Báo Lao Động mở Diễn đàn "Tìm hướng phát triển bền vững cho vựa lúa ĐBSCL" với mong muốn góp phần cùng vùng đất này đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững, rất mong nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc.
Báo Lao Động số ra ngày 15.9 có bài viết nhan đề: "Đê bao làm nghèo vựa lúa" phản ánh việc một số địa phương ở ĐBSCL làm đê bao ngăn lũ một cách triệt để, không đúng phương pháp dẫn tới nhiều hệ luỵ mà kết cục là làm giảm năng suất ở vựa lúa khổng lồ được thiên nhiên ưu đãi...
Ngay sau khi bài báo phát hành, toà soạn Lao Động nhận được nhiều ý kiến tham gia bàn thảo về đề tài này: Người dân ĐBSCL chung sống hoà bình với lũ như thế nào? Sự can thiệp của con người ra sao để không làm tổn hại đến quy luật tự nhiên ĐBSCL? Chủ trương xây dựng đê bao ngăn lũ, công trình thoát lũ... đã mang lại những lợi ích như thế nào, cũng như những hạn chế của nó...?
Nhân dịp này, Báo Lao Động mở Diễn đàn "Tìm hướng phát triển bền vững cho vựa lúa ĐBSCL" với mong muốn góp phần cùng vùng đất này đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững, rất mong nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc. LĐ
Ai phải trả giá (?!)
Vấn đề đặt ra là có phải tự dưng đê bao nổi giữa vựa lúa để rồi phải trả giá nhiều hơn cái mình được? Như vậy thì từ xưa tới nay cơ quan hoạch định chiến lược phát triển vùng ở đâu? Những người tự hào về tầm nhìn chiếc lược ở đâu?
Người ta đã đổ tiền tỉ ra làm đê bao và trong đó không biết bao nhiêu người học cao hiểu rộng vào cuộc. Người ta cũng đã huy động lúa theo đầu mẫu để làm đê bao... từ hộ dân và cũng đã có biết bao ý kiến cảnh báo về sự cố gắng biến khu vực bên trong đê bao thành lòng chảo khi trầm tích bồi lắng bên ngoài. Thậm chí có người khuyên đừng nên áp đặt kiểu đê bao như ở sông Hồng vô ĐBSCL, nhưng người ta vẫn cứ làm.
Cả nước có 2.000 cây số đê biển, 5.700 cây số đê sông, việc tu bổ, bảo vệ đê điều không phải là chuyện đơn giản. Có nhiều bài học về đê điều nhưng chẳng ai chịu nghe ai nên vẫn không thay đổi được tình hình.
Đồng bằng xưa kia chỉ có lụt lội, nay có lũ lớn. Nhưng nhiều dòng sông trong mạng sông ngòi đã bồi lắng, thậm chí biến thành dòng sông chết trong mùa kiệt. Vậy mà không mấy người nói đến.
Cái khổ của dân đồng bằng khi nói về đê bao thì người ta đổ cho nông dân muốn khoanh đê bao để làm lúa. Nhưng chủ trương biểu dân đồng bằng phải làm lúa để duy trì an ninh lương thực thì làm sao họ có thể làm khác?
Làm cái khác cũng phải học, nhưng hễ cán bộ xuống họp dân thì biểu: "Bà con mình phải tự suy nghĩ xem trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả trong bối cảnh hội nhập". Nhiều nông dân kêu trời nói: "Mấy ông lấy tiền nhà nước đi học đó đây, bây giờ trở về đây biểu tụi tui tự nghĩ xem "trồng cây gì, nuôi con gì... thì chỉ còn cách khoanh đê bao làm lúa".
Đê bao chỉ là hiện thân của sự ám ảnh cảnh giá cả lúa gạo bấp bênh, hễ thua vụ này thì nhanh nhanh xuống giống sạ vụ khác, nên phải đê bao để vững bụng, nhưng tới khi so sánh mức đầu tư đê bao, mức lời từ trồng lúa và tác động của môi trường mới thấy rằng chính con người sống trong đê bao đang phải trả giá.