Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cùng quẫn vì tôm
17 | 05 | 2010
Đổ nợ hàng chục tỷ đồng vì nuôi tôm, tài sản cầm cố hết ở ngân hàng, dân xã Phú Xuân, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) lại nuôi hy vọng vào vụ tôm mới để mong gỡ gạc chút đỉnh. Tuy nhiên, những ngày qua, tôm nuôi tại gần 200 ha ao hồ của ngư dân nơi đây đồng loạt bị chết do bệnh lạ. Hơn 650 hộ nuôi tôm Phú Xuân ngập sâu hơn trong nợ nần, quẫn bách.
Đang giữa mùa cao điểm nuôi tôm, nhưng những cánh đồng tôm trải dài từ làng Xuân Ổ, Ba Lăng, Thuỷ Diện đến Quảng Xuyên, Diên Đại (xã Phú Xuân) đều hoe hoắt bóng người. Hàng trăm lều canh tôm toang hoác trước gió mưa không ai buồn sửa chữa.

Vào những ngôi làng đang xác xơ vì nợ nần, đến đâu người dân cũng xôn xao bàn tán chuyện tôm chết vì một loại bệnh lạ chưa từng xảy ra trên địa bàn. Tôm chết hàng loạt, lan ra hơn 80% tổng diện tích ao hồ toàn xã, đang dập tắt mọi hy vọng gỡ gạc nợ nần chồng chất của dân nghèo Phú Xuân.

Anh Nguyễn Thuỷ, thôn Lê Bình, ngơ ngẩn: “Gia đình tui trước đã cầm một sổ đỏ tại ngân hàng do nuôi tôm thất bát liên tục. Vừa rồi, tui mượn thêm sổ đỏ của người thân đem cầm cố để tiếp tục vay nuôi tôm, giờ lại hoàn tay trắng, chả biết lấy tiền đâu để trả nợ”.

Anh Lê Văn Tiến, thôn Quảng Xuyên, thất thểu lê chân ra hồ tôm, lặn ngụp liên hồi với hy vọng kiếm nhúm tôm, con cá nhỏ còn sót lại để cả nhà nấu cháo cầm bữa.

Tiến cho biết, sau khi học xong lớp 12, định thi vào đại học nhưng gia đình không có điều kiện nên ở nhà phụ giúp ba mẹ nuôi tôm, đợi lúc có tiền sẽ học tiếp. Cánh cửa vào đại học của Tiến giờ đã khép chặt, đất đai nhà cửa, sổ đỏ hồ tôm đã cầm cố hết ở ngân hàng.

“Ít ngày nữa, chắc em kiếm đường đi Nam thôi anh ạ, ở quê cũng không còn việc gì làm, tôm chết hết rồi” - Tiến rầu rĩ.

Ông Võ Phi Sinh, thôn Quảng Xuyên, nhiều năm qua rất ít khi thất bại trong nuôi tôm, nay đành bó gối ngồi nhà vì gần 1 ha ao hồ vừa thả tôm đã bị chết sạch. “Không làm tôm, thanh niên trai tráng còn cơ hội kiếm việc làm đây đó, chứ già cả, ốm yếu như tụi tui biết đi đâu” - Ông Sinh lo lắng.

Ông Nguyễn Bắc - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân - cho biết: Toàn xã hiện có gần 200 ha ao nuôi tôm bị dịch bệnh, với mức độ tôm chết gần như 100%.

Tôm chết còn sót lại bên những hồ nuôi bị bỏ hoang
Tôm chết còn sót lại bên những hồ nuôi bị bỏ hoang . Ảnh: Ngọc Văn

Ông Bắc thở dài: “Vụ nuôi mới 2010, xã Phú Xuân huy động gần 1 tỷ đồng từ nhiều nguồn để cải tạo, sửa chữa kênh mương bị bão số 9 năm 2009 tàn phá. Mọi nỗ lực của chính quyền, người dân giờ đã ra sông ra bể. Tôm chết đang gây thiệt hại gần 4 tỷ đồng cho người nuôi vốn dĩ đã đổ nợ ngập đầu, ngập cổ. Bệnh lạ, giờ không ai dám liều nuôi lại tôm. Hàng trăm hécta ao hồ có nguy cơ bỏ hoang những năm tới”.

Nợ kỷ lục

Ông Dương Phúc, Phó phòng NN & PTNT huyện Phú Vang cho biết: Qua xét nghiệm tại TP HCM, nhiều mẫu tôm chết ở Phú Xuân được xác định do bệnh đầu vàng, một loại bệnh trên tôm chưa từng xuất hiện trước đó tại Thừa Thiên- Huế.

Cũng theo ông Nguyễn Bắc, toàn xã Phú Xuân hiện có 654 hộ nuôi tôm, tất cả đều nợ ngân hàng và các nguồn khác, hiện mất khả năng thanh toán, với số nợ trên 50 tỷ đồng từ nhiều năm dồn lại. Hàng trăm sổ đỏ hồ tôm, đất ở đã đem cầm cố, thế chấp.

Một cán bộ xã nhẩm tính, với khoản nợ nuôi tôm chồng chất trên 50 tỷ đồng như hiện nay, nếu đem chia bình quân nhân khẩu lớn, bé, già, trẻ toàn xã, mỗi người gánh từ 10 - 20 triệu đồng tiền nợ. Đây là con số kỷ lục về nợ nuôi tôm tại một xã nghèo như Phú Xuân.

Ông Nguyễn Bắc trăn trở: “Hộ mắc nợ ngân hàng tối thiểu là 50 triệu đồng, cao nhất lên đến 400 triệu đồng. Dân mất khả năng trả nợ, còn hồ tôm thì mất giá. Trước đây, mỗi hồ sang nhượng cả trăm triệu đồng, nay bán 10 triệu không ai thèm mua, cho thuê cả năm chỉ 1 triệu đồng nhưng không mấy người tha thiết”.

Cùng cực vì tôm chết trên diện rộng do bệnh lạ, nợ mới chồng lên nợ cũ, nhiều gia đình nuôi tôm ở Phú Xuân đang đứng trước nguy cơ phá sản, bị đẩy ra đường, bị xiết nhà, mất đất, mất hồ nuôi, phải bỏ quê tha phương cầu thực...



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường