Số xe máy nói trên chủ yếu là xe cũ, đã chạy từ 1,5 vạn km trở lên và chủ xe không bảo dưỡng định kỳ.
Theo ông Đặng Dương Bình, Trưởng phòng quản lý môi trường và khí tượng thủy văn của Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất, những chiếc xe máy, hiện chiếm hơn 87% tổng lưu lượng xe hoạt động trong nội thành, là đối tượng chính gây gia tăng ô nhiễm không khí cho thành phố thời gian gần đây.
Các loại khí độc hại có trong khí thải xe máy thường thấy là CO, NOx, SOx và HC (Hidro cacbon thơm - một loại chất gây ung thư.
Ô nhiễm không khí do khí thải xe máy ở Hà Nội ở mức cao thường xảy ra tại các vị trí hay có ách tắc giao thông như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Kim Liên. Khi xảy ra tắc nghẽn, luồng xe thường chỉ đạt vận tốc dưới 5km/h, thậm chí bằng 0 trong nhiều giờ liên tục. Trong tình trạng này, xe máy và ôtô con sẽ thải ra một lượng khí CO nhiều gấp 5 lần, xe buýt, xe tải nhiều gấp 3,6 lần so với khi chạy ở tốc độ 30 km/h.
Theo Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất, tình trạng ô nhiễm chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân Hà Nội, đặc biệt với những người tiếp xúc thường xuyên hoặc cư trú tại khu vực ô nhiễm. Một số nghiên cứu về tỷ lệ bệnh tật, nhất là các loại bệnh về hô hấp trong vài năm gần đây cũng đã xác nhận điều này.
Ông Đặng Dương Bình cho rằng để giảm thiểu ô nhiễm không khí, thành phố cần sớm thực hiện giải pháp cấp bách là tổ chức lại hệ thống giao thông theo hướng thân thiện với môi trường, mở rộng và xây dựng mới các đường giao thông đô thị để giảm áp lực xe cộ và các tuyến đường vành đai nhằm giảm lưu lượng xe vận chuyển liên tỉnh và quốc gia đi ngang qua khu vực nội thành.
Cũng theo ông Bình, trong khu vực nội thành nên có một số đường hoặc khu vực dành riêng cho xe đạp và người đi bộ để giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đặc biệt là khu vực trường học, bệnh viện, nơi nghỉ ngơi, giải trí của người già và trẻ em, danh lam thắng cảnh./.