Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có nên tiếp tục dốc tiền nuôi cá tra?
19 | 11 | 2008
Đó là câu hỏi không dễ tìm ra câu trả lời lúc này khi mà hậu quả vụ nuôi cá tra thua lỗ thê thảm đã "quật" ngã phần lớn các hộ nuôi cá nhỏ lẻ, những hộ còn chút ít vốn liếng thì lo bảo toàn hơn là đuổi theo mạo hiểm...
Cho đến thời điểm này giá cá tra ở ĐBSCL vẫn thấp hơn giá thành. Trong khi đó, thống kê của Hiệp hội Nghề cá An Giang- AFA cho biết, đến thời điểm này diện tích thả nuôi toàn khu vực ĐBSCL là hơn 5.100ha, tăng 11% so với năm 2007 và sản lượng đã đạt trên 1 triệu tấn cá. Ông Lê Văn Đẹp, ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú- An Giang cho biết: Tình trạng cá tới lứa không có DN mua vẫn căng thẳng mặc dù giá cá đã xuống rất thấp (13.000đồng/kg), người nuôi đang phải chịu thua lỗ tới 2.000 đồng/kg.

Được biết hiện nay để nuôi 1kg cá tra tiêu tốn tối thiểu 1,6kg thức ăn trong khi giá thức ăn rẻ nhất cũng 8.000đ/kg. Đó là chưa kể con giống, tiền lên ao, công nuôi...Ông Đẹp đang cần bán 100 tấn cá tra để giải quyết món nợ 1 tỷ đồng vay ngân hàng nhưng tìm mãi vẫn không có khách mua. “Nông dân chúng tôi đã khổ, nay tiếp tục khổ, trong số 27 hộ nuôi thuộc Chi hội nuôi cá Long Thạnh nay phần lớn đã bỏ nghề, trốn nợ biệt xứ vì thua lỗ cá tra, số còn lại thì đang sống trong cảnh nợ nần bủa vây" –ông Đẹp nói.

Ông Võ Kế Nghiệp, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Vĩnh Phú Quý, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú nói: Muốn cứu được con cá tra thì Nhà nước phải có giải pháp bình ổn giá XK, nếu cần thì nên lập cơ chế điều phối XK cá tra giống như đã từng làm với XK gạo. Lâu nay, việc Chính phủ bơm vốn cứu cá tra nhưng thực chất đến thời điểm này đồng vốn đó đâu có trực tiếp tới tay nông dân. Tất cả nông dân vẫn tự bơi giống như con cá tra tự bơi trong ao vậy. Hiện tại, không còn cách nào khác là người nuôi cá tự cứu lấy mình bằng cách tiết giảm diện tích thả nuôi. Còn việc ký hợp đồng bán cá thì phía DN vẫn bẻ kèo, ký hợp đồng lúc đầu giá cao nhưng khi bắt thì dìm giá thấp xuống.

Ở xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, 4 hộ nuôi cá ký hợp đồng bán cho DN ở Đồng Tháp, cá đã quá tuổi thu hoạch hơn 2 tháng nhưng DN này không thèm xuống bắt cá. Hiện tại, 4 hộ nông dân đã đến yêu cầu DN bắt cá thì phía DN đòi ký thêm phụ lục hợp đồng, đưa giá xuống thấp hơn hợp đồng đầu tiên nhưng rồi vẫn lần nữa không bắt cá. Cái khổ cho nông dân là lấy chữ tín làm đầu thì bị DN bẻ kèo, ràng buộc câu từ trong hợp đồng. Trong khi cũng hợp đồng này nông dân ký với DN lại có điều khoản là nông dân bẻ kèo thì phải bồi thường 10% giá trị.

Thực tế cá tra nguyên liệu bán không người mua, giá thấp là do nhiều nguyên nhân trong đó vấn đề quy hoạch phát triển không gắn với chế biến là "thủ phạm" chính. Ông Châu Minh Chinh, Trưởng phòng Tư vấn – Kinh tế - Thương mại (AFA) cho biết: Theo số liệu của Bộ NN-PTNT đề ra đến năm 2010 diện tích nuôi toàn vùng được quy hoạch 8.600 ha, sản lượng 1.250.000 tấn, hướng tới xuất khẩu 500 ngàn tấn, kim ngạch XK dự kiến 1,3 – 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, những con số cụ thể trong mục tiêu đặt ra có gì đó chưa ổn. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã xuất sang 117 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy vậy cũng chưa thể xác định được thị trường nào ổn định, bền vững…thì làm sao dự báo được sản lượng tiêu thụ. Riêng An Giang cũng dự báo trong năm 2009, vùng nuôi được quy hoạch 3.000 ha, sản lượng dự kiến 312 ngàn tấn, trong khi vùng nguyên liệu DN tự có đã ước mức sản lượng 350 ngàn tấn. Những con số dự báo này càng mâu thuẫn với kế hoạch nguyên liệu 2009 của 10 DN chế biến tại An Giang: 40% (trong tổng số 920 ngàn tấn) là nguyên liệu tự có, 42% mua từ khách hàng truyền thống, 18% mua từ bên ngoài. Riêng Agifish, Nam Việt, Afasco, Cửu Long đã sớm công bố rằng không mua thêm nguyên liệu trong năm nay. Ông Chinh cảnh báo: Nông dân cần hết sức thận trọng với các quyết định có tiếp tục đầu tư nuôi cá vụ mới hay không.

Ông Đặng Ngọc Giao, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Hậu Giang cũng khẳng định: Muốn bình ổn được giá cá tra cần có sự can thiệp mạnh từ phía chính sách, chủ trương của Nhà nước. Phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau. Vận động theo kiểu phát loa, làm hay không tùy thích thì sang năm 2009 bi kịch cá tra sẽ lại tái phát thậm chí còn nảy sinh thêm những vấn đề vô phương cứu gỡ. Và như vậy lúc này những người nuôi ít vốn nên bình tĩnh, chớ mạo hiểm trút tiền xuống ao nuôi.



Nguồn: Nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường