Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Môi trường các làng nghề Thái Bình bị ô nhiễm nặng
30 | 09 | 2007
Tỉnh Thái Bình hiện có 162 làng nghề được tỉnh cấp bằng công nhận. Sự phát triển của các làng nghề truyền tạo công ăn, việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Tuy nhiên, mặt trái của các làng nghề bắt đầu xuất hiện trở thành nỗi lo chung của người dân địa phương.
Tại Thái Bình công tác quản lý vệ sinh môi trường ở các làng nghề đang là vấn đề bức xúc. Sự ô nhiễm không khí và nước thải đang tăng dần theo tỷ lệ thuận với sự xuất hiện của các làng nghề. Phần lớn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của huyện, thành phố và các làng nghề ở Thái Bình hiện chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, chưa có bãi chôn rác thải công nghiệp.

Việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất chưa nghiêm. Tình trạng trốn tránh việc xử lý nước thải của các doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng. Trong số 94 dự án đầu tư trong bốn khu công nghiệp Phúc Khánh, Nguyễn Ðức Cảnh, Tiền Hải và Cầu Nghìn của tỉnh mới có 67 dự án (71%) lập bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, còn lại gần 30% số dự án chưa có bản cam kết bảo vệ môi trường.

Chỉ tính riêng ở khu công nghiệp Phúc Khánh, cả ba loại chất thải (nước, khí và chất rắn) đều phải quan tâm và cần có giải pháp thích hợp, đồng thời giám sát chặt chẽ việc vận hành hệ thống xử lý của doanh nghiệp để phòng ngừa ô nhiễm môi trường khu vực. Tại khu công nghiệp Phúc Khánh, các Công ty Nhật Cường sản xuất rutin từ hoa hòe, Công ty Hưng Thịnh chiết xuất atemicinin từ cây thanh hao hoa vàng mỗi ngày thải ra môi trường 300-400 m3 nước chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, hằng ngày bốc mùi hôi thối khó chịu. Khí thải lò hơi của các nhà máy, công ty: Nhà máy tôn mạ mầu, Ắc-quy KORNAM, Công ty Thiên Ðông tái chế nhựa đều có các chỉ tiêu không đạt mức quy định của TCVN về tiêu chuẩn chất lượng không khí chung quanh.

Các làng nghề của Thái Bình hiện nay chủ yếu là phân tán nhỏ lẻ trong khu dân cư của các vùng nông thôn. Trong đó các nghề dệt nhuộm, chạm bạc, tái chế nhựa, kim loại, lò gạch thủ công... thường xuyên phải dùng các loại hóa chất để tẩy rửa, đều không được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Tại phường Tiền Phong của TP Thái Bình mấy năm vừa qua, do tốc độ đô thị hóa nhanh, cho nên hiện nay số diện tích canh tác giảm từ 147 ha xuống còn 40 ha. Trên địa bàn phường có 115 công ty, xí nghiệp và cơ quan doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh xen lẫn khu dân cư, làm cho nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, thậm chí có lúc dòng chảy bị tắc gây úng ngập, ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt đời sống của nhân dân. Hơn 30 hộ dân sinh sống gần nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân bón không chịu được nguồn nước đen hôi thối, không khí ngột ngạt và khói bụi phải chuyển đi nơi khác. Ở các khu vực tổ 14, 15 và 17, tình trạng úng lụt từ nước thải của các nhà máy Bia, Công ty nhuộm Thành Công và Công ty dệt Thăng Long thường xuyên xảy ra. Phường Tiền Phong đã vận động nhân dân và dùng nhiều biện pháp khắc phục, nhưng hiện nay nước thải ô nhiễm vẫn chưa có lối thoát, tiếp tục ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Ở xã Nam Cao (huyện Kiến Xương) từ lâu có nghề tơ đũi phát triển khá mạnh với 95% số hộ dân địa phương có khung dệt, mỗi năm sản xuất từ 6 đến 7 triệu m2 đũi với doanh số gần 70 tỷ đồng. Mỗi hộ dân là một đơn vị sản xuất nhỏ lẻ bao gồm đủ các công đoạn như nấu, tẩy, ngâm ủ và dệt, mỗi năm cả xã này dùng hết 250 tấn nhiên liệu và hơn 20 tấn hóa chất các loại như acid, oxy, silicat, xà-phòng, thuốc tẩy. Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tất cả các loại hóa chất nói trên đều chảy ra vườn, cống rãnh, hồ ao, mương máng trên địa bàn xã. Lâu dần nguồn nước thải này dày đặc đen quánh, có mùi hôi tanh ngấm xuống nguồn nước mặt và bốc hơi hòa tan trong không khí gây mùi rất khó chịu. Thậm chí nguồn nước các giếng khơi cũng bị ô nhiễm nặng, không thể dùng cho sinh hoạt hằng ngày.

Những năm gần đây, nhiều địa phương ở trong tỉnh Thái Bình xuất hiện các gia trại, trang trại chăn nuôi lợn tập trung với số lượng lớn, có gia đình nuôi hàng trăm, hoặc hàng nghìn con gia súc, gia cầm nhưng hầu hết chưa giải quyết được nguồn phân và nước tiểu của số vật nuôi nói trên cũng gây ô nhiễm cao trong khu vực chăn nuôi, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe những người chung quanh. Còn ở xã Vũ Hội (huyện Vũ Thư), những chất thải của hàng trăm cơ sở sản xuất chế biến nông sản và sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp như làm bún bánh, đúc xoong nhôm, làm nhựa tái chế... đều được tuôn xuống ao hồ, cống rãnh trong xóm, ngoài làng suốt gần 20 năm nay.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở những địa phương nêu trên đã ở mức báo động. Trong các kỳ tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội hoặc HÐND Thái Bình, nhiều cử tri đã đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm vấn đề môi trường nông thôn, nhất là trong các làng nghề. Ðồng thời, có biện pháp xử lý nước thải, có cơ chế chính sách về quản lý môi trường ở cơ sở và chương trình đào tạo cán bộ quản lý môi trường cho từng địa phương. Ðây chính là lối ra cho việc phát triển mạnh các làng nghề, nhằm tăng thu nhập cho người lao động, góp phần hình thành nếp sống CNH, HÐH trong nông nghiệp và nông thôn.


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường