Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủy sản nước ngọt: “Mỏ vàng” bỏ ngỏ...
12 | 11 | 2008
Đứng trong top 10 nước có sản lượng xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, với tổng kim ngạch năm 2007 đạt hơn 3,7 tỷ USD, Việt Nam được coi là “cường quốc” trong lĩnh vực thuỷ sản. Đóng góp đáng kể vào thành quả đó phải kể đến cá tra, basa với kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 1 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều loài thuỷ sản nước ngọt có giá trị xuất khẩu nhưng vẫn chưa được đầu tư đúng mức.
Thiên thời, địa lợi...

Nước ta có diện tích bề mặt nước ngọt lớn với 653.000 ha sông ngòi, 394.000 ha hồ chứa, 85.000 ha đầm phá ven biển, 580.000 ha ruộng lúa nước. Ngoài ra, ở ĐBSCL, hàng năm có khoảng 1.000.000 ha diện tích ngập lũ từ 2 đến 4 tháng… Nhờ vậy, nguồn lợi cá nước ngọt ở Việt Nam thực sự phong phú. Theo kết quả điều tra khoa học, đã xác định được 544 loài cá nước ngọt phân bố ở Việt Nam. Ngoài ra, nước ta còn nhập nội thêm hàng chục loài khác như: cá trắm cỏ, cá rô phi, cá rôhu... Theo chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 1999 - 2010 (gọi tắt là Chương trình 224) đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 244/1999/QĐ - TTg, thì đến năm 2010, diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt phải đạt 650.000 ha. Trên thực tế, tính đến thời điểm này, số diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt đã phát triển tương đối phù hợp với mục tiêu mà chương trình đã đề ra.

Sự phát triển nghề nuôi cá nước ngọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn và miền núi. Thời gian qua đã có rất nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt như: cá rô phi, ếch, ba ba… thành công trên quy mô lớn tại các địa phương trong cả nước. Việc “nuôi cá hồi” thành công tại một số địa phương miền núi phía Bắc như Sapa, Lai Châu…đã đánh dấu một bước phát triển của nghề nuôi cá nước ngọt ở Việt Nam. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là con cá tra ở ĐBSCL, nếu những mô hình này thành công và được nhân rộng, có quy hoạch hợp lý và có điều kiện để phát triển thì không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà sẽ được xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Không chú trọng hay chưa đủ tiềm lực phát triển?

Câu hỏi này được đặt ra khi nhìn vào thực trạng phát triển ngành nuôi thuỷ sản nước ngọt của nước ta. Trước hết, phải khẳng định hiện nay nghề nuôi cá nước ngọt đã phát triển rộng khắp trong cả nước, không chỉ ở các tỉnh đồng bằng, ven biển mà còn ở cả các tỉnh miền núi, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, vừa xuất khẩu vừa cải thiện nguồn cung cấp thực phẩm cho dân cư trong nước. Tuy nhiên, vùng nuôi cá nước ngọt xuất khẩu lớn nhất vẫn chỉ tập trung ở ĐBSCL với loài chủ yếu là con cá tra, basa, được nuôi với quy mô rộng lớn, được đầu tư đúng mức để trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chỉ sau con tôm). Ngoài ra, trong danh mục xuất khẩu thuỷ sản nước ngọt của nước ta cũng thấy điểm tên một số loại khác như: cá rô phi, cá thác lác, cá trê, cá bống, cá chình… nhưng kim ngạch xuất khẩu chưa đáng kể.

Ông Bùi Văn Thưởng - Phó Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: “Cái khó khăn hiện nay đối với việc phát triển một số loài cá nước ngọt trên quy mô lớn chính là ở khâu con giống. Ngành thuỷ sản cũng nhận thấy được một số loại cá nước ngọt có tiềm năng xuất khẩu sang nhiều nước với giá hấp dẫn như cá rô phi. Tuy nhiên, do con giống bị thoái hoá, kém chất lượng, trong khi đó chúng ta cũng chưa sản xuất được giống nhân tạo với quy mô lớn… vì vậy rất khó để phát triển mạnh”. Cũng theo ông Thưởng, một trong những cái khó nữa khiến bà con chưa tập trung vào nuôi một loài thuỷ sản nước ngọt trên quy mô lớn, mang tính công nghiệp là bởi chưa có quy hoạch sản xuất lớn, giá thành thức ăn thuỷ sản còn quá cao. Đa số các hộ nuôi vẫn theo cách dân dã, có tính “tận dụng” ao hồ sẵn có, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có… nên chất lượng và sản lượng đương nhiên không thể đáp ứng được nếu có các đơn hàng nhập khẩu lớn.

Sau cá tra, cá nào ra “biển lớn”?

Nghề nuôi cá nước ngọt ở nước ta hiện nay, ngoài con cá tra, basa có giá trị xuất khẩu cao, các loài khác được nuôi chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi sản lượng khai thác thuỷ hải sản đang ngày càng thấp hơn do tài nguyên suy giảm, chúng ta cần phải tập trung vào lĩnh vực nuôi trồng để giữ vững - đồng thời có thể nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Ngoài con cá tra, basa, có thể thấy chúng ta nên tập trung nuôi rô phi - một loại cá có thịt trắng và thơm ngon, dễ chế biến, có thể thay thế một số loại cá biển nên được đa số người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Thực tế từ năm 2002, ngành thuỷ sản đã phát động phong trào nuôi cá rô phi xuất khẩu. Mục tiêu của ngành là đến năm 2010, sản lượng cá rô phi thương phẩm đạt 200.000 tấn, trong đó 50% dành cho xuất khẩu. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thì một thực tế đặt ra là bài toán nguyên liệu và con giống cho nuôi cá rô phi xuất khẩu vẫn là một trở ngại. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chết yểu” của phong trào nuôi rô phi xuất khẩu là do người dân chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chưa có thói quen sản xuất theo quy mô tập trung và không có đủ giống cung ứng cho nhu cầu nuôi.

Như vậy, có thể nói: sau con cá tra, basa thì cá rô phi có thể trở thành loài cá nước ngọt xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tiềm năng đã nhận thấy, khả năng xuất khẩu cũng cao, cái thiếu và yếu chúng ta đã nhìn ra và hoàn toàn có thể khắc phục… Đương nhiên trong thời gian tới, ngành thuỷ sản cần đầu tư vào con cá này với quy mô rộng lớn và mang tính công nghiệp tập trung để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường