Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi cá tra liên kết
10 | 11 | 2008
Đầu tháng 11/2008, Hợp tác xã Cá tra Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) chuẩn bị thu hoạch 5 ao cá. Đây là số lượng cá nằm trong hợp đồng 10.000 tấn giữa HTX với Cty Hùng Vương.
Chia sẻ lợi nhuận

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX phấn khởi nói: “Cá đã đạt chuẩn, vào độ thu hoạch rồi, vụ này trúng lớn”. Ông cho biết: Sau khi ký hợp đồng, mỗi tháng cứ một đến hai lần, Cty Hùng Vương cử cán bộ xuống cùng nông dân theo dõi con cá.

Với “Hợp đồng đầu tư nuôi trồng”, doanh nghiệp xắn tay cùng nông dân làm ra con cá nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến. Hiển nhiên, nông dân vẫn là chủ ao nuôi.

Ông Hải giải thích cụ thể: Nông dân lo con giống và chăm sóc cá, doanh nghiệp cung cấp thức ăn đến tận từng ao và thường xuyên kiểm tra kỹ thuật. Cứ mỗi kilogam cá, nông dân hưởng 2.500 đồng.

Nếu cá đạt chuẩn, người nuôi hưởng thêm 100 đồng/kg cá, ngược lại sẽ bị phạt tương tự khi cá kém chất lượng. Trách nhiệm được quy định rõ ràng, cụ thể và mang tính ràng buộc cao. “Cá của HTX thường xuyên đạt chuẩn trên 90% thịt trắng nên nông dân thường xuyên được thưởng”, ông Hải hồ hởi.

Nông dân không còn phải chạy đôn đáo tìm doanh nghiệp mua cá như trước kia. Lợi nhuận cho người nuôi ổn định. “Hồi trước vừa nuôi cá vừa run, mất ăn mất ngủ vì sợ thua lỗ, bây giờ ung dung”, ông phân tích phần 2.500 đồng/kg người nuôi được hưởng: 500 đồng công nuôi, 1.000 đồng con giống, 1.000 đồng thuốc phòng trị bệnh.

Thực tế, đầu tư cho con giống và thuốc phòng trị bệnh chỉ chiếm khoảng 30-40% chi phí nói trên. Khi ký hợp đồng với doanh nghiệp, người nuôi đã nhận được ngay “lợi nhuận’ chênh lệch trong phần vốn đầu tư.

Khi thị trường giống và thuốc tăng cao, Cty sẽ chủ động điều chỉnh mức lợi nhuận tăng theo để hỗ trợ cho nông dân. Khó nhất của việc nuôi cá tra là cần số tiền lớn để mua thức ăn và giá cá phụ thuộc vào biến động thị trường, doanh nghiệp đã đảm nhận.

Tư duy làm ăn mới

HTX Cá tra Thới An thành lập năm 2003 gồm 20 hộ nuôi trên diện tích 3,5 ha, mỗi năm thu hoạch 3.000 tấn cá tra. Ông Lâm Văn Tính, Phó chủ nhiệm HTX tâm sự: “Trước đây nuôi được con cá khỏe mạnh đã khó, bán được càng khó hơn. Năm nào cũng phải vay mượn khắp nơi để có tiền mua thức ăn nuôi con cá”.

Một nửa sản lượng được các nhà máy ký hợp đồng tiêu thụ, một nửa còn lại HTX phải đi tìm đối tác vào cuối vụ. Khi cá được giá thì doanh nghiệp tới bắt ngay nhưng gặp lúc ế thì chẳng ai hỏi. Cá đã ký hợp đồng, doanh nghiệp cũng sẵn sàng bỏ rơi người nuôi.

Việc liên kết được thực hiện từ đầu năm 2008. Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Hải nhớ lại: “Khi Cty đưa chủ trương xuống, HTX họp xã viên mấy lần mới thống nhất. Chúng tôi đàm phán với Cty bàn bạc cặn kẽ các chi tiết của hợp đồng chứ không làm qua quít như trước kia”.

Vụ đầu đem lại kết quả tốt đẹp. Trong lúc xung quanh lao đao với con cá tra thì HTX thu được lợi nhuận ổn định 1,5 tỷ đồng/1.000 tấn cá. Xã viên hồ hởi. Đến nay đã có thêm 14 hộ nuôi ký hợp đồng với Cty Hùng Vương với tổng diện tích nuôi trên 30 ha, sản lượng ổn định 20.000 tấn/năm (chiếm 90% sản lượng cá tra của quận của Ô Môn).

Quan trọng hơn, đang hình thành và phát triển tư duy làm ăn mới trong nông dân, nuôi cá có kế hoạch, đảm bảo quy trình kỹ thuật chặt chẽ. Doanh nghiệp chủ động giúp nông dân và kết quả có được vùng nguyên liệu rộng lớn, chủ động được hoạt động chế biến xuất khẩu.




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường