Ngay sau Tết, người dân Bến Tre đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt thừa nước mặn. Độ mặn 4%0 theo gió trên sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông xâm nhập sâu vào nội đồng ở những vùng chưa có cống ngăn mặn. Nhiều vườn cây ăn trái, vườn dừa, cánh đồng lúa đông xuân đang bị mặn đe dọa từng ngày. Nhưng "nóng" nhất vẫn là tình trạng thiếu nước ngọt, bà con phải mua với giá hơn 25.000 đồng/m3.
Ông Nguyễn Văn Rê, Bí thư xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết: Độ mặn tại sông Cửa Đại, huyện Bình Đại đã lên 17 – 18/%0 ảnh hưởng đến việc thả nuôi tôm sú công nghiệp. Khó khăn hơn là tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt ngày càng căng thẳng. Ngay tại UBND xã Thạnh Phước, mấy giếng nước ngọt đã bị nhiễm mặn lơ lớ nhưng người dân vẫn trực chiến lấy nước về dùng. Một số người phải đến tận các giếng nước ngọt ở xã Đại Hòa Lộc chở về từng thùng nước ngọt. Dịch vụ xe bồn đổi nước ngọt càng lúc càng đắt đỏ và giá đã lên tới 25.000 đồng/m3. Độ mặn cao, xâm nhập sâu làm cho đời sống người dân vùng này càng khó khăn hơn sau bão số 9. Nhiều gia đình không có tiền mua nước ngọt nên đành phải sử dụng nước đã nhiễm mặn.
Đi vào vùng quy hoạch ngọt hóa 17.000 ha từ xã Định Trung về đến sông An Hóa dài 40 km. Nơi đây đang rất cần đê bao ngăn mặn và 15 cống lớn điều tiết nước. Hiện nay nước dưới kênh đã bị nhiễm mặn khoảng 4%0 nhưng vẫn không có nguồn nước nào thay thế. Tiếp tục đến vùng dự án đê bao Cầu Sập thuộc hai huyện Giồng Trôm và Ba Tri. Anh Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Kinh tế huyện Giồng Trôm cho biết: Mặc dù, nước mặn đã về đến cống Hưng Điểm và đã len lỏi vào nội đồng nhưng chưa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu năm nay tình trạng hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu sẽ tác động không nhỏ đến vùng cây ăn trái bị ảnh hưởng sau bão số 9. Còn ở huyện Mỏ Cày, từ nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai do Bộ NN – PTNT đầu tư 7 tỷ đồng thi công tuyến đê ngăn mặn, chống lũ dài 8 km đi qua 3 xã: Thanh Tân, Thạnh Ngãi và Tân Thành Bình; nạo vét và mở rộng khoảng 80 km kênh tại 9 xã phía bắc Mỏ Cày từ sông Thơm đổ về thị xã và giáp với Chợ Lách; thi công 21 cống và đập ngăn mặn nên năm nay Mỏ Cày đã giảm được rất nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị nước mặn xâm nhập. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre thì khả năng nước sẽ bao vây toàn tỉnh là khó tránh khỏi.
Giáp với Bến Tre nên tỉnh Trà Vinh nước mặn cũng đang xâm nhập sâu vào nội đồng. Ông Đoàn Tấn Triều, Giám đốc Cty Quản lý công trình nông thuỷ sản tỉnh cho biết: Trong nửa tháng qua, độ mặn tiếp tục biến đổi thất thường. Do tình hình nắng nóng kéo dài, kết hợp với các đợt triều cường nên độ mặn ở một số cửa cống đầu mối như Vàm Trà Vinh và Vàm Cầu Quan huyện Tiểu Cần độ mặn dao động từ 7 đến 9%o. Trước diễn biến thất thường này, hiện nay biện pháp vận hành các cống đầu mối được Cty Quản lý các công trình thuỷ nông tỉnh Trà Vinh thực hiện theo thuỷ triều để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở các huyện: Châu Thành, Tiểu Cần, Càng Long, Cầu Kè, TX Trà Vinh.
Trong khi đó, tại Kiên Giang mặn cũng đang xâm nhập vào nội đồng. Mặn đã vào nhiều tuyến sông khu vực Hòn Đất, Hà Tiên, Kiên Lương và TP Rạch Giá, làm độ mặn tại các sông tăng lên từ 2-11‰ – nồng độ mặn cao hơn những năm qua 2-3‰. Trong đó, tại khu vực Cầu Quằng (TP Rạch Giá) bị xâm nhập mặn nặng nhất. Năm nay để đối phó với tình trạng hạn mặn, tỉnh Kiên Giang chỉ cho mở cống ngăn mặn ở vùng tứ giác Long Xuyên khi nào nước trong cống bị ô nhiễm chứ không mở nhiều lần như trước đây. Ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý công trình thủy lợi và Phòng chống lụt bão Kiên Giang, cho biết: Hơn một tháng qua, ngành thủy lợi đã đắp 74 đập tạm để ngăn mặn những vùng ảnh hưởng trực tiếp từ biển ở An Biên, An Minh và Hòn Đất. Tình hình độ mặn biến đổi ở các cống đầu mối tại Trà Vinh. Để bảo vệ trà lúa ĐX và lúa vụ 3 (trên 10.000 ha) tại vùng bắc QL1A thuộc các huyện Hồng Dân, Phước Long và một phần của huyện Vĩnh Lợi, Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương các huyện nói trên đắp trên 50 đập thời vụ. Tuy nhiên, đây là thời gian Bạc Liêu điều tiết nước mặn để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nên độ mặn tại các cửa sông đều tăng. Để chủ động cho công tác phòng chống xâm nhập mặn, Bạc Liêu chính thức đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ 165 tỷ đồng để đắp 58 con đập theo kiểu đập bê tông dự ứng lực nhằm tránh lãng phí, năm nào cũng đắp rồi dỡ bỏ, đến mùa hạn lại đắp như hiện nay, ngoài ra tỉnh cũng xin Bộ NN-PTNT hỗ trợ 5.418 triệu đồng để phòng chống hạn cho mùa khô năm 2006 -2007.