Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Tôm sú qua thời vàng son?
04 | 06 | 2008
Cách đây 10 năm, nghề nuôi tôm sú xuất khẩu đã đưa nhiều nông dân tay lấm, chân bùn ở ĐBSCL trở thành những “đại gia” nổi danh: xây nhà lầu, biệt thự, mua xe đời mới… Thế nhưng, do phong trào phát triển tự phát, thiếu định hướng đã tiềm ẩn sự bất ổn, dẫn đến môi trường ngày một ô nhiễm nặng, dịch bệnh tôm lây lan, người nuôi lao đao, nợ nần chồng chất!
Long đong mùa tôm…

Mùa tôm mới của ĐBSCL đã bước vào hơn hai tháng, vậy mà tình trạng tôm sú chết hàng loạt đã diễn ra gay gắt, trên khoảng 100.000ha, trong đó hơn 85% là diện tích luân canh lúa - tôm sú kết hợp. Tại các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang,... mức độ thiệt hại từ 20%-90%, cá biệt có nhiều vùng tôm ở Kiên Giang mức thiệt hại đến 100% diện tích.

Tại các tỉnh Trà Vinh, trong 1,8 tỷ con tôm sú giống thả nuôi trên diện tích 22.620ha có 11.280ha bị thiệt hại, số tôm bị chết hơn 818 triệu con, chiếm 50% diện tích thả nuôi. Tôm chết do bệnh đốm trắng, đỏ thân… nên nông dân thu hoạch non ở giai đoạn 30 đến 60 ngày tuổi. Thiệt hại nặng nhất trong cơn dịch bệnh này là các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành.

Theo các nhà khoa học, tôm chết phần nhiều do chất lượng con giống kém, bị nhiễm virus MBV (tôm không có sức đề kháng, chậm lớn), có đốm trắng, đỏ thân... Ngoài ra, còn có yếu tố thời tiết và môi trường.

Ông Phạm Văn Danh, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Cầu Ngang, cho biết: “Vụ tôm sú 2008, nông dân Cầu Ngang thế chấp đất đai vay ngân hàng hàng chục tỷ đồng. Tôm chết nhưng vẫn phải nuôi để gỡ chớ biết làm sao bây giờ”.

Anh Dương Văn Liệu, huyện Duyên Hải, hơn 15 năm nuôi tôm sú, ngao ngán thở dài: “ Sau 2 vụ tôm thất mùa, nợ ngân hàng lên đến gần tỷ bạc, khó có khả năng hoàn vốn đúng như hợp đồng. Nuôi tôm giờ khó ăn hơn trước!”. Hiện thời vụ thả nuôi tôm sú giống năm 2008 sắp chấm dứt nhưng ở vùng ngập mặn ven biển thuộc 4 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) hiện còn khoảng hơn 6.500ha chưa thả giống, trong đó, có khoảng 3.500ha đang ở trong tình trạng bị bỏ hoang.

Nông dân “quay lưng” với con tôm sú do giá giảm, thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều bất lợi do sự cạnh tranh của con tôm thẻ chân trắng. Hiện tại Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, giá tôm sú loại 20 con/kg là 135.000-140.000đ/kg, giảm 10.000-15.000đ/kg; loại 30 con/kg giá 90.000đ/kg và loại 40 con/kg là 65.000-70.000đ/kg. Theo tính toán, chi phí từ lúc đầu tư đến thu hoạch cho 1kg tôm sú thương phẩm không dưới 70.000đ, với giá thị trường như thế chưa thu hoạch đã biết chắc lỗ.

Đón… tôm thẻ chân trắng!

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2008, do dịch bệnh và bị cạnh tranh bởi tôm thẻ chân trắng, diện tích nuôi tôm sú ở các tỉnh ĐBSCL đang giảm mạnh. Đến thời điểm này các tỉnh ven biển: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang đã thả nuôi 420.000ha tôm sú, giảm gần 80.000ha cùng kỳ năm ngoái. Thu hẹp diện tích nuôi, tôm chết trên diện rộng, nguồn nguyên liệu khan hiếm.

Trong khi hàng năm thời điểm này giá tôm tăng rất cao, năm nay thì ngược lại, giá tôm sú nguyên liệu giảm mạnh. Ông Võ Văn Ngọn, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) hơn 18 năm nuôi tôm sú, than: “Thức ăn, con giống tăng cao, giá tôm thấp thế này chắc bà con nuôi tôm bỏ nghề hết…”.

Vì sao con tôm sú rớt giá và mất dần thị trường? Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lý giải: “Những năm trước, con tôm sú luôn chiếm phần lớn thị phần thủy sản thế giới, tôm thẻ chân trắng và các loại khác chỉ chiếm phần nhỏ. Nhưng đến giờ, thị phần của tôm sú đã bị thu hẹp đáng kể, chỉ còn khoảng 20%, nhường đất cho tôm thẻ chân trắng (70%-80%).

Thị trường cho con tôm sú nhìn chung đang khá ảm đạm và khó có hy vọng sáng sủa, việc tăng sản lượng để tăng giá trị xuất khẩu tôm sú lên trên mức khoảng 1,6 tỷ USD như trong năm 2007 là rất khó. Vì hiện con tôm thẻ chân trắng ngày càng chiếm thế thượng phong...”.

Có lẽ chưa bao giờ con tôm sú lại khó nuôi và khó bán như hiện nay. Với nhiều rủi ro từ đầu vào (con giống, môi trường) đến đầu ra (xuất khẩu) người nuôi tôm ĐBSCL đang thoái chí, bỏ tôm ôm muối, nuôi cá, nuôi cua và nhiều nơi nông dân chào đón đối tượng nuôi mới: tôm thẻ chân trắng .




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường