Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đa dạng hoá sản phẩm tôm xuất khẩu
16 | 07 | 2008
Nhằm nâng cao năng suất nuôi tôm, nhiều địa phương tiến hành nuôi tôm thẻ chân trắng. Tôm chân trắng có tỷ lệ bệnh ít hơn tôm sú rất nhiều (3,7% so với 21%) trong khi lợi nhuận trên một kg tôm của 2 loại là tương đương nhau. Theo Cục Nuôi trồng thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đến hết tháng 6/2008, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của 24 tỉnh ven biển là 369.094 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 356.683 ha, tôm chân trắng là 12.411 ha.
Diện tích nuôi tôm chân trắng chủ yếu được chuyển từ diện tích nuôi tôm sú kém hiệu quả.

Chi phí khác nhau, hiệu quả ngang nhau

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Việt Thắng cho rằng: Chất lượng nuôi tôm sú đã tương đối ổn định và là đối tượng chủ lực góp phần cung cấp hàng hoá trong nước và phục vụ xuất khẩu. Trên thế giới đã có nhiều nước nuôi tôm chân trắng và cho kết quả tốt. Nuôi tôm chân trắng không có nghĩa là không nuôi tôm sú nữa mà để đa dạng hoá hàng hoá xuất khẩu. Các địa phương khi triển khai nuôi tôm chân trắng cần phổ biến kỹ các điều kiện và yêu cầu để nhân dân lựa chọn đối tượng nào để nuôi.

Do năm nay rét kéo dài vào đầu năm nên hầu hết các tỉnh đều thả giống muộn, vì vậy hiện nay mới vào vụ thu hoạch. Sản lượng đã thu hoạch của 24 tỉnh đạt 90.688 tấn, trong đó sản lượng tôm sú là 78.364 tấn và tôm chân trắng là 12.324 tấn. Theo Tổng Cục thống kê, sản lượng thu hoạch tôm nói chung của 6 tháng đầu năm nay là 125.700 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2007.

Năng suất nuôi tôm chân trắng hiện nay khá cao, bình quân 9-10 tấn/ha/vụ. Giá bán tôm chân trắng nguyên liệu thấp hơn tôm sú nhưng do thời gian nuôi ngắn hơn nên xu hướng người nuôi chuyển dần diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm chân trắng. Nuôi tôm sú công nghiệp rất khó đạt được kích cỡ <40 con/kg, thường chỉ đạt từ 40-70 con/kg. Với tôm chân trắng cỡ 40 con/kg hiện nay bán được 80.000-85.000 đồng/kg. Như vậy, so với giá thành thì người nuôi có thể lãi từ 15.000-20.000 đồng/kg.

Theo tính toán của những người nuôi tôm, từ giá thành và giá bán tôm nguyên liệu của tôm sú và tôm chân trắng, người nuôi có thể thu được lợi nhuận trên một kg tôm của 2 loại là tương đương nhau.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, nuôi tôm chân trắng có thể với mật độ cao hơn 2-3 lần so với tôm sú; hệ số thức ăn thấp hơn; thời gian nuôi ngắn hơn và hiện tại bệnh trên tôm chân trắng cũng ít hơn bệnh trên tôm sú. Vì vậy, người nuôi có xu hướng chuyển từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm chân trắng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: “Trên thế giới thị trường tôm thẻ chân trắng đang rất tốt, nếu chúng ta không nhanh sẽ bỏ lỡ cơ hội công ăn, việc làm và thu nhập của nông dân”.

Quản lý chặt nguồn tôm giống

Tính đến tháng 6/2008, cả nước có 2.488 trại sản xuất tôm giống đưa vào sản xuất, trong đó số trại sản xuất tôm sú là 2.437, tôm chân trắng là 51.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh cho thấy, những tháng đầu năm 2008 tỷ lệ tôm sú, tôm chân trắng nhiễm bệnh khá cao. Cá biệt như tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), tôm thẻ chân trắng chết lên tới 43%.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng khẳng định: “Cần phải quản lý chặt chẽ chất lượng giống của cả hai loại tôm này, không để sản xuất giống tôm ngoài những vùng đã được trung ương và địa phương qui hoạch. 43% tôm chết ở Tiền Giang nguyên nhân quan trọng là chất lượng giống”.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng cũng đưa ra một bài học kinh nghiệm về việc chuyển giống tôm chất lượng thấp từ miền Trung và miền Nam. Những con tôm giống tốt đã được tuyển chọn cho các vùng nuôi ở địa phương, còn tôm loại thì đưa ra các địa phương khác để bán. “Tình trạng này đang đi vào nước ta qua biên giới” - thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng cảnh báo.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định: “Bộ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhập khẩu tôm bố mẹ. Bộ cũng yêu cầu Cục Nuôi trồng thuỷ sản giải quyết các thủ tục không quá 7 ngày. Cục Thú y tăng cường công tác kiểm soát ở biên giới, bảo đảm chất lượng tôm giống khi nhập khẩu vào Việt Nam”.

Còn một vấn đề khá quan trọng mà tự người nuôi tôm không thể giải quyết được. “Các địa phương mong rằng Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý môi trường. Hiện nay, bà con đang loay hoay với vấn đề này” - ông Dương Ngọc Nhi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Đức – Giám đốc Sở Thuỷ sản Cà Mau cho biết: Số lượng tôm chết ở địa phương lên đến gần 12% (giảm đầu con chứ không bị chết hàng loạt). Hiện nay, tỉnh đã chuyển 117.000 ha nuôi tôm sú sang nuôi những con khác. Tìm hiểu nguyên nhân mới biết, ngoài sự biến đổi của thời tiết thì còn do môi trường nước, thuỷ lợi kém. Bên cạnh đó, người dân chủ yếu nuôi theo hộ nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, không có qui hoạch…”.

Trước các mối nguy về ô nhiễm môi trường, nhiều địa phương đề nghị được thành lập Trung tâm quan trắc môi trường. Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng cho biết, hiện nay Việt Nam có 3 Trung tâm quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh thuỷ sản đặt tại Bắc Ninh, Khánh Hoà và thành phố Hồ Chí Minh. Người sản xuất thuỷ sản cần có sự cộng tác chặt chẽ với các trung tâm này để có thể xử lý kịp thời các biến cố về môi trường và dịch bệnh thuỷ sản./.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường