Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xu hướng mới của thị trường nông sản thế giới
30 | 08 | 2007
Theo báo cáo chung mang tên “Triển vọng Nông nghiệp 2006-2015” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), các nước đang phát triển, như Braxin, Trung Quốc và Ấn Độ, có vai trò ngày càng quan trọng trong mậu dịch nông sản thế giới trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng mậu dịch nông sản đến năm 2015 dự báo sẽ tiếp tục gặp trở ngại chủ yếu do các rào cản thương mại nông sản vẫn còn tồn tại.

Báo cáo cho hay, sản lượng và tiêu thụ nông sản ở các nước đang phát triển hiện đang tăng nhanh hơn ở các nền kinh tế phát triển. Để cải thiện năng suất nông sản trong nước, các nước đang phát triển đòi hỏi phải tăng cường đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển cơ sở hạ tầng.

 

Đồng thời những cơ hội thị trường ở một số nước đang phát triển đang gia tăng hiện nay cũng gắn liền với xu hướng chuyển việc sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông sản từ các nước OECD sang các nền kinh tế đang phát triển khác. Xu hướng này dự báo sẽ gia tăng trong 10 năm tới và như thế, sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu trên toàn cầu sẽ quyết liệt hơn.

 

Đề cập đến vòng đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới hiện nay, OECD và FAO đều cho rằng, nếu đạt được thỏa thuận tự do hóa các hoạt động thương mại, giá một số nông sản trên thế giới cũng như hoạt động thương mại sẽ tăng lên.

 

Trong khi đó, nông nghiệp thế giới ngày càng phụ thuộc vào sản lượng của các nước đang phát triển để đáp ứng nhu cầu lương thực và nhiên liệu đang tăng lên. Nếu các rào cản thương mại vẫn tồn tại, buôn bán lúa mì, ngũ cốc thô, đặc biệt là gạo, dự báo sẽ tăng lên vào năm 2015. Nhu cầu các sản phẩm bơ sữa và thịt cũng tăng lên nhờ thu nhập và hoạt động buôn bán tăng.

 

Thị trường nông sản đang mở rộng sang Châu Á

Cùng với Braxin, hai cường quốc Châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc đang dần trở thành những động lực và "cổ đông" lớn trên thị trường nông sản thế giới và phát triển kinh tế tại các quốc gia này sẽ thu hút sự chú ý của thế giới. Dự kiến sản xuất nông sản trên toàn thế giới sẽ tăng vững trong 10 năm tới nhưng tiềm năng mở rộng thị trường chủ yếu là ở các nước đang phát triển.

 

Đề cập tới những công nghệ mới cùng với xu thế toàn cầu hoá và hội nhập của ngành nông nghiệp, chuỗi cung sẽ tiếp tục thay đổi dòng thương mại hướng tới các sản phẩm được chế biến nhiều hơn. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng của buôn bán nông sản dự kiến sẽ tiếp tục gặp trở ngại chủ yếu do các rào cản thương mại nông sản vẫn dai dẳng cùng những quy định kiểm soát nghiêm ngặt liên quan tới an toàn thực phẩm và môi trường.

 

Những cú xốc do tác động của thời tiết, những biến động của giá dầu lửa, xu hướng đầu tư vào nhiên liệu sinh học, triển vọng tăng trưởng kinh tế và chính sách phát triển nông nghiệp chắc chắn sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới thị trường nông sản.

Báo cáo cũng cho hay, kết quả của vòng đàm phán thương mại đa phương Doha cũng là một nhân tố quan trọng. Các nước phát triển ít nhất sẽ phải đối mặt với việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu những thực phẩm thiết yếu.

 

Cảnh báo nguy cơ các nước châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc nhiều vào nông sản nhập khẩu

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo hiểm họa các nước Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phụ thuộc vào nguồn nông sản nhập khẩu giá rẻ từ các nước phát triển như Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) trong bối cảnh vòng đàm phán Đô-ha về buôn bán toàn cầu có nguy cơ đổ vỡ.

 

Trong nghiên cứu về tác động của buôn bán toàn cầu đối với phát triển ở Châu Á của Chương trình phát triển LHQ (UNDP), tổ chức này nêu rõ các nước đang phát triển ở Châu Á phải lựa chọn giữa hai giải pháp hoặc tập trung thỏa đáng cho phát triển nông nghiệp để tránh phụ thuộc vào nông sản giá rẻ nhập khẩu từ phương Tây hoặc sớm phải đối mặt với các hiểm họa về an ninh lương thực. UNDP dự báo tổng giá trị nông sản các nước đang phát triển nhập khẩu từ các nước phương Tây sẽ tăng từ 18 tỷ USD năm 2004 lên tới 50 tỷ USD năm 2030, trong khi vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20, các nước đang phát triển xuất khẩu lương thực với mức xuất siêu tới 7 tỷ USD.

 

LHQ cảnh báo rằng lương thực, thực phẩm không giống như những hàng hóa khác vì an ninh của mỗi quốc gia phải được xây dựng trên cơ sở an ninh lương thực trong nước. Phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai gần, đặc biệt trong bối cảnh giá lương thực thế giới đang tăng và các nước phát triển không từ bỏ trợ giá nông sản trong nước họ. Nông nghiệp vẫn là nguồn sống của hơn 50% số dân Châu Á, vì vậy, nhập khẩu nông sản giá rẻ sẽ đẩy hơn một nửa số dân châu lục này vào cảnh bần cùng .

LHQ nhấn mạnh nông dân các nước nghèo ở châu Á cần được hỗ trợ về thuế nhập khẩu, giá nông sản, trợ cấp sản xuất nông nghiệp để giúp họ tiếp cận thị trường một cách có hiệu quả đi đôi với tăng cường cải tạo đất đai, thủy lợi để tăng sản lượng nông nghiệp.

 

Trung Quốc: Khoa học và công nghệ sẽ đóng vai trò to lớn hơn trong sản xuất nông nghiệp

Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Du Qinglin cho biết, Trung Quốc đang có kế hoạch trở thành cường quốc trên thế giới trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nông nghiệp vào năm 2020.

 

Tại cuộc hội thảo toàn quốc về Công nghệ và khoa học nông nghiệp, ông Du cho rằng, đến năm 2020, khoa học và công nghệ sẽ đóng góp khoảng 63% tăng trưởng của ngành nông nghiệp, tức là tăng hơn 13% so với hiện tại. Tương lai, Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ, nơi mà tiến bộ kỹ thuật chiếm khoảng 81% tăng trưởng nông nghiệp và 85% kỹ thuật công nghệ được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. 

 

Bộ trưởng cho biết, để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ nỗ lực chú trọng vào 5 lĩnh vực: thứ nhất, giữ vững lợi thế của mình với loại lúa siêu hạng, bông kháng bệnh biến đổi gen, và phát triển thêm các loại giống mới; thứ hai, phát triển công nghệ then chốt trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nông nghiệp, chế biến nông sản, và nâng cao môi trường sinh thái; thứ ba, tự mình sản xuất các thiết bị nông nghiệp thiết yếu, như vậy sẽ ít phụ thuộc hơn vào nhập khẩu; thứ tư, Trung Quốc sẽ nâng cao năng lực trong việc nghiên cứu công nghệ cao cho nông nghiệp và công nghệ ứng dụng cho công nghiệp, theo kiểu cải tiến và quốc tế hoá công nghệ hiện đại của thế giới; thứ năm, Trung Quốc sẽ khuyến khích, ủng hộ các viện và các trường đại học nông nghiệp hợp tác với các trung tâm nghiên cứu theo hướng cạnh tranh toàn cầu.  

 

EU - Trung Quốc:

Cố vấn Nông nghiệp của Phái đoàn Ủy ban Châu Âu (EC) tại Trung Quốc, Raimondo Serra, nói rằng xuất khẩu nông sản của Liên minh châu Âu (EU) sang Trung Quốc sẽ vượt ngưỡng 2 tỷ euro trong 5 năm tới, nếu công việc buôn bán vẫn được duy trì như hiện nay.

Ông Serra cho biết, khi nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, tầng lớp trung lưu thành thị của Trung Quốc sẽ tăng từ 120 triệu người hiện nay lên 150 triệu người trong 5 năm tới, và đây là tín hiệu đáng mừng đối với lĩnh vực buôn bán nông sản giữa hai bên.

 

Ông Serra khẳng định, xuất khẩu nông sản của EU sang Trung Quốc có thể đạt 4 tỷ euro khi tầng lớp trung lưu thành thị của nước này tăng lên 200-250 triệu người.

Tuy nhiên, ông cho biết, Trung Quốc có thể sản xuất được hầu hết các loại nông sản và là nước có lợi thế so sánh trong lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi nhiều lao động. Nhưng do thiếu đất và các nguồn nước, sản lượng nông nghiệp của Trung Quốc đã bị hạn chế nhiều và nước này đã trở thành nhà nhập khẩu ròng nông sản từ năm 2003.

 

EU có nhiều cơ hội tại Trung Quốc, nhất là những sản phẩm có giá trị gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu rượu vang và dầu ôliu của EU sang thị trường Trung Quốc giai đoạn 2001-2005 đã tăng lần lượt từ 12 triệu euro lên 36 triệu euro và từ 500.000 euro lên 8,4 triệu euro, trong khi xuất khẩu pho mát tăng từ 500.000 euro lên 2,7 triệu euro. Kim ngạch xuất khẩu nông sản chế biến của EU sang Trung Quốc đã tăng từ 110 triệu euro lên 206 triệu euro trong 5 năm qua.

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn của EU. Kim ngạch nhập khẩu của EU từ Trung Quốc đạt 158 tỷ euro năm 2005 (chiếm 13,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của khối) và xuất khẩu đạt 52 tỷ euro (chiếm 4,9 tổng kim ngạch xuất khẩu của EU). Trong đó, giá trị nhập khẩu nông sản của EU từ Trung Quốc đạt 2,1 tỷ euro năm 2005, trong khi xuất khẩu sang thị trường này chỉ ở mức 900 triệu euro.


Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường