Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Túi yếm khí - triển vọng mới trong bảo quản lúa giống
07 | 08 | 2007
Từ trước đến nay ở ĐBSCL, nông dân dùng giống lúa của vụ trước gieo sạ cho vụ sau. Điều này dẫn đến tình trạng không chủ động chuẩn bị thật kỹ hạt giống về mặt số lượng cũng như chất lượng để phục vụ cho mỗi vụ gieo trồng. Viện lúa ĐBSCL đang nghiên cứu loại túi dùng để bảo quản lúa giống gọi là túi yếm khí. Loại túi này giúp trữ hạt giống trong một thời gian dài nhưng vẫn giữ được chất lượng hạt giống, với tỷ lệ nẩy mầm tốt...

Trong lần dự hội nghị nghiên cứu quốc tế về lúa gạo ở Philippines, tiến sĩ Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, rất quan tâm đến phương pháp bảo quản lúa giống của một số nước trên thế giới. Đó là bảo quản lúa giống bằng túi yếm khí (môi trường không có không khí). Túi yếm khí được cấu tạo bằng poly-ethylene (PE) đặc biệt để hạn chế đến mức thấp nhất sự trao đổi không khí và hơi nước giữa bên trong và bên ngoài túi. Nguyên tắc chung là khi trữ trong túi yếm khí, hạt giống tiếp tục hô hấp, phóng thích ra khí CO2 và hấp thu khí O2. Khí O2 cạn kiệt trong bao lúa giống thì côn trùng bị tổn thương hoặc chết, không thể gây hại hạt giống. Khí CO2 càng nhiều trong túi yếm khí sẽ ức chế những hoạt động của nấm gây hại trên hạt lúa, giúp hạt lúa được bảo vệ tốt.

Hàng năm ĐBSCL gieo trồng khoảng 4 triệu ha lúa. Nhu cầu lúa giống hàng năm trong vùng trên dưới 600.000 tấn. Trong đó, lượng giống xác nhận được nông dân sử dụng chiếm khoảng 30%, tương đương 180.000 tấn. 420.000 tấn lúa giống còn lại, nông dân tự giữ giống từ ruộng sản xuất đại trà của chính mình từ một vài vụ trước. Phương thức tồn trữ lúa giống hiện nay chưa bảo đảm cung cấp lúa giống ổn định với chất lượng cao trong suốt năm. Ngay cả các công ty giống cũng chưa trang bị được hệ thống kho lạnh đầy đủ để trữ hạt giống với khối lượng lớn.

Để đảm bảo gieo cấy đủ diện tích, nông dân thường sử dụng lúa thịt thu hoạch từ một hoặc hai vụ trước làm giống cho vụ sau. Có nhiều trường hợp lúa vừa thu hoạch được sử dụng để làm giống ngay, do đó phải phá miên trạng (hiện tượng ngủ nghỉ của hạt) bằng hóa chất (acid nitric). Công đoạn này làm phức tạp thêm quá trình sản xuất của nông dân. Bảo quản hạt lúa giống bằng túi yếm khí được thực hiện trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm bình thường mà hiệu quả rất cao. Ẩm độ của hạt bên trong túi yếm khí không thay đổi nhiều giữa mùa mưa và mùa khô trong khi hạt chứa trong bao bình thường có ẩm độ biến động đến 3%. Số lượng côn trùng giảm có khi đến mức 1 con/1kg hạt giống. Hạt duy trì sự sống với tỷ lệ nẩy mầm cao kéo dài từ 6 đến 12 tháng.

Cuối năm 2004, tiến sĩ Dương Văn Chín và các cộng sự ở Viện lúa ĐBSCL bắt tay nghiên cứu, chế tạo túi yếm khí dựa trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu một số túi yếm khí chuẩn được sản xuất tại Israel. Bước đầu nghiên cứu, các nhà khoa học thử nghiệm bằng loại túi yếm khí chứa khoảng 100g hạt giống. Hạt lúa giống được trữ trong hai loại túi để so sánh kết quả. Một là túi chuẩn sản xuất tại Israel; một là túi sản xuất tại Việt Nam, bằng nhựa PE bán rộng rãi trên thị trường với bề dày 0,078mm. Phương pháp tồn trữ theo tập quán của nông dân là bỏ hạt giống vào túi trong điều kiện không khí và hơi nước thông thương bên trong và bên ngoài túi. Phương pháp của các nhà khoa học là cột chặt miệng túi bằng dây cao su đàn hồi, tạo môi trường yếm khí bên trong túi; hoặc cột chặt miệng túi, bên trong có một túi nhỏ chứa một lượng nhỏ thuốc trừ sâu...

Kết quả cho thấy, bảo quản lúa giống bằng túi PE trong điều kiện yếm khí có tỷ lệ nẩy mầm cao hơn và mật số côn trùng thấp hơn so với phương pháp truyền thống của nông dân. Cụ thể, sau 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng bảo quản, tỷ lệ nẩy mầm của lúa giống trữ trong túi yếm khí là 91,7%, 87,5% và 60,8%; trong khi tỷ lệ nẩy mầm của lúa giống trữ theo tập quán của nông dân chỉ còn 87,5%, 77,6% và 46,7%. Chất lượng của túi chuẩn do Israel sản xuất cao hơn so với túi Việt Nam do độ xuyên thấm của ô-xy và hơi nước giữa bên trong với bên ngoài khác nhau. Sau 3 tháng và 6 tháng tồn trữ, tỷ lệ nẩy mầm của hạt lúa giống trong túi Việt Nam và túi chuẩn của Israel tương đương nhau.

Tuy nhiên, sau 9 tháng, hạt giống được trữ trong túi chuẩn của Israel cho tỷ lệ nẩy mầm tốt hơn túi Việt Nam. Viện lúa ĐBSCL cũng đã hợp tác với 90 nông dân tiến hành thí nghiệm bảo quản lúa giống bằng loại túi yếm khí của Israel, chứa 20 kg lúa mỗi bao. Kết quả nghiên cứu hoàn toàn không dùng thuốc sát trùng bổ sung cho thấy tồn trữ yếm khí giữ tỷ lệ nẩy mầm 95,55% và 86,43% sau 6 tháng và 12 tháng tồn trữ. Trong khi tồn trữ theo tập quán nông dân, tỷ lệ nẩy mầm chỉ còn 53,77% sau 6 tháng tồn trữ (không đạt yêu cầu tối thiểu là 80% để được làm lúa giống) và hầu như mất sức nẩy mầm hoàn toàn sau 12 tháng tồn trữ (tỷ lệ nẩy mầm chỉ còn 1,98%).

Anh Trần Thanh Tao ở ấp Thới Hòa B, xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Tôi có thử bảo quản lúa giống bằng túi yếm khí loại bao chứa 40kg của Israel trong một năm. Đến khi gieo sạ, khoảng 85% hạt nẩy mầm tốt. Trước đây, tôi trữ lúa giống bằng loại bao tải bình thường, chỉ trữ được 3 đến 4 tháng. Sau 6 tháng, tỷ lệ nẩy mầm ngày càng thấp, chỉ khoảng 60% trở lại”. Theo đánh giá của các nhà khoa học và nông dân, lúa vụ đông xuân là tốt nhất nên dùng hạt lúa vụ này để giống sẽ cho tỷ lệ nẩy mầm cao. Ở các vụ khác, do ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh nên khó có thể tồn trữ lâu dài để làm lúa giống.

Tiến sĩ Dương Văn Chín cho biết, hiện nay, ông và các cộng sự đang nghiên cứu, chế tạo loại túi yếm khí có sức chứa 40kg lúa, được sản xuất bằng vật liệu, công nghệ, qui trình tại Việt Nam. Quá trình nghiên cứu đang ở giai đoạn cuối, có kết quả rất khả quan. Khoảng đầu năm 2007, Viện lúa ĐBSCL sẽ hoàn thành việc nghiên cứu, sản xuất loại túi yếm khí có chất lượng tương đương với túi của Israel mà giá thành rẻ hơn rất nhiều (túi của Israel khoảng 30.000 đồng/cái; túi Việt Nam dự kiến giá khoảng 6.000 đồng/cái). Việc nghiên cứu, chế tạo túi yếm khí sẽ mở ra một triển vọng mới, đáp ứng nhu cầu bảo quản lúa giống, phát triển sản xuất vùng ĐBSCL, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.



(Theo www.khoahoc.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường