Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra, ba sa Việt Nam: Cơn "địa chấn" chưa tan
27 | 11 | 2008
2008 là một năm có quá nhiều biến động đối với số phận của con cá tra, basa của Việt Nam. Khi cuộc khủng hoảng thừa cá tra nguyên liệu vừa tạm thời được tháo gỡ, tưởng rằng “sóng tạm yên, biển tạm lặng”. Nhưng rồi, khủng hoảng kinh tế thế giới khởi nguồn từ cơn “địa chấn” phố Wall đã khiến số phận của con cá tra một lần nữa lại khốn đốn, lao đao.
Thị trường chao đảo

Hai thị trường xuất khẩu chính của thuỷ sản Việt Nam là Mỹ và châu Âu. Cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ xảy ra đã kéo theo thị trường châu Âu cùng chao đảo. Các nhà đầu tư Mỹ rút vốn đầu tư ở châu Âu, khiến đồng Euro, đồng bảng Anh mất giá, nhà nhập khẩu châu Âu bị lỗ. Vì vậy việc xuất khẩu nói chung và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam nói riêng càng lúc càng trở lên khó khăn.

Hiện EU vẫn luôn dẫn đầu các thị trường nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm này các nhà nhập khẩu của các nước EU không có tiền do ngân hàng không chịu bảo lãnh nên họ cũng buộc phải ngưng đặt hàng. Nga và Ukraine là hai thị trường chiếm vị trí thứ 2 và thứ 3 trong các nước nhập khẩu cá tra, basa của Việt Nam. Nếu xét về thị trường đơn lẻ nhập khẩu cá tra Việt Nam thì Nga đang dẫn đầu với 155,6 triệu USD, tăng 118% so với cùng kỳ, Ukraine đứng thứ 2 với 104,7 triệu USD, tăng 225%. Tuy nhiên, hiện tại hai thị trường này cũng đã ngừng nhập hàng với nguyên nhân không có tiền thanh toán vì ngân hàng siết chặt tín dụng. Thực tế, không chỉ Nga, Ukraine, Ba Lan hay EU… mà toàn thế giới hiện đều đang lâm vào tình cảnh trên.

Người nuôi và doanh nghiệp đều lao đao

Sản phẩm cá tra, ba sa của Việt Nam hiện đã có mặt tại 80 nước và vùng lãnh thổ, nhưng thực tế chỉ có 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Đông Âu, chiếm đến 80% thị phần. Trong điều kiện hiện nay, khi cả 3 thị trường đều gặp những khó khăn quá lớn, số phận con cá tra,ba sa Việt Nam đương nhiên không thoát khỏi tình trạng lao đao. Theo ông Dương Hoàng Mãnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản Mêkông, khủng hoàng tài chính thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu cá tra, basa trong nước. Thực chất, có thể nói “hầu như các thị trường đã đóng cửa hàng loạt”.

Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, cá tra, ba sa nguyên liệu ở ĐBSCL liên tục rớt giá thảm hại. Theo tính toán của những người trong cuộc, người nuôi đang chịu lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Tuy vậy, do cá đã đến thời điểm bán, không thể tiếp tục nuôi vì giá thức ăn, thuốc thú y cho cá trong nước bị đẩy lên quá cao. Nên người nuôi đành chấp nhận lỗ để giải phóng đàn cá, tránh thiệt hại nặng hơn.

Thực tế giá cá giảm, nguyên nhân không phải do “thừa” nguyên liệu như thời điểm cách đây vài tháng, mà do giá xuất khẩu hiện cũng đã giảm xuống nhiều. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp còn chưa xuất khẩu được nên cũng không thể mặn mà với việc thu mua nguyên liệu cho bà con.

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu - đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất của cuộc khủng hoảng - đang phải đối mặt với những khó khăn lớn. Ông Lương Hoàng Mãnh cho biết: “Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp chưa giải phóng hết lượng cá tồn kho. Nếu tình hình này kéo dài, lượng hàng tồn kho sẽ nhiều hơn, tạo áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn không chỉ về thị trường mà cả về vốn. Từ nay đến cuối năm, nếu như việc mở rộng tín dụng ngân hàng trong nước không được nới lỏng, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ khó có thể cầm cự được.

Hướng đi nào cho cá tra, basa?

Cho đến thời điểm này, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam. Sức tiêu thụ thuỷ sản ở Mỹ và châu Âu đã giảm sút rõ rệt. Vẫn biết đây là 2 thị trường lớn nhất của con cá tra, basa Việt Nam, nhưng, trong điều kiện hiện nay, nếu chấp nhận nằm im chờ đợi cho qua cơn khủng hoảng tại các thị trường này, cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp chấp nhận “chết chung” với các nhà nhập khẩu ở đây. Điều đó đương nhiên là không thể. Trong cơn “nước sôi, lửa bỏng” đó, nhiều doanh nghiệp đã tự tìm cho mình những thị trường mới. Một số thị trường trước đây ít được quan tâm như Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi... thì nay đã là mục tiêu để các nhà xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vươn tới. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp) cho biết, tại Hội chợ Conxemar 2008 (Vigo, Tây Ban Nha) hồi đầu tháng 10 - 2008, ngoài Đức, Anh, Pháp…,Vinh Hoan Corp đã nhắm tới các thị trường mới mẻ như: Trung Đông, Nam Mỹ... Ngay tại hội chợ này, Vinh Hoan Corp đã ký được hợp đồng XK cá tra fillet đông lạnh với khối lượng lớn sang Ai Cập - bạn hàng hoàn toàn mới của Công ty.

Hướng đi của Vinh Hoan Corp là hoàn toàn đúng đắn, không những đưa sản lượng XK cá tra, basa của Công ty tăng lên mà còn tạo điều kiện để con cá tra, basa “bơi xa” hơn nữa trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, một biện pháp có thể coi là an toàn và rất hữu hiệu đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, basa hiện nay là hướng vào thị trường trong nước. Thực tế, hướng đi này đã được Công ty Cổ phần XNK Thuỷ sản An Giang (Agifish) triển khai, tuy nhiên cũng mới chỉ là ở mức “thử nghiệm”. Sản phẩm cá tra, basa thực tế vẫn chưa hề được bán rộng rãi ở thị trường trong nước. Trong điều kiện hiện nay, với những sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu còn đọng trong kho, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tung ra thị trường nội địa. Và tương lai, cũng nên coi đây là một thị trường tiềm năng. Hoàng Lan

Một nghịch lý đang diễn ra gây lo lắng cho người nuôi cá tra ở ĐBSCL những ngày gần đây là sản lượng còn ít nhưng giá thấp và không tiêu thụ được. Bà Nguyễn Thị Tường, nông dân nuôi cá tra ở Ô Môn, Cần Thơ, phản ánh: “Giá cá hiện chỉ còn 13.000 - 14.000 đồng/kg, nhưng các doanh nghiệp không đến mua. Với giá này thì người nuôi không thể nào sống nổi, cầm chắc thua lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg…”. Bên cạnh tình hình giá cá giảm liên tục trong thời gian ngắn, từ 17.000 - 18.000 đồng/kg xuống còn 13.000 - 14.000 đồng/kg, lại xảy ra chuyện nhiều nông dân nuôi cá bị doanh nghiệp xù hợp đồng đã ký. Ông Vương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Đồng Tháp, lo ngại: “Toàn tỉnh hiện chỉ còn khoảng 10.000 tấn cá tra tới lứa tiêu thụ nhưng nông dân vẫn không bán được. Mấy ngày qua, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn ngưng thu mua hoặc “chạy” cầm chừng”. Hiện tại, các địa phương nuôi cá tra ở ĐBSCL, sản lượng cá tới lứa thu hoạch không nhiều, phổ biến ở mức 5.000 - 15.000 tấn.

Theo ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, vấn đề đáng lo ngại nhất là người nuôi đang gặp nhiều khó khăn về vốn, đầu ra sản phẩm vì các doanh nghiệp lớn thì ngưng thu mua cá nguyên liệu, các công ty nhỏ thì mua giá thấp. Trong khi đó, các công ty nhỏ này lại không có nhà máy chế biến nên việc bán cá cho họ tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến chậm trả tiền, thậm chí giựt nợ.

Trước thực tế hiện nay, nhiều nông dân nuôi cá và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL đề nghị: Bộ NN & PTNT và Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho người nông dân nuôi cá ở ĐBSCL. Cụ thể là phải xem xét có biện pháp giảm giá thức ăn thủy sản xuống mức hợp lý để giảm áp lực thua lỗ cho người nuôi. Đồng thời, nên nghiên cứu chính sách xuất khẩu trao đổi hàng hóa, ví dụ như đổi sản phẩm cá tra lấy phân bón… vì thực tế các nước nhập khẩu cũng có nhiều khó khăn về tài chính…

Cá tra, ba sa Việt Nam: Vẫn “áo gấm đi đêm”?!

1 Theo GS - TS Võ Tòng Xuân: mặc dù thời gian qua, cá tra, basa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc song vẫn chỉ giống như “người đẹp trong bóng tối” trên thị trường thế giới. Quả thật, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD; gần 99% sản phẩm cá tra tiêu thụ trên thị trường thế giới có xuất xứ từ Việt Nam, lẽ ra sản phẩm này phải có một thương hiệu riêng mang tầm quốc gia, phải được đa số người tiêu dùng trên thế giới biết đến. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm cá tra, basa. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, sản phẩm cá tra, basa của nước ta đa phần không được mang thương hiệu Việt. Nhiều lô hàng vừa qua tay nhà nhập khẩu nước ngoài, ngay lập tức đã phải mang nhãn ngoại. Điều này đương nhiên đã hạ thấp vị thế của ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

2 Tại sao ta chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho con cá tra, basa trong khi hoàn toàn có thể làm được điều đó? Có nhiều nguyên nhân song về cơ bản, do chúng ta chưa đề ra được một quy trình xây dựng thương hiệu với những quy định bắt buộc đối với hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Đại đa số người nuôi cá vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc làm thế nào để sản phẩm có chất lượng tốt nhất, chưa nắm được quy trình nuôi cá tra sạch… Một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu còn sử dụng máy bơm chích dung dịch vào fillet cá để tăng trọng lượng cho sản phẩm nhằm thu lợi nhuận cao hơn… Như vậy, làm sao để có thể nâng cao uy tín cho sản phẩm cá tra Việt Nam khi chính những người trực tiếp tạo ra sản phẩm không hề quan tâm đến vấn đề đó?

3 Gia nhập WTO, yêu cầu về thương hiệu càng phải được đặt lên hàng đầu. Có xây dựng được thương hiệu mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Về sản lượng, cá tra, basa Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là chất lượng sản phẩm. Theo ông Nguyễn Đình Huấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Thuỷ sản An Giang (Agifish): nước ta có nhiều thế mạnh trong việc nuôi cá tra, basa mà ít quốc gia nào có được. Vì vậy việc xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Để làm được điều này, cần xây dựng được chất lượng ổn định và đồng bộ từ khâu con giống, môi trường nuôi, thức ăn, thuốc điều trị và xác lập hệ thống phân phối thống nhất. Muốn vậy, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa ba nhà: nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp.

Cuối cùng, ví như “áo gấm đi đêm”, dù sản lượng có nhiều, chất lượng có tốt nhưng nếu con cá tra Việt Nam chưa có được thương hiệu riêng thì khó có thể “bơi” xa trên thị trường quốc tế.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường