể nhận thấy sự phổ biến của thủy sản sống ở hầu hết các nhà hàng thủy sản và siêu thị lớn ở các nước Ðông Á và Ðông Nam Á.

Trung Quốc

Phần lớn sản lượng thủy sản nuôi của Trung Quốc (TQ), nhất là các loài nước ngọt, được tiêu thụ ở dạng sống tại thị trường nội địa và một số được XK sang các thị trường lân cận như Hồng Kông (HK), Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bên cạnh các chợ thủy sản sống truyền thống - kênh tiêu thụ chủ yếu - hầu hết siêu thị lớn như Carrefour, ParkNShop, Trustmart, CRC Vanguard, Marko, Lianhua, vv... cũng bán nhiều loại thủy sản sống, chủ yếu từ nguồn cung cấp nội địa.

Thủy sản sống NK giá trị cao như cá mú, tôm hùm, và cua chủ yếu phục vụ nhà hàng thủy sản cao cấp ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu và Bắc Kinh.

Trước khi đến các chợ bán lẻ, thủy sản sống thường được chuyển qua chợ bán buôn vốn đóng vai trò rất lớn trong hệ thống phân phối thủy sản. Các chợ bán buôn thủy sản quan trọng ở TQ là chợ Ðồng Xuyên ở Thượng Hải, chợ Hoàng Sa và Bộ Kỳ ở Quảng Ðông.

Ðồng Xuyên là chợ bán buôn thủy sản sống lớn nhất ở phía Ðông TQ, khoảng 100.000 tấn/năm, doanh thu 1,22 triệu USD/ngày. Khoảng 50% lượng thủy sản bán ra tại chợ này được đưa đến Thượng Hải, còn lại đến các thành phố khác.

Sản phẩm chủ yếu là tôm, ba ba, cua, tôm hùm, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và các loài nước ngọt như cá chép và cá chình. Phần lớn thủy sản sống NK vào Thượng Hải đều quá cảnh qua các thành phố lớn khác như Quảng Ðông và HK, vì NK trực tiếp vào thành phố này phải chịu thuế suất cao và quy định kiểm dịch nghiêm ngặt.

Nằm tại trung tâm thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Ðông, Hoàng Sa là chợ bán buôn thủy sản lớn nhất TQ với trên 160.000 tấn/năm và doanh thu 853 triệu USD. Phần lớn thủy sản ở đây có nguồn gốc nội địa, chỉ khoảng 10% NK với các loài chủ yếu là tôm hùm từ Ôxtrâylia, cua từ Canađa, ghẹ xanh và cá mú từ Ðông Nam Á.

Chợ bán buôn thủy sản Bố Kỳ, Thâm Quyến là trung tâm phân phối quan trọng thủy sản sống NK từ HK qua cảng Diên Ðiền vào các thành phố khác. Hiện tại, mỗi ngày khoảng 7 tấn thủy sản sống giá trị cao như cá mú và tôm hùm NK vào TQ qua cảng này.

Dự báo, NK trực tiếp thủy sản sống vào TQ sẽ tăng trong những năm tới do tác động tích cực của quá trình tự do hoá thương mại và sự gia tăng nhu cầu thủy sản giá trị cao.

TQ cũng đang là nước XK thủy sản lớn nhất thế giới. XK thủy sản sống của TQ năm 2004 đạt 105.520 tấn, trị giá 300 triệu USD, tăng 8% khối lượng và 47,9% giá trị, chủ yếu do tăng XK cá chình sống sang Nhật Bản (11.000 tấn, 102 triệu USD). XK các loài thủy sản sống khác như cá vược, cá mú và các loài cá biển khác sang HK tăng 2,8% và sang Nhật Bản tăng 20,8% về khối lượng.

Hồng Kông

HK là trung tâm lớn phân phối cá sống sang TQ. Thị trường thủy sản HK phần lớn phụ thuộc vào NK vì sản lượng nội địa rất thấp. Năm 2004, HK nhập 36.757 tấn thủy sản sống, trong đó 26.000 tấn thủy sản nước ngọt, trị giá 25 triệu USD, gồm cá chép, cá rô phi, cá quả, cá da trơn vv... Từ tháng 9/2005, người tiêu dùng HK dường như tránh xa sản phẩm thủy sản từ TQ sau khi phát hiện malachite green trong cá chình và 8 sản phẩm thủy sản khác.

Tuy vậy, thị trường NK cá mú sống vẫn có chiều hướng tốt. 9 tháng đầu năm 2005, lượng NK cá mú sống tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2004, đạt 4.426 tấn, trị giá 53,5 triệu USD. Nhu cầu các loài cá mú giá rẻ cũng đang tăng. Năm 2005, khối lượng NK cá mú hoa tăng 24,5%, các loài cá mú khác tăng 54%, trong khi khối lượng NK các loài giá trị cao như cá mú rạn san hô giảm 2,5%.

Cùng kỳ NK các loài cá biển đạt 8.296 tấn, trị giá 63,4 triệu USD, tăng 5,7% khối lượng và 3,4% giá trị.

Các nước cung cấp chủ yếu cá mú sống vào thị trường HK là Philippin, Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia và Ôxtrâylia, chiếm 91% tổng giá trị NK năm 2004. XK cá mú của Philippin sang HK năm 2003 đạt 1.558 tấn, sau đó tăng lên 1.542 tấn năm 2004.

Thái Lan, nguồn cung cấp cá mú lớn thứ 2, chủ yếu XK cá mú xanh nuôi (E.coioides), nhưng khối lượng giảm đáng kể từ 1.385 tấn năm 2003 xuống 1.046 tấn năm 2004, giảm 22,8%. XK từ Inđônêxia cũng có xu hướng giảm từ 1.266 tấn năm 2001 xuống 988 tấn năm 2003, nhưng tăng nhẹ lên 1.035 tấn năm 2004.

Malaixia là nước duy nhất duy trì được mức tăng XK cá mú sang Hồng Kông trong nhiều năm. XK cá mú của nước này tăng từ 386 tấn năm 2001 lên 846 tấn năm 2004, tăng 119%.

Ðài Loan

Cũng giống như HK và TQ, địa điểm bán thủy sản sống chủ yếu ở Ðài Loan là các nhà hàng và thời điểm tiêu thụ mạnh là từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Sản phẩm thường được mua trực tiếp từ các chợ bán buôn thủy sản.

Mặc dù Ðài Loan là thị trường chủ yếu đối với thủy sản sống, nhưng sản lượng nuôi nội địa có thể đáp ứng nhu cầu. Thực tế, Ðài Loan XK một lượng lớn thủy sản sống sang các nước láng giềng, chủ yếu cá chình sống sang Nhật Bản. Tổng khối lượng XK thủy sản sống của Ðài Loan năm 2004 đạt 20.919 tấn, trị giá 163 triệu USD.

Những năm qua, nguồn cung cấp cá mú nội địa, chủ yếu từ nuôi, tăng mạnh từ 2.104 tấn năm 1995 lên 12.512 tấn năm 2004, tăng 55%/năm. Phần lớn cá mú được tiêu thụ nội địa, chỉ XK một lượng nhỏ sang HK và Xingapo ở dạng sống. XK cá mú sống đạt mức cao nhất 404 tấn, trị giá 33,7 triệu USD vào năm 2004, tăng 44% khối lượng và 3,7% giá trị so với năm trước.

Mặc dù NK thủy sản sống liên tục tăng trong thời gian qua, đạt mức cao nhất vào năm 2004 với 12.689 tấn, trị giá 2,3 tỷ USD, tăng 8% khối lượng và 4,5% giá trị so với năm 2003, nhưng chủ yếu do tăng NK cua và cá chình sống. Thái Lan là nước cung cấp chính sản phẩm tôm, cua, cá chình và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Các nguồn cung cấp khác là Inđônêxia với tôm, cá chình, Ôxtrâylia với tôm hùm, Philippin với cua, Việt Nam với nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, cua và Niu Dilân với vẹm.

Xingapo

Thủy sản sống là món ăn phổ biến của những người Xingapo giàu có mặc dù sản phẩm chế biến và tiện dụng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Khối lượng thủy sản sống NK phục vụ người tiêu dùng, đạt mức kỷ lục vào năm 2004 với 16.558 tấn, trị giá 50,7 triệu USD.

Malaixia và Inđônêxia là 2 nước XK lớn nhất thủy sản sống sang Xingapo, chủ yếu là các loài cá biển, cá nước ngọt và tôm. Cua sống được NK từ Ấn Ðộ và Xri Lanka trong khi Niu Dilân và Ôxtrâylia là các nước cung cấp tôm hùm sống.

Malaixia

Malaixia là một trong những nước Châu Á có mức tiêu thụ thủy sản theo đầu người cao nhất, khoảng 56 kg/năm, chỉ sau Nhật Bản.

Cũng như hầu hết các nước Ðông Nam Á, người Malaixia thích ăn ở nhà hàng, nhất là các nhà hàng có trưng bày thủy sản sống trong bể. Các loài thủy sản phổ biến là cá vược, cá rô phi, cá mú, tôm, cua và tôm hùm.

Nguồn cung cấp cho các nhà hàng và chợ thủy sản chủ yếu từ nội địa, ngoài ra còn một lượng thủy sản NK từ Ôxtrâylia, Thái Lan, Inđônêxia và Mianma. Ở Malaixia, cá rô phi sống, cá vược, cá mú, tôm hùm và các loài cá biển khác phần lớn được cung cấp cho các nhà hàng thủy sản, trong khi các siêu thị cũng bày bán thủy sản sống, chủ yếu là các loài cá nước ngọt như cá quả, cá chình và cá rô phi.

Kết luận

Với việc TQ mở cửa thị trường cùng với những lợi ích của thủy sản về sức khoẻ và dinh dưỡng, thương mại thủy sản sống ở Châu Á có tương lai sáng sủa nhờ khả năng cung cấp, độ tươi, mức giá phù hợp và tính sẵn có.

NTTS đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp ngày một nhiều hơn thủy sản sống với giá thấp hơn, thu hút nhiều hơn người tiêu thụ thủy sản sống.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với thương mại thủy sản sống, nhất là các loài cá biển và thủy sản có vỏ giá trị cao như cá mú và tôm hùm, là việc quản lý nguồn lợi do hầu hết lượng cung cấp hiện nay đều từ khai thác. Ðồng thời, chưa có đủ công nghệ nuôi các loài này ở quy mô lớn.

 



Nguồn: Vasep
Báo cáo phân tích thị trường