Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra ở ĐBSCL: Ít nhưng không bán được
03 | 11 | 2008
Một nghịch lý đang diễn ra gây lo lắng cho người nuôi cá tra ở ĐBSCL là sản lượng còn ít nhưng giá thấp và không tiêu thụ được.
Thu hoạch cá tra… cầm chừng ở ĐBSCL.

Chiều 2-11, bà Nguyễn Thị Tường, nông dân nuôi cá tra ở Ô Môn, Cần Thơ, phản ánh: “Giá cá hiện chỉ còn 13.000 - 14.000 đồng/kg, nhưng các doanh nghiệp không đến mua. Với giá này thì người nuôi không thể nào sống nổi, cầm chắc thua lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg…”. Bên cạnh tình hình giá cá giảm liên tục trong thời gian ngắn, từ 17.000 - 18.000 đồng/kg xuống còn 13.000 - 14.000 đồng/kg, lại xảy ra chuyện nhiều nông dân nuôi cá bị doanh nghiệp xù hợp đồng đã ký.

Ông Vương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, lo ngại: “Toàn tỉnh hiện chỉ còn khoảng 10.000 tấn cá tra tới lứa tiêu thụ nhưng nông dân vẫn không bán được. Mấy ngày qua, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn ngưng thu mua hoặc “chạy” cầm chừng”. Hiện tại, các địa phương nuôi cá tra ở ĐBSCL, sản lượng cá tới lứa thu hoạch không nhiều, phổ biến ở mức 5.000 - 15.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm HTX thủy sản Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện chỉ có những người thân tính, quen biết vốn là mối làm ăn uy tín với nhau thì doanh nghiệp mới “cứu vớt” bắt cá giá 14.200 - 14.500 đồng/kg nhưng sản lượng không nhiều. Giá thức ăn thủy sản vẫn còn ở mức cao, trong khi giá cá tra rớt thấp như thế này thì rất khó cho người nuôi trong việc giảm giá thành sản xuất, thua lỗ càng nặng nề…”.

Theo ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ: Do ảnh hưởng tình hình tài chính thế giới nên các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đáng lo ngại nhất là người nuôi đang gặp nhiều khó khăn về vốn, đầu ra sản phẩm vì các doanh nghiệp lớn thì ngưng thu mua cá nguyên liệu, các công ty nhỏ thì mua giá thấp. Trong khi đó, các công ty nhỏ này lại không có nhà máy chế biến nên việc bán cá cho họ tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến chậm trả tiền, thậm chí giựt nợ (doanh nghiệp thu mua chế biến thủy sản không có nhà máy thì ngân hàng rất hạn chế cho vay)…

Thông tin từ phía các doanh nghiệp nhìn nhận sự khó khăn về đầu ra sản phẩm do ảnh hưởng lớn từ khủng hoảng tài chính trên thế giới. Nhiều người dân đang có xu hướng tiêu dùng những mặt hàng lương thực thực phẩm giá rẻ để giảm bớt chi tiêu nên các nhà nhập khẩu cũng phải giảm đặt hàng và yêu cầu giảm giá mới tiêu thụ được. Trong cơn khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải hết sức thận trọng để tránh rủi ro… mất vốn vì khách hàng không trả tiền. Trước tình hình này, các doanh nghiệp cũng khó có thể thu mua nhiều nguyên liệu để tồn kho lâu được…

Trước thực tế hiện nay, nhiều nông dân nuôi cá và Hiệp hội và Chế biến thủy sản ở ĐBSCL đề nghị: Bộ NN-PTNT và Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho người nông dân nuôi cá ĐBSCL. Cụ thể là phải xem xét có biện pháp giảm giá thức ăn thủy sản xuống mức hợp lý (vì hiện tại nguyên liệu sản xuất thức ăn giảm mạnh nhưng giá bán chỉ giảm… chút đỉnh) để giảm áp lực thua lỗ cho người nuôi. Đồng thời, nên nghiên cứu chính sách xuất khẩu trao đổi hàng hóa, ví dụ như đổi sản phẩm cá tra lấy phân bón… vì thực tế các nước nhập khẩu cũng có nhiều khó khăn về tài chính…




Nguồn: sggp
Báo cáo phân tích thị trường