Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trắng tay vì tôm chết
12 | 05 | 2011
Sáng 11- 5, tại Bến Tre, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp khắc phục nạn tôm chết.

Theo thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT Sóc Trăng, đến nay toàn tỉnh thả nuôi được 23.000ha tôm, trong đó diện tích bị chết lên đến 15.400ha, một con số rất lớn.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi thừa nhận: “Thời tiết năm nay quá cực đoan làm cho tôm chết cứ tăng từng ngày. Hàng loạt giải pháp đã được triển khai nhằm khống chế dịch bệnh nhưng cuối cùng đều… bất lực”.

Tại Bạc Liêu, hàng loạt hộ cũng mất ngủ vì nạn tôm chết kéo dài. Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết đã có khoảng 3.000-3.500ha tôm sú bị thiệt hại; trong đó diện tích nuôi công nghiệp chiếm 820 ha. Do thời tiết hiện nay quá khắc nghiệt, thay đổi thất thường gây bất lợi cho tôm. Vì vậy, sở khuyến cáo người dân chậm xuống giống lúc này, chờ đến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 khi có mưa nhiều mới duy trì thả lại.

Trước đó, ngày 11-5, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp dập dịch trên tôm, tránh nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Theo TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2: “Sau khi khảo sát thực tế các vùng tôm bị chết, kết quả xét nghiệm ban đầu các mẩu tôm bệnh chết có dấu hiệu hoại tử do nhiễm khuẩn tần suất cao".

Cũng theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, ngoài dấu hiệu teo gan còn thấy xuất hiện các trường hợp khác như gan nhũn, nhạt màu, sưng hoặc kết hợp với dấu hiệu bệnh đốm trắng. Viện khuyến cáo người nuôi chú ý xử lý đất trên nền đáy ao và vệ sinh nguồn nước thật tốt nhằm loại trừ các vi khuẩn gây bệnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu lưu ý, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết bất lợi, nhiễm mặn, mưa trái mùa… thì tôm chết nhiều cũng do một phần năm 2010 người nuôi trúng mùa và tôm hiện có giá cao nên nhiều hộ nôn nóng thả giống sớm, không tuân thủ lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật nuôi, tôm giống chất lượng kém… dẫn đến thất bại.

Thứ trưởng đề nghị, các địa phương cần tăng cường kiểm soát chặt dịch bệnh, mạnh dạn rút giấy phép các cơ sở sản xuất kinh doanh giống không đảm bảo chất lượng. Tổ chức kiểm tra 100% các vùng nuôi và trang trại tôm bị bệnh để khoanh vùng không cho lây lan thêm. Bộ NN-PTNT sẽ xem xét đề xuất thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng chống dịch trên thủy sản ở khu vực ĐBSCL trong thời gian sớm nhất, để kịp thời hỗ trợ các tỉnh khi có dịch.

Theo thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, bình quân mỗi ha tôm công nghiệp đầu vụ bị nhiễm bệnh làm chết gây thiệt hại khoảng 80 triệu đồng; tôm bán thâm canh mất 30 triệu đồng. Như vậy, với hàng chục ngàn ha tôm chết ở ĐBSCL làm cho người nuôi thiệt hại số tiền rất lớn. Lo ngại nhất hiện nay là tôm chết tràn lan sẽ dẫn đến nguồn nguyên liệu đã thiếu lại càng thiếu trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu. Ưu tiên hàng đầu của các tỉnh là nhanh chóng dập dịch và khôi phục lại vùng tôm nguyên liệu càng sớm càng tốt.



Theo SGGP
Báo cáo phân tích thị trường