Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sông nhiễm mặn, dân nhìn lúa chết rũ
19 | 07 | 2010
Hạ lưu sông Lam đang bị mặn hóa do nước biển thâm nhập sâu vào đất liền, gây khó khăn cho dân vạn chài và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại Nghệ An - Hà Tĩnh.

Ngày 17-7, bão số 1 đổ bộ vào đất liền, đuôi bão quét qua Bắc Trung Bộ mang theo mưa, nhưng lượng mưa không đủ hồi sinh hàng ngàn hécta lúa hè thu đang chết rũ trên đồng do hạn hán khốc liệt kéo dài. Nước sông Lam tụt xuống mức kỷ lục, thủy triều dâng cao, khiến nước mặn thâm nhập sâu khoảng 20km vào đất liền.

Với độ mặn đo được tại các trạm bơm đặt hai bên bờ sông Lam thuộc hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đo được từ 2 đến 3%o (mức cho phép là 1%o), việc cung ứng nước tưới cho đồng ruộng phía hạ lưu bị tê liệt. Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, ông Nguyễn Thọ Cảnh cho biết: “Đó là chỉ số đo được trong mẫu nước lấy trên bề mặt, nước ở tầng giữa độ mặn còn cao hơn nhiều, nhất là thời điểm triều cường”. Chủ tịch xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) Trần Duy Đệ xác nhận: “Lúc cao điểm, nồng độ nước mặn lên tới 7-8%o. Chưa bao giờ sông Lam lại bị mặn nặng như năm nay”.

Tại Nghệ An, trạm bơm Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên) cách cửa biển hàng chục cây số cũng bị nước mặn tấn công, 125 ha lúa trong vùng khô cháy. Cống Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, nhưng nước sông Cấm xuống thấp khiến nước biển tràn vào, uy hiếp một vùng rộng lớn. Nước biển mon men lên tận trạm bơm Nghi Mỹ, tiến sâu vào đất liền, vô hiệu hóa các công trình thủy lợi dọc bờ sông thuộc các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thuận, Nghi Hoa… Cty Thủy nông Nam Nghệ An phải chuyển hướng lấy nước vào sông Kẻ Gai để cứu lúa.

Tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tình hình còn tồi tệ hơn. Hầu hết các xã có diện tích đất nông nghiệp (Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội, Xuân An, Xuân Lam, Xuân Hồng) đều bám dọc bờ sông Lam. Nước sông bị mặn hóa, không thể sử dụng máy bơm lấy nước lên cho đồng ruộng bà con nông dân đành bất lực đứng nhìn lúa chết rũ trên đồng.

“Phần lớn diện tích đất trồng lúa và hoa màu của huyện Nghi Xuân phụ thuộc vào thời tiết và mực nước sông Lam, nay nước sông nhiễm mặn, các trạm bơm buộc phải đóng cửa!”, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nghi Xuân - Đinh Văn Đáng cho hay.

Sông Lam bị mặn hóa còn ảnh hưởng đến cuộc sống của dân vạn chài phía hạ lưu do cá tôm trở nên khan hiếm.



Theo www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường