Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất giống và nuôi tôm: Đánh bạc với trời
27 | 04 | 2010
Tháng 4, mùa nuôi tôm chính vụ ở tỉnh Khánh Hoà. Thế nhưng, có đến 60% trại sản xuất giống bỏ trống, còn nhiều cánh đồng nuôi tôm rộng lớn chạy dọc dài ven biển các huyện Ninh Hoà, Vạn Ninh... thì vẫn im lìm, phơi đáy khô khốc.

Đa số dân ở đây không dám tiếp tục "đánh bạc với trời" bởi mức độ rủi ro quá lớn, khi mà mới đầu vụ nuôi con tôm đã "trở chứng" dịch bệnh chết hàng loạt.

Ao, hồ tôm phơi đáy

Từ quốc lộ 1A, có thể quan sát bà con ở Lương Sơn, Vạn Thắng (Vạn Ninh), Tân Đảo, Phú Hữu, Ninh Ích, Ninh Diêm (Ninh Hoà)... đang nuôi tôm theo kiểu “da beo” – nghĩa là thả tôm ở ao nuôi diện tích nhỏ nằm rải rác trên các vùng tôm rộng lớn. Kiểu nuôi tôm này mới xuất hiện sau khi một số đồng thả tôm nuôi tập trung sớm bị “dính” dịch bệnh chết sạch.
 
Ông Lê Văn Kháng – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích - cho biết, môi trường đang suy thoái, mầm bệnh lưu tồn, nên không thể nuôi tôm ồ ạt. Vì vậy, nuôi rải rác có thể “ngăn” được bệnh tôm phát sinh lây lan trên diện rộng. Vụ này, xã Ninh Ích đã có 30ha tôm bị bệnh mất trắng. Bà con đành phơi đáy ao, chỉ thả nuôi thưa ở một số vùng, với diện tích khoảng 100ha trong tổng số 250ha.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu NTTS III Nha Trang, nghề nuôi tôm ở Khánh Hoà đang gặp khó khăn. Ngoài việc diễn biến thời tiết bất thường, nguồn nước bị thiếu và ô nhiễm, con giống không đảm bảo chất lượng. Bà con cải tạo ao hồ chưa đảm bảo kỹ thuật, thả nuôi không tuân thủ quy tắc, mật độ quá dày làm dịch bệnh tôm dễ phát sinh. Ngoài ra, người nuôi quá lạm dụng sử dụng các chế phẩm, thuốc, hóa chất xử lý môi trường dẫn đến hạn chế kết quả nuôi...
 
Hiện các địa phương chỉ thả tôm sú, tôm thẻ nuôi được khoảng hơn 1.800ha - chiếm 36% tổng diện tích ao, đìa trong toàn tỉnh. Nhiều hộ nuôi tôm bị lỗ nặng các vụ trước nên thiếu vốn đầu tư; nhiều đơn vị, cá nhân có vốn nuôi tôm với quy mô lớn cũng đã “chia tay” con tôm. Bởi, ngoài việc “ngán” tôm bị dịch bệnh, người nuôi lo sợ rủi ro lỗ vốn vì giá tôm nguyên liệu liên tục giảm (tôm thẻ thương phẩm bình quân 100 con/kg, giá mua dao động từ 50 - 60 ngàn đồng/kg).

Trong khi đó, chi phí sản xuất lại tăng, thức ăn cho tôm đã tăng 40.000 đồng/bao (loại 20kg); thuốc thú y thủy sản tăng từ 10 - 15 ngàn đồng/chai, gói (tùy loại)...

Giống đem cho

Khánh Hoà là một trong số ít các địa phương sản xuất tôm giống với số lượng và chất lượng hàng đầu cả nước. Các năm trước, người nuôi ở trong tỉnh và các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bến Tre... đổ dồn về mua tôm giống ở khu sản xuất giống lớn nhất ở Khánh Hoà là Tân Thành, xã Ninh Ích (Ninh Hoà), Lương Sơn (TP.Nha Trang) nên lượng cung không đủ cầu; nhưng mùa này, rất ít người nuôi đến mua, dẫn đến khủng hoảng thừa tôm giống.
 
Trại sản xuất của ông Nguyễn Ngọc Hơn ở Tân Thành đã cho thuê, bỏ trống 115 bể và chỉ ương nuôi cầm chừng khoảng 10 triệu con giống tôm post; song tôm giống vẫn bán không trôi; ông Hơn đành xả bể, đem con giống cho bà con trong thôn thả nuôi, lỗ trên 100 triệu đồng.

Cũng theo ông Hơn, tôm giống tiêu thụ chậm, giá cả lại hạ quá thấp (tôm post thẻ chỉ 5 đồng/con, tôm sú bán một nửa, cho một nửa với giá từ 13-14 đồng/con) nên trại nào càng sản xuất nhiều tôm post càng lỗ. Do vậy, ở đây có đến 80% trại tôm bỏ trống hoặc chuyển ương nuôi các loại giống thủy sản khác.

Theo Sở NNPTNT tỉnh, hiện toàn tỉnh chỉ có gần 100 trại (chiếm hơn 40% trong tổng số 235 trại tôm giống trên địa bàn tỉnh) sản xuất cầm chừng được khoảng 700 triệu con tôm post sú và tôm thẻ. Đã đến lúc tỉnh cần có biện pháp quản lý, quy hoạch, xử lý môi trường đồng tôm,  nhằm tạo điều kiện để người dân khôi phục, phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững.



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường