Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất nông nghiệp đang bỏ trống môi trường
19 | 10 | 2008
Đóng góp 24% GDP, 30% sản lượng xuất khẩu, tạo việc làm cho 60% lao động cả nước song rõ ràng sản xuất nông nghiệp lâu nay vẫn bỏ trống môi trường. Lần đầu tiên, vấn đề này được Bộ NN-PTNT phân tích, nhìn nhận một cách tổng thể nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ sản xuất nông nghiệp đến môi trường.
Đâu cũng thấy ô nhiễm

Cùng với sự phát triển vượt bậc của nông nghiệp, từ trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm thuỷ lợi đến nuôi trồng thuỷ sản, các làng nghề... đã và đang kéo theo hệ lụy: đụng vào đâu cũng vấp phải tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phan Huy Thông dẫn chứng, việc bà con nông dân thiếu hiểu biết, sử dụng phân bón bừa bãi và thường là bón quá nhiều, dẫn tới ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước và có thể gây đột biến gen một số loại cây trồng.

Năm ngoái, có 60-65% lượng phân đạm bị cây trồng "chê" (tương đương 1,77 triệu tấn urê); 55-60% lượng lân (2,07 triệu tấn) và 55-60% kali (344.000 tấn) được bón vào đất nhưng cây trồng không hấp thu, rất lãng phí.

Nông dân đang sử dụng quá nhiều phân bón, gây lãng phí và làm ô nhiễm nguồn đất, nước (ảnh TL).

Cùng với đó là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà nguy hiểm hơn đe dọa đến an toàn thực phẩm cho con người. Ngành nông nghiệp đã "ngốn" tới 75.800 tấn thành phẩm thuốc BVTV năm 2007, gấp đôi lượng thuốc của năm 2000.

Không những vậy, theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, khoảng 60% trong số 78 triệu tấn thải rắn hàng năm từ đàn gia súc, gia cầm chưa qua xử lý được đổ thẳng ra môi trường, xuống hệ thống thoát nước, kênh mương trong vùng. Chẳng hạn, tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lâm Thao (Phú Thọ) 80-90% phân thải không được xử lý, chỉ ủ hoặc dùng trực tiếp để nuôi cá, bón ruộng. Cả nước có 16.700 trang trại chăn nuôi nhưng chỉ 10% có hệ thống xử lý chất thải.

Hậu quả nhãn tiền dịch bệnh cúm gà, lở mồm long móng, tai xanh bùng phát mạnh mẽ những năm gần đây. Người dân thì thiếu nước sinh hoạt, tỷ lệ dân mắc bệnh tiêu chảy, mẩn ngứa gia tăng.

Dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản cũng từng làm điêu đứng nhiều hộ dân, một phần cũng do môi trường nuôi ô nhiễm. Theo Phó Cục trưởng Cục Nuôi trồng thủy sản Lê Viễn Chí, từ năm 1993 đến nay, dịch bệnh thủy sản xảy ra liên tiếp làm mất trung bình 83 tỷ đồng/năm.

Chính cá tra, basa - đang mang về hàng tỷ đôla từ xuất khẩu - thì chỉ khoảng 576 tấn (năm 2006) cũng đã tạo ra 600 tấn chất thải đổ thẳng ra sông. Còn kết quả điểu tra 2 năm 2006-2007 tại 184 nhà máy chế biến thuỷ sản có tới 90% gây ô nhiễm môi trường ở mức độ khác nhau.

Ngoài ra, ô nhiễm từ các làng nghề tiếp tục là một vấn nạn, lâu nay báo chí lên tiếng mạnh mẽ, vẫn đang bị bỏ trống và đe dọa ngày càng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân.

Bên cạnh đó, lượng rác thải phát sinh ở khu vực nông thôn khoảng 100 triệu tấn/năm, dự báo đến năm 2010 sẽ lên đến 145 triệu tấn/năm nhưng chỉ thu gom chỉ đạt từ 30-40%. Do vậy, đất nông nghiệp vùng ngoại thành và các tỉnh đang bị ô nhiễm kim loại nặng nề do chất thải từ các khu công nghiệp, làng nghề, phân bón hóa học tích trữ qua nhiều năm.

Lúng túng khắc phục

Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, môi trường đang có chiều hướng xấu đi, mức độ suy thoái về đất, nước trở thành những vấn đề cấp bách. "Nếu không giải quyết kịp thời, ngành nông nghiệp khó có thể phát triển bền vững. Không thể có nền nông nghiệp sạch nếu đất bẩn, nước bẩn, môi trường sinh thái ô nhiễm”, ông Phát khẳng định.

Tại Hội nghị Bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 17/10, Bộ trưởng Cao Đức Phát phê bình các báo cáo về môi trường vẫn chưa toàn diện, thiếu chiều sâu vấn đề.

Ông thừa nhận ngành còn lúng túng trong việc giải quyết vấn đề môi trường khi quá sa đà vào những dự án chưa thực sự đạt mức quan tâm ở tầm quốc gia.

“Liệu chúng ta có thể trồng trọt như hiện nay nếu tiếp tục sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan; ngành chăn nuôi có thể tăng đàn trong điều kiện chăn nuôi tùy tiện, nhỏ lẻ, nuôi lẫn với người, chất thải không xử lý? Chúng ta nuôi hàng triệu tấn cá nhưng cũng có hàng triệu tấn rác thải đổ thẳng ra sông. Các làng nghề có thể tồn tại khi chất thải kim loại nặng xả vào nguồn nước, người dân ở đó lại lấy ăn khiến hàm lượng kim loại trong máu cao gấp nhiều lần...? Câu trả lời là không", người đứng đầu ngành nông nghiệp thẳng thắn đặt vấn đề.

Do vậy, Bộ trưởng Phát nhận xét, nếu ngành nông nghiệp không có sự điều chỉnh thì không thể tiếp tục mở rộng sản xuất. Dịch bệnh từ gia súc gia cầm, cây trồng đều có liên quan đến môi trường, đến sức khỏe của người dân.

Trong khi đó, theo Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Nguyễn Bỉnh Thìn, từ khi sắp xếp lại cơ cấu, Bộ NN-PTNT mới hình thành lực lượng bảo vệ môi trường, lại làm việc kiêm nhiệm, mỏng và yếu. Sự chồng chéo về quản lý tài nguyên, như nước, khu bảo tồn... với Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng gây khó khăn trong hoạt động.

Ngành lại đứng riêng rẽ, chủ yếu quan tâm đến chỉ tiêu kinh tế xã hội mà lơ là chỉ tiêu và biện pháp bảo vệ môi trường. Cùng với kinh phí ít ỏi (22 tỷ cho cả năm 2008) đang là những rào cản lớn khi vạch ra giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề môi trường ở tầm quốc gia.

Đến thời điểm này, Bộ mới bắt đầu triển khai xây dựng đề án nhằm tăng cường năng lực bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn.



Nguồn: Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường