Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ phải nhập khẩu gạo nếu dịch rầy nâu kéo dài
21 | 06 | 2007
"Nếu không có biện pháp phòng trừ dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá kịp thời, có thể đe doạ đến an ninh lương thực quốc gia và nguy cơ phải nhập khẩu gạo trong những năm tới là khó tránh khỏi".

Nhận định này được đưa ra tại Hội nghị triển khai vụ đông xuân 2006-2007 các tỉnh phía Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa được tổ chức tại Tp.HCM.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Trưởng ban chỉ đạo chống rầy nâu ĐBSCL cho biết: bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá phát hiện đầu tiên trên trà lúa hè thu sớm, gieo sạ trong tháng 2-3/2006 trùng với cuối trà lúa đông xuân chính vụ ở Đồng Tháp, Long An. Lúc đầu chỉ có 456 ha, nhưng 5 tháng sau tăng lên 46.000 ha (hơn 100 lần) và nay là 60.000 ha.

Chống rầy như chống hoả

Thủ tướng Chính phủ có công điện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chỉ thị, các cơ quan chuyên môn đã phát hàng triệu tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật; tổ chức hàng nghìn cuộc hội thảo, tập huấn. Các cơ quan truyền thông hăng hái vào cuộc, với hàng nghìn bài báo, hàng nghìn buổi phát thanh, truyền hình hướng về nông dân, đồng ruộng. Các doanh nghiệp cũng đã kịp thời tung ra hàng nghìn tấn thuốc loại tốt nhất; nhiều địa phương huy động hết thảy hệ thống chính trị tham gia vào công cuộc cấp bách này.

Thế nhưng, rầy nâu vẫn hoành hành, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá lan truyền đến chóng mặt. Hậu quả, con số tụt giảm mà ngành nông nghiệp nêu ra làm nhiều người giật mình: sản lượng lúa hè thu, thu đông năm nay ở ĐBSCL chỉ đạt 18,6 triệu tấn, giảm 640.000 tấn so với năm 2005; trong đó giảm 223.000 tấn do dịch bệnh; giảm 417.000 tấn do giảm diện tích, chủ yếu lúa vụ 3.

Với giá lúa 2.500 đồng/kg, dự đoán thiệt hại do dịch bệnh lên đến 557 tỷ đồng; đó là chưa kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật và công sức của nhà nông. Ngoài ra, để phòng chống dịch bệnh, các địa phương còn chi khoảng 46 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân tiêu diệt rầy nâu, tiêu huỷ lúa bị vàng lùn - lùn xoắn lá.

Theo TS. Phạm Văn Dư, Phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá là bệnh do virút gây ra, được lây lan bởi vật trung gian là rầy nâu. Ông cảnh báo: những diễn biến hiện nay cho thấy nguy cơ rầy nâu bùng phát và bệnh do virút hại lúa (vàng lùn - lùn xoắn lá) là hết sức nghiêm trọng.

Qua điện khẩn Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: "Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính tập trung thực hiện tốt việc giám sát, phát hiện kịp thời sự xuất hiện của rầy nâu để trừ diệt, không để rầy nâu phát tán mầm bệnh.

Đối với lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá phải kiên quyết xử lý theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đối với diện tích lúa thuộc diện tiêu huỷ bắt buộc, phải huy động mọi nguồn lực tại địa phương để tiến hành tiêu huỷ ngay theo qui định, không bỏ sót hoặc để kéo dài nhằm cắt đứt nguồn lây bệnh trên đồng ruộng".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận : dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá đã và đang diễn ra ở ĐBSCL là một bằng chứng sinh động nhất cho việc sản xuất lúa thiếu tính bền vững, canh tác lúa chạy theo năng suất, sản lượng.

Truy tìm nguyên nhân sản sinh ra dịch hại lúa tại các tỉnh phía Nam, nhất là ĐBSCL, hầu hết giám đốc các sở nông nghiệp đều cho rằng "thủ phạm" là do cơ cấu 3 vụ lúa liên tiếp trong năm. Ông Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện nông nghiệp miền Nam nói: "Việc sản xuất lúa triền miên không theo mùa vụ, không cho đất nghỉ đã gây ra hàng loạt tác hại cho môi trường: giảm độ phì của đất, gia tăng ngộ độc hữu cơ, phát sinh và lưu cửu mầm bệnh, khó khăn cho phòng trừ sâu bệnh".

Cần biện pháp nhanh mạnh và đồng bộ

Dịch rầy nâu bùng phát là một lời cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn đe doạ đến vựa lúa cả nước. Nếu thiếu những biện pháp nhanh, mạnh và đồng bộ trong đầu tư, cơ cấu, tổ chức sản xuất lương thực (loại bỏ lúa vụ 3) và khuyến nông ở ĐBSCL, thì hậu quả sẽ khó lường.

Trong chỉ thị số 30 về một số biện pháp cấp bách phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: phải bố trí lịch thời vụ gieo sạ có đủ thời gian cách ly để rầy nâu không sinh trưởng, không lây lan sang vụ đông xuân. Nhưng nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc.

Cụ thể, tại Hậu Giang, đến ngày 20/10 hơn 3.000 ha luá đông xuân đã xuống giống, còn thời gian đâu cách ly, khi nông dân chưa thu hoạch xong lúa vụ 3. Trong tình hình hiện nay, đây là trường hợp không thể chấp nhận được. Ông Bùi Chí Bửu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra lịch thời vụ gieo sạ thống nhất cho các tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh, huyện phải chịu trách nhiệm về lịch xuống giống của địa phương mình, không để nhân dân gieo sạ triền miên như trong thời gian qua. "Nếu thực hiện biện pháp gieo sạ đồng bộ, việc quản lý, phòng trừ sâu bệnh dễ dàng hơn", ông Bửu nói. Vụ đông xuân là vụ sản xuất chính hàng năm của các tỉnh ĐBSCL, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, gạo hàng hoá xuất khẩu.

Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong vụ đông xuân tới là phải tìm mọi biện pháp khống chế rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: "Nếu chúng ta không sớm có biện pháp thay đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, mùa vụ... đến xoá bỏ tập quán sản xuất 3 vụ lúa liên tục trong năm, khống chế dịch bệnh thì chỉ trong vòng 5 năm tới, chắc chắn Việt Nam sẽ phải nhập khẩu gạo".

Nhiều ý kiến sốt sắng, việc chuyển từ cơ cấu sản xuất lúa truyền thống 3 vụ liên tiếp trong năm sang 2 vụ tại các tỉnh ĐBSCL, nhất thiết phải được thực hiện ngay từ vụ đông xuân 2006- 2007 này.

Hiện nay, Cục bảo vệ thực vật phía Nam đã đưa ra biện pháp khẩn cấp để đối phó với tình trạng rầy nâu di chuyển từ các tỉnh miền Đông xuống miền Tây: thiết lập một hệ thống hàng rào bẫy đèn tại Long An và Tiền Giang để theo dõi chặt chẽ sự di trú của rầy nâu nhằm có dự báo, dự phòng chính xác nhất.

Ông Nguyễn Hữu Huân cho biết: Ban chỉ đạo chóng rầy nâu ở ĐBSCL đã báo cáo và đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành chỉ thị nhằm tổ chức tháng ra quân đồng loạt tiêu diệt nguồn bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá và vệ sinh đồng ruộng; giao chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về công tác dập dịch.

Ông Huân nói: "Để tiêu diệt nguồn bệnh cần huy động tổng lực sức dân nhổ bỏ cây lúa bị bệnh. Ban chỉ đạo dự kiến tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị huy động bộ đội, học sinh ở các địa phương cùng nông dân dập dịch".



(Theo www.vneconomy.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường