Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Bơm" tiền cứu cá tra, cá ba sa
03 | 06 | 2008
Hàng ngàn hộ nông dân ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ phá sản do cá nuôi đã đến lứa bán nhưng các doanh nghiệp không mua hoặc chỉ mua cầm chừng.
300.000 tấn cá chờ tiêu thụ

Hôm qua 1.6, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã tham dự hội nghị trực tuyến về sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa với 8 tỉnh, thành có nghề nuôi cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre và Sóc Trăng.

Theo báo cáo của lãnh đạo các địa phương tại hội nghị, hàng ngàn hộ nông dân ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ phá sản do cá nuôi đã đến lứa bán nhưng các doanh nghiệp không mua hoặc chỉ mua cầm chừng. Giá cá hiện chỉ còn từ 13.800 đến 14.500 đồng/kg, thấp hơn giá thành từ 1.500- 2.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi cá đã đánh tiếng chấp nhận bán với giá thấp hơn giá thành và cho doanh nghiệp mua chậm trả tiền nhằm "cắt lỗ", nhưng cũng không được. Việc kiếm tiền mua thức ăn cho cá hiện giờ là vô cùng khó khăn vì các ngân hàng thắt chặt nguồn vay mà vay nóng bên ngoài cũng không dễ do người cho vay sợ rủi ro. Thực tế đó khiến cho những người nuôi cá ở ĐBSCL như "ngồi trên đống lửa".

Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn nói: "Bức tranh về con cá tra ở ĐBSCL hiện nay rất ảm đạm mà nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Các doanh nghiệp chế biến cá thiếu vốn nên không mua cá nguyên liệu cho nông dân. Không bán được cá, người nông dân không có tiền để mua thức ăn và tái sản xuất. Hiện ở TP Cần Thơ còn hơn 5.000 tấn cá đã quá lứa (tức trọng lượng hơn 1 kg/con - PV) nhưng chưa bán được". Ông Trương Minh Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết hiện tỉnh này còn đến 20.000 tấn cá nguyên liệu không ai hỏi mua. Tương tự, ở Vĩnh Long, tuy diện tích nuôi cá tra không lớn nhưng hiện cũng còn đến 15.000 tấn cá chưa tiêu thụ được... Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trương Ngọc Hân, hiện giá ca tra, cá ba sa khoảng 13.800 - 14.300 đồng/kg trong khi chi phí nuôi 1 kg cá đã lên tới 16.000 đồng nên người nông dân phải chịu lỗ từ 1.700 - 2.200 đồng/kg. Giá cá đứng ở mức như hiện nay một phần là do nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, cá ba sa cạnh tranh không lành mạnh, cố tình chào bán hàng giá thấp. "Trong khi có thể đàm phán và được ký hợp đồng xuất khẩu cá với giá từ 3 - 3,4 USD/kg thì có doanh nghiệp đã chào giá bán xuống còn 2,6 - 2,8 USD/kg. Giá xuất khẩu thấp đã kéo giảm giá mua cá tra, cá ba sa nguyên liệu trong nước, ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân" - ông Trương Ngọc Hân phân tích. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang lo lắng: "An Giang hiện có 69.000 tấn cá tra, cá ba sa trên 1 kg có thể thu hoạch được nhưng người dân chưa bán được cá. Doanh nghiệp không mua hoặc hạn chế mua, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, nếu cứ để mặc nhiên, người nuôi cá sẽ bị phá sản là điều dễ thấy nhất".

Ước tính, lượng cá tra đã đến lứa thu hoạch nhưng chưa tiêu thụ được ở ĐBSCL hiện nay không dưới 120.000 tấn. Nếu tính cả lượng cá đang thả nuôi, thì từ đây đến cuối tháng 8.2008, tổng sản lượng cần tiêu thụ lên đến 300.000 tấn.

Người nuôi cá thì vậy, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu thì đang rất thiếu vốn nên không thể mua hết cá do người dân nuôi. Theo Cục Chế biến, thương mại nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các doanh nghiệp đang đề nghị vay tổng số tiền là 257 triệu USD để mua nguyên liệu đầu vào.

Theo thống kê của Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 20% diện tích chưa thả giống và có nguy cơ bỏ không. Nếu khó khăn của nông dân vẫn không được giải quyết, diện tích này sẽ còn tăng lên. Ông Trương Ngọc Hân cho biết, tại Đồng Tháp đã có tới 120 hộ nuôi cá không thả nuôi tiếp và 113 ha diện tích nuôi cá bị bỏ không. Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn thông tin, do không có vốn, 30 - 40% số ao nuôi trên địa bàn đã thu hoạch xong nhưng nông dân vẫn chưa thả nuôi lứa mới.

Ngân hàng sẽ "bơm" tiền

Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, "bơm" vốn cho doanh nghiệp để thu mua cá của dân là việc cần phải làm ngay để cứu cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định: "Chúng tôi sẽ cho các doanh nghiệp vay vốn để giải quyết đầu ra cho người nuôi cá. Mỗi tỉnh chọn ra 2 doanh nghiệp có uy tín, gửi ngay danh sách cho chúng tôi vào 9 giờ ngày 2.6 và chiều cùng ngày tôi sẽ có cuộc họp chỉ đạo các ngân hàng triển khai ngay việc cho vay vốn". Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: với giá trị kim ngạch xuất khẩu dự tính khoảng từ 1,2- 1,4 tỉ USD trong năm nay, cá tra, cá ba sa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm các doanh nghiệp có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại để góp phần làm tăng giá trị cá tra, cá ba sa Việt Nam. Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ sớm đưa cá tra, cá ba sa vào danh sách nhóm mặt hàng sản xuất chiến lược để có chính sách hỗ trợ phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thống nhất cao đối với các ý kiến và các giải pháp của lãnh đạo các địa phương và các bộ, ngành trung ương nêu ra. Về những giải pháp trước mắt, Phó thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng cung vốn để giúp các doanh nghiệp tiêu thụ hết lượng cá nguyên liệu cho nông dân. Các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp có biểu hiện gian lận thương mại; ngành ngân hàng chỉ đạo các ngân hàng thương mại kiểm tra việc gia hạn nợ, cho vay mới... "Đây là những việc cần làm ngay, không được chần chừ" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.




Nguồn: kinhtenongthon
Báo cáo phân tích thị trường