Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bạc Liêu Tôm chết do... “khát” nước mặn
03 | 03 | 2009
Nhiều người quyết định “đánh bạc” với đồng tôm của mình bằng việc bơm đại nước ngọt vào đồng với hy vọng “có bỏ bảy cũng còn ba”

Những ngày này, rảo quanh các xã chuyên canh mô hình lúa-tôm ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu mới thấy hết những bức xúc của người nuôi tôm.

“Vuông anh có nước mặn chưa?”

Khác những năm trước đây, câu chuyện của những nông dân mỗi khi gặp nhau bây giờ không còn là chuyện chất lượng con giống hay thả đầy, thả thưa mà là câu hỏi: “Vuông anh có nước mặn chưa?”.

Buổi trưa nắng như cháy da, chúng tôi gặp ông Trà Năm, ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, đang ngủ gà ngủ gật vì không có việc gì làm. Ông cho biết năm rồi, vào khoảng thời gian này gia đình ông tất bật cho việc nuôi tôm, chứ đâu có rảnh như bây giờ. Từ Tết đến nay, đợi hoài vẫn không thấy nước mặn vào, nhìn đồng tôm bỏ trống ai cũng xót ruột.

Nhiều hộ nuôi tôm khác còn xót ruột hơn ông, bởi khi tôm đã thả rồi lại thiếu nước mặn. Nắng nóng liên tiếp kéo dài cả tuần qua, nước mặn ở các đồng tôm cạn kiệt, khiến cho người nuôi tôm đứng trước nguy cơ mất trắng. Vì vậy, nhiều người quyết định “đánh bạc” với đồng tôm của mình bằng việc bơm đại nước ngọt vào đồng với hy vọng “có bỏ bảy cũng còn ba”.

Ông Nguyễn Thanh Liên, ấp Ninh Phước, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, nói trong hy vọng mong manh: “Không có nước mặn cũng phải liều bơm nước ngọt vô, nếu không thì tôm chết hết. Nhưng cái lo bây giờ là nước ngọt bị nhiễm vô số tạp chất. Do đó chỉ  mong cứu được con tôm tạm thời”.

Ở các ấp của xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân cũng nằm trong tình trạng thiếu nước mặn tương tự. Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh Võ Đăng Ký cho biết toàn xã có 3.450 ha diện tích áp dụng mô hình tôm-lúa hiện đang nằm trong tình trạng thiếu nước mặn trầm trọng. Còn theo đánh giá của ông Diệp Văn Cảnh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân, độ mặn từ Tết đến nay ở nhiều nơi giảm đáng kể nên người dân không thể thả tôm hay cấp nước cho tôm nuôi.

Thay nhau canh nước


Nếu như ở huyện Hồng Dân người dân khao khát chờ nước mặn nuôi tôm thì ở các xã chuyên tôm của huyện Giá Rai, tình trạng tôm chết dần do thiếu nước mặn còn gay gắt hơn. Khảo sát thực tế ở các xã của huyện này như: Phong Thạnh, Phong Thạnh A, Phong Thạnh Tây, Tân Phong... mới thấy hết cảnh những cánh đồng tôm đã cải tạo xong chờ nước khô đến nứt nẻ và nhiều diện tích nuôi tôm bị thiệt hại. Ông Lâm Văn Gồng, Trưởng ấp 1, xã Phong Thạnh Tây, cho hay: “Tôm nuôi hơn một tháng của ấp bị thiệt hại khoảng 200 ha, trong khi chi phí cải tạo, con giống hiện nay quá cao. Nếu vụ tôm này thất bại, đời sống của nhiều hộ nuôi tôm năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Chuyện về những ông chủ đồng tôm phải mua gạo ký hằng ngày lại bắt đầu xuất hiện ở các địa phương coi con tôm là nguồn thu nhập chính. Bà Đỗ Thị Diễm, ấp 3, xã Tân Phong, nói như khóc: “Không có nước mặn nên tôm nuôi hơn tháng bị chết hết. Kiểu này chắc phải... nhịn đói”.
Thống kê ban đầu từ 25 hộ nuôi tôm ở ấp 24, xã Phong Thạnh A, có đến gần 40 ha tôm bị thiệt hại. Song, lo lắng nhất của những người nuôi tôm bây giờ là không biết thải nước ô nhiễm ra đâu ngoài việc thải thẳng ra kênh nội đồng. Vậy là, nếu có nước mặn vào thì những hộ nuôi tôm khác chắc chắn sẽ lấy nước ô nhiễm do tôm chết từ các hộ xả ra. Trong khi đó, ở nhiều xã của huyện Giá Rai, người dân thay nhau canh nước và thức cả đêm để canh những chiếc máy bơm đã đặt sẵn ở các con kênh, hễ có nước là lấy ngay. Biết lấy nước trong thời điểm hiện nay là khó tránh khỏi dịch bệnh, nhưng không lấy thì làm sao cứu được tôm?



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường