Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôm sú “đột quỵ”!
07 | 10 | 2008
ĐBSCL hiện đang vào thời điểm thu hoạch tôm sú cuối vụ nhưng hiện nay giá tôm nguyên liệu đang giảm thê thảm. Tại Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… hiện loại tôm 30 con/kg chỉ còn 80.000đ/kg, giảm 30.000đ/kg; loại 40 con/kg chỉ còn 50.000đ/kg… nên bán 1 tấn tôm người nuôi lỗ mất 30 đến 40 triệu đồng so cùng kỳ năm trước. Giá tôm sú xuống thấp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 1 triệu dân vùng ĐBSCL. Con tôm sú đang “đột quỵ”.
Nỗi buồn mùa tôm.

Vừa thu hoạch xong 10 tấn tôm thương phẩm, anh Nguyễn Văn Hồ, chủ trang trại nuôi tôm sú công nghiệp ở ấp 5, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) ngao ngán thở dài: “Thu hoạch 1 tấn tôm loại 1 (cỡ 20-22 con/kg) giá 110.000đ/kg, lỗ mất 25 đến 30 triệu đồng. Giá tôm thế này người nuôi tôm chết chắc”.

Có chung tâm trạng trên, ông Trần Văn Thuận, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, phân tích: “Trong khi giá con giống, thức ăn, vôi bột... tất cả đều tăng, thì giá tôm lại giảm quá thấp. Khi bán, thương lái, doanh nghiệp ra giá bao nhiêu cũng đành chịu.

Với giá tôm nguyên liệu thế này, chắc vụ sau “treo ao” nhiều lắm”. Kỹ sư Đỗ Quốc Phong, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến ngư Trà Vinh, đánh giá: “Giá thức ăn tăng 15% đến 20% trong khi giá tôm giảm 25% đến 30% so năm trước, vụ nuôi 2008 dù trúng mùa người nuôi tôm cũng mất gần 50% lợi nhuận ”.

Vụ tôm sú chính vụ ở Trà Vinh 2008, người nuôi tôm các huyện ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành,… mất trắng hơn 100 tỷ đồng không phải do dịch bệnh mà do giá tôm sụt giảm. Và đằng sau đó là nỗi âu lo về nợ vay ngân hàng đáo hạn khó có khả năng hoàn trả.

Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Sản lượng tôm sú thu hoạch được hiện nay chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, khoảng 15.835 tấn tôm sú. Mặc dù diện tích nuôi tôm sú liên tục được mở rộng nhưng toàn tỉnh không thể đạt sản lượng 25.000 tấn tôm sú/năm.

Điều đáng buồn hơn ở vụ này, người nuôi tôm trúng mùa lẫn thất mùa đều không vui, tỷ lệ hộ nuôi có lãi chiếm chưa quá con số 50%. Ông Nguyễn Thanh Thưởng, Bí thư chi bộ ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, Cầu Ngang (Trà Vinh) đồng thời là nông dân nuôi tôm, bức xúc: “Năm nay là năm khó khăn trong nghề nuôi tôm sú. So năm trước mỗi tấn tôm mất đi 30 đến 40 triệu đồng lãi của nông dân. Đầu vào thì cao, đầu ra của con tôm thì không có. Tôi đề nghị với trên làm sao lo đầu ra của con tôm ổn định thì bà con có lợi nhuận mới bám nghề mà sống, mà sản xuất”.

Bỏ thì thương, vương… ôm nợ !?

Trong khi hơn 50% người nuôi tôm sú ĐBSCL vỡ nợ, thì tin vui từ nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại lợi nhuận 80 đến 100 triệu đồng/ha tạo nên sự phấn khích mới cho người nuôi tôm vùng ven biển. Tại Trại cải tạo Bến Giá, ấp 10, xã Long Hữu, huyện Duyên Hải (Trà Vinh), nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại lợi nhuận 80 đến 120 triệu đồng/ha tạo nên “cú hích” cho người nuôi tôm.

Nhưng ông Lê Thành Thái, chủ tịch huyện Cầu Ngang, trăn trở: “ Giá tôm sú tuột dốc thê thảm thế này nếu tiếp tục nuôi tôm sú sẽ không cạnh tranh lại với con tôm thẻ chân trắng. Nhưng để nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả là điều không dễ, cần thận trọng trong quy hoạch, định hướng phát triển, con giống, kỹ thuật và phòng ngừa dịch bệnh ra sao”.

Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, năm 2009 và những năm tới, nghề nuôi tôm sú ở ĐBSCL tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức: Chi phí sản xuất tăng, dịch bệnh... nhất là cạnh tranh thị trường với tôm thẻ chân trắng.

Trước tình hình tôm nuôi tại khu vực ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Việt Thắng chia sẻ: “...Đầu vào của nhà chế biến cũng chính là đầu ra của nhà nuôi trồng. Trong quá trình sản xuất, 2 khu vực này có gì đó chưa gắn kết với nhau. Bộ đang chỉ đạo theo hướng các DN nắm bắt được khó khăn của người nuôi mà xây dựng giá thành hợp lý”.

Cũng theo ông Thắng, 2 khu vực này cần trao đổi, bàn bạc với nhau, tính toán được giá đầu vào, đầu ra cho hợp lý. Cũng nên nhắc lại cho các DN nhìn thấy bài học từ con cá tra. Từ đó, Hiệp hội những người nuôi tôm và Hiệp hội các nhà máy chế biến xuất khẩu cần phải “nhích lại gần nhau”.

Một mùa tôm buồn qua đi, mùa tôm mới lại bắt đầu. Mùa tôm 2008 nhắc nhở người nuôi tôm ĐBSCL cẩn trọng, phát triển đúng kế hoạch, quy mô, đúng định hướng, không chạy theo phong trào trong nuôi tôm thẻ chân trắng và suy tính thiệt hơn trong nuôi tôm sú. Bởi lẽ, trong cơ chế thị trường cung cầu, cạnh tranh thì chưa có vật nuôi nào chiếm mãi thế “thượng phong”. Chuyện cây lúa, con cá tra ĐBSCL là bài học nhãn tiền, đắt giá.

ĐBSCL có 540.000ha diện tích nuôi tôm nước lợ, chiếm 89,3% tổng diện tích nuôi của cả nước. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 538.800ha, tôm thẻ chân trắng 807ha tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Cà Mau (257.000ha), Bạc Liêu (121.811ha), Kiên Giang (77.218ha), Sóc Trăng (47.597ha), Trà Vinh (25.457ha). Trước thực trạng giá tôm sú xuống thấp, làm gì để cứu nghề nuôi tôm sú ĐBSCL thoát khỏi vòng quay giá cả, cung cầu xem ra vẫn là bài toán bức xúc cần có lời giải.




Nguồn: sggp.org
Báo cáo phân tích thị trường