Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam: Ba “nhà” phải chung tay
26 | 04 | 2010
Ngày 25-4, trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ nhất tại Cần Thơ đã diễn ra hội thảo "Thủy sản Việt Nam - Tiềm năng - Phát triển và hội nhập". Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, nông dân... cùng ngồi lại tìm cách tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng thủy sản Việt Nam... Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng thương hiệu cho thủy sản Việt Nam cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Yếu tố then chốt là chất lượng

Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng nâng cao chất lượng được xem là yếu tố then chốt của ngành thủy sản. Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 15 ngư trường sâu từ 10-280m, phần lớn có thể khai thác quanh năm và 1 triệu hécta nuôi trồng, trong đó ĐBSCL chiếm hơn 70% diện tích và 90% sản lượng nuôi, xuất khẩu. Hằng năm, ngành thủy sản đóng góp khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm cho 4 triệu lao động. Hiện thủy sản Việt Nam có mặt ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nếu năm 2000, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,5 tỷ USD thì đến năm 2009 đạt 4,2 tỷ USD và năm 2010 có thể đạt 4,5-4,7 tỷ USD, trong đó cá da trơn đạt 1,4 tỷ USD. Đây được đánh giá là bước khởi đầu đặt nền móng cho chất lượng thủy sản Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP NTACO (An Giang), để thủy sản Việt Nam tồn tại và đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, không có con đường nào khác là nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông cho biết, Công ty CP NTACO đã cải tạo quy trình sản xuất theo chuẩn Global GAP. Điều khác biệt của phương pháp sản xuất này với cách nuôi thông thường là người nuôi cần phải ghi chép sổ sách cẩn thận, tỉ mỉ; đồng thời dành ít nhất 20% diện tích sản xuất để làm ao lắng và ao chứa chất xả thải...

Hội thảo cũng nhìn nhận ngành thủy sản Việt Nam còn nhiều hạn chế như phương tiện, kỹ thuật đánh bắt xa bờ quy mô nhỏ, lạc hậu, hậu cần thiếu đồng bộ; việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản chậm; phòng trừ dịch bệnh còn hạn chế; nhiều thời điểm, nguồn nguyên liệu thiếu ổn định. Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp căn cơ, bền vững nhất cho thủy sản là đầu tư vùng nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế. Ông Bùi Khương Thới, Trưởng đại diện Tập đoàn Binca Seafoods Vietnam (nhà phân phối thủy sản tại châu Âu) nhận định: Người dân châu Âu đang có xu hướng cẩn trọng hơn đối với những sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Họ muốn biết tường tận hơn về nguồn gốc của sản phẩm như thức ăn của cá trong quá trình nuôi, giá trị dinh dưỡng, hàm lượng muối trên cá thành phẩm, vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất, điều kiện làm việc của công nhân, bảo vệ môi trường...

Các nhà khoa học cho rằng, để tạo được uy tín vững vàng của sản phẩm thủy sản, cần quản lý chặt hơn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục phối hợp với TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ mở rộng chế biến, xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng tốt các đòi hỏi khắt khe của thị trường.

Rất cần sự liên kết chặt chẽ

Mục tiêu của ngành thủy sản đến năm 2020 sẽ đưa diện tích nuôi trồng lên 890.000ha, sản lượng đạt 3,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 5,5 tỷ USD. Để cán được cái đích đó, đa phần ý kiến tại hội thảo cho rằng, giải pháp ngay từ bây giờ là phải quy hoạch, điều chỉnh nuôi trồng, gắn sản xuất với thị trường. Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ), trước hết phải quy hoạch, xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu cho vùng nước ngọt, nước lợ, phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu.

Thực tế, tài nguyên thủy sản của ta rất phong phú, vấn đề cốt yếu chính là đội quân khai thác nó. Đội quân đó rất đông, nhưng đóng vai trò chủ đạo vẫn là doanh nghiệp và người nuôi trồng. Để tránh tình trạng chất lượng kém, người nuôi trồng cần tuân thủ quy trình nuôi khoa học, doanh nghiệp cần đón nhận sản phẩm với đầy đủ trách nhiệm. Có một nghịch lý lâu nay vẫn tồn tại đó là quan hệ bất ổn giữa nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như, khi giá tôm, cá nguyên liệu tăng cao thì người nuôi tìm cách hủy hợp đồng đã ký, bán cho doanh nghiệp khác với giá cao hơn. Khi giá thấp hơn giá hợp đồng thì đến lượt doanh nghiệp tìm các lý do về kỹ thuật (kích cỡ), chất lượng để không mua sản phẩm của nông dân. Không thực sự cùng nhau chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro nên sự phát triển các vùng nuôi không bền vững. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho biết, có từ 30-50% diện tích ao nuôi cá tra bị bỏ trống trong thời gian qua là bằng chứng cho sự liên kết thiếu bền vững giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Đồng ý kiến trên, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho rằng, phải thực hiện tốt vai trò tổ chức sản xuất theo vùng (đối với nông dân), liên kết giữa vùng nuôi và nhà máy chế biến (liên kết sản xuất và tiêu thụ) và mối liên kết giữa nhà máy với thị trường (thương hiệu). Toàn bộ mối liên kết này cũng được đặt ra trong mối liên kết vùng giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (Ô Môn, TP Cần Thơ) lại mong muốn hợp đồng giữa DN và nông dân phải chặt chẽ hơn, thể hiện bằng việc DN đầu tư hỗ trợ vốn, bằng thức ăn, con giống. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng phá vỡ hợp đồng bao tiêu. Bên cạnh sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, ngành thủy sản cần phát triển mạnh hệ thống thông tin thị trường, giá cả, quảng bá tiếp thị sản phẩm; cần xây dựng các chợ thủy sản đầu mối gắn với các cảng cá ở từng vùng, miền.

Xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam đòi hỏi các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, sản xuất và người dân cần chung tay liên kết, tạo ra thế mạnh, sản phẩm mạnh, chất lượng cao.

 



Theo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường