Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Con tôm ôm bạc tỉ
19 | 06 | 2007
Nghề nuôi tôm đã đưa không ít người dân trở thành tỉ phú nhanh chóng. Song chính con tôm cũng đã "tiễn" không ít những tỉ, triệu phú bỗng chốc thành kẻ trắng tay. Nguyên nhân thì đã rõ, nhưng giải quyết hậu quả ra sao lại là bài toán vô cùng nan giải

Giàu vì tôm, nghèo vì tôm

Bạc Liêu không chỉ là vựa lúa, xứ muối mà còn là nơi có nguồn thủy hải sản phong phú. Thế nhưng, nghề nuôi tôm ở nơi đây chỉ thực sự phát triển mạnh từ năm 2000, khi Bạc Liêu thực hiện phong trào chuyển đổi diện tích đất trồng lúa một vụ, hiệu quả kinh tế thấp tại vùng đất ven biển sang nuôi tôm.

Những năm đầu, con tôm đã đưa không ít người dân thành triệu phú, tỉ phú như mơ. Bởi “lực hấp dẫn” của con tôm lớn như vậy, nhiều người đổ xô vào đầu tư thuê đào vuông nuôi tôm. Thậm chí không ít cư dân các tỉnh khác cũng ào ạt đổ về Bạc Liêu thuê đất nuôi tôm. Vì thế, diện tích nuôi tôm ở Bạc Liêu tăng nhanh, khoảng 110.000 ha. Nhưng niềm vui "ngắn chẳng tày gang" với người nuôi tôm nơi đây. Năm 2004, con tôm bắt đầu “trở chứng": cứ nuôi được một, hai tháng bỗng dưng lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử khiến các chủ vuông tôm méo mặt, khóc ròng. Với một số hộ may mắn hơn, tôm không chết, nhưng cũng chẳng chịu lớn. Khi thu hoạch sau hồi cộng trừ nhân chia người nuôi mới "tá hỏa" vì chẳng có lãi.

Xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu thời điểm phát triển nhất, diện tích nuôi tôm là 847 ha. Thế nhưng hiện nay diện tích nuôi tôm ở đây chỉ còn 2/3 so với trước. 318 ha nuôi tôm hiện đã bị bỏ hoang, do những hộ nuôi tôm thua lỗ liên tiếp, không còn vốn đầu tư sản xuất. Chủ tịch xã, ông Lưu Minh Đức buồn bã: "Chúng tôi đã đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, tái đầu tư cho bà con nhưng không được chấp thuận vì lý do phải bảo toàn nguồn vốn. Số diện tích nuôi tôm kể trên, cho dù không nuôi tôm nữa, muốn chuyển đổi cây- con khác cũng cần phải có vốn. Không có tiền bà con sẽ chẳng làm được gì trong khi khoản nợ vẫn còn nằm chình ình tại các ngân hàng".

Toàn xã Hiệp Thành hiện có khoảng 342 hộ dân không còn khả năng trả nợ ngân hàng với tổng số tiền lên tới xấp xỉ 4 tỉ đồng. Nếu con tôm trước đây góp xóa đói, giảm nghèo, thậm chí làm giàu cho người dân Hiệp Thành; thì nay cũng chính con tôm đã làm không ít gia đình nơi đây lâm cảnh nợ nần chồng chất. Minh chứng cụ thể nhất: khi con tôm phát triển, Hiệp Thành chỉ có từ 5-7% số hộ nghèo, nay con số đói nghèo tăng trở lại với 24%. Ông Huỳnh Văn Ơn, ở xã Hiệp Thành thả nuôi hơn 1 ha tôm, ba năm liền (năm 2000, 2001, 2002) lãi trung bình mỗi năm 70 triệu đồng. Từ năm 2004, ông liên tục nuôi tôm thất bại, số tiền 250 triệu đồng ra đi theo con tôm cùng khoản nợ ngân hàng và tư nhân 140 triệu đồng. Thất bại, buồn bã nên ông lắc đầu quầy quậy, xua tay: Nhắc đến con tôm mà làm gì? Nó làm tôi rầu thối ruột đây này!

Đi dọc xã Hiệp Thành, chúng tôi bắt gặp nhiều vuông tôm bỏ hoang, khô khốc cùng hàng loạt những căn chòi canh tôm xiêu vẹo mục nát. Thật khác xa với cái thời mà người ta ăn nhắc đến tôm, ngủ nhắc đến tôm, con tôm xuất hiện cả trong những giấc mơ nữa. Một số ít người dân vẫn còn "nặng lòng" với con tôm với một hy vọng mong manh mơ hồ: "nếu còn vay được tiền, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nuôi tôm, bởi chỉ có nó mới giúp chúng tôi chóng trả nợ ngân hàng, đồng thời gỡ lại được số tiền thua thiệt".

Vì đâu nên cảnh tiêu điều?

Xung quanh chuyện nuôi tôm thất bại ở Bạc Liêu có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Người thì bảo do thời tiết thất thường, độ mặn trong các vuông tăng cao, con tôm không thể thích nghi được. Người khác lại bảo do chất lượng con giống kém dẫn đến tôm bị chết hoặc nuôi mãi không chịu lớn. Kẻ khác lại đổ cho việc chủ một số vuông tôm bị chết xả nước ra kênh thủy lợi, vô tình các tôm khác "dính đạn” khi lấy nước vào vuông, làm mầm bệnh ở con tôm lây lan nhanh. Nghĩa là cả 1001 lý do được người dân đề cập xuất phát từ phát khách quan. Những lý do đưa ra không sai nhưng chưa đầy đủ, và vì thế chính là một phần nguyên nhân khiến việc đề ra giải pháp khắc phục, hạn chế rủi ro đối với người nuôi tôm vẫn chưa thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Thực tế, bởi khoản lợi nhuận lớn ban đầu do con tôm mang lại nên nhiều người dân ở Bạc Liêu đã ồ ạt tăng diện tích nuôi tôm, bất chấp sự khuyến cáo từ phía các cơ quan chức năng và ngành thủy sản. Không chỉ có diện tích tăng, số vụ nuôi tôm cũng tăng lên gấp đôi từ 1 vụ chuyển thành 2 vụ/một năm. Theo các chuyên gia về thủy sản, nuôi tôm chính vụ từ (khoảng từ tháng 2 hằng năm) sẽ gặp ít rủi ro hơn nuôi tôm trái vụ vào cuối năm. Thông thường chỉ nên thả nuôi một vụ chính trong năm, sẽ đảm bảo năng suất, chất lượng tôm. Đồng thời việc xử lý các vuông tôm trước mỗi vụ nuôi phải đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng quy trình. Thế nhưng, chả mấy ai ở đây có đủ kiên nhẫn và kiến thức để thực hiện điều đó. Họ vội vàng xử lý vuông tôm rồi tiếp tục thả nuôi, những mong sớm thu hoạch. Nguyên nhân nữa là dù đã được khuyến cáo nhưng người nông dân vẫn thả nuôi ồ ạt với mật độ dày khiến tôm bị chết.

Những thất bại đã được báo trước

Ước tính mỗi năm tỉnh Bạc Liêu cần khoảng 10-11 tỉ tôm giống. Trong khi đó, lượng tôm giống sản xuất ở tỉnh hàng năm chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu, phần còn lại chủ yếu được nhập từ các tỉnh miền Trung. Chỉ riêng năm 2005, Bạc Liêu nhập gần 823 triệu con tôm giống. Qua kiểm tra của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã phát hiện đã phát hiện 22 trường hợp nhập giống không đảm theo tiêu chuẩn của Bộ Thủy sản. Tôm giống bị mắc bệnh phát sáng, sai kích cỡ… Đây cũng là lý do dẫn đến việc tôm bị chết hàng loạt hoặc chậm phát triển, người nuôi thua lỗ. Anh Đỗ Thanh Nhàn, ở xã Hiệp Thành lo lắng: "Mới vụ vừa tôi bị thất, cũng may chỉ vài chục triệu đồng, chứ nhiều nhà ở đây đã phải bỏ xứ lên thành

Vuông tôm bỏ hoang
Vuông tôm bỏ hoang
phố Hồ Chí Minh kiếm việc làm". Anh đã một lần thất bại, vậy sao trước khi quyết định mua không đem giống đi kiểm định? Tôi hỏi. Anh thủng thẳng: "Mình chủ yếu tin các đại lý cung cấp giống. Với lại thú thực với anh, tôi không mấy tin tưởng kết quả kiểm định. Người nhà của tôi đã từng đem đi kiểm định, mỗi nơi “phán" một kiểu, nơi bảo đạt tiêu chuẩn, nơi khác lại không đạt tiêu chuẩn, nông dân như chúng tôi chóng cả mặt chẳng biết tin ai.

 

Ông Trần Văn Đông, Phó Chánh thanh tra, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy tỉnh Bạc Liêu cho hay: "Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong việc kiểm định, đánh giá chất lượng tôm giống. Tuy nhiên, rất khó kiểm soát chất lượng tôm giống tại một số đại lý. Họ bán "chui" cho nông dân. Người nuôi thì hám giá rẻ. Mua bán kiểu này, tôm giống không đảm bảo cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, mật độ tôm nuôi không phù hợp, quá dày, dù được khuyến cáo từ các ngành chức năng nhưng người nông dân vẫn cứ phớt lờ. Kết cục, người nuôi tôm thất bại "kêu trời" nhưng nguyên nhân thất bại lại từ chính việc làm bất cẩn và chủ quan của bản thân họ. Một vấn nạn nữa nổi lên tại vùng tôm không chỉ ở Bạc Liêu, đó là việc lạm dụng các loại thuốc: xuất hiện tình trạng một số hộ dân vì hám lợi muốn tăng trọng lượng bằng cách bơm hóa chất vào tôm.

Theo thống kê của Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh Bạc Liêu hiện có 231 cơ sở kinh doanh buôn bán thức ăn, thuốc thú y thủy sản, nhiều chủ cơ sở này không có kiến thức về thủy sản. Hơn nữa vì lợi nhuận nên một số cơ sở kinh doanh các loại thuốc đã quá hạn, hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua kiểm tra, Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản đã phát hiện 5 trường hợp kinh doanh thuốc nằm trong danh mục cấm theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BTS ngày 24/2/2005 của Bộ Thủy sản như: Dapsone, Nitronifuran.

Vùng tôm chờ lời giải

Nhiều gia đình đã trắng tay vì con tôm, đang phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo tiếp diễn. Trao đổi với một số nhà khoa học về nông nghiệp, chúng tôi được biết diện tích đất nuôi tôm khi sử dụng lại trồng lúa là rất khó khăn, tốn kém. Tình trạng phát triển ồ ạt diện tích nuôi tôm ở các tỉnh ĐBSCL những năm gần đây kéo theo những hệ quả lâu dài về sự cân bằng môi trường tự nhiên, đất đai bị nhiễm mặn mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo. Bài toán về quy hoạch vùng nuôi tôm hợp lý tại Bạc Liêu và và vùng ven biển Tây Nam Bộ đang là một vấn đề bức thiết, cần được sự phối hợp giữa chính quyền các tỉnh và Bộ Thủy sản, các nhà khoa học để giải quyết, nhằm xây dựng vùng nuôi tôm bền vững. Cùng với đó là các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống, thức ăn, thuốc, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; nhằm khắc phục, hạn chế rủi ro thiệt hại cho người nuôi tôm và giữ gìn hình ảnh con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế./.



Bài và ảnh: Mỹ Hồng
Báo cáo phân tích thị trường