Về vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, bên lề Hội nghị sơ kết Công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm của Bộ NN&PTNT.
Ông Ngọc cho biết: Việc tiêu thụ lúa Hè Thu ở ĐBSCL gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trước hết, thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu đúng vào lúc mưa nhiều ở miền Tây, dẫn đến việc thu hoạch và phơi sấy gặp nhiều khó khăn, chất lượng của gạo cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, giá thành hạt lúa lại cao hơn so với lúa Đông Xuân từ 200 - 400 đồng/kg, hiện vào khoảng 3.200 đồng/kg khiến các doanh nghiệp (DN) ngần ngại khi thu mua.
Nguyên nhân thứ hai là thời điểm này, hoạt động xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu chững lại. Vụ Hè Thu không phải thời điểm chính để xuất khẩu. Điều đó làm cho các DN mua thóc của nông dân khá cầm chừng.
- Chính sách thu mua tạm trữ đã được áp dụng trong sản xuất một số mặt hàng như cà phê, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì chính sách này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Vậy đối với ngành lúa gạo thì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Ngọc: Việc thu mua tạm trữ cà phê chậm trễ, nguyên nhân lớn là do DN thu mua gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Các DN cà phê Việt Nam nhỏ, vốn ít, thị trường hạn chế đã bị các DN nước ngoài với số vốn lớn, hệ thống chế biến hoàn chỉnh… "qua mặt". Nếu không làm tốt thì bài toán lúa gạo cũng mắc phải tình trạng tương tự. Tuy nhiên, việc thu mua tạm trữ lúa gạo có thuận lợi hơn cà phê vì các DN thu mua của Nhà nước cũng như tư nhân có hệ thống kho tàng đã được đầu tư nâng cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, đủsức chứa 4 triệu tấn thóc.
Tuy nhiên, cơ chế thị trường là cơ chế mở, không thể đóng cửa mà không cho các DN nước ngoài vào. Do vậy, bản thân các DN lúa gạo trong nước phải vươn lên. Nhà nước có chính sách khuyến khích nhưng không có nghĩa phá các hàng rào; khi hội nhập phải dỡ bỏ dần… Các DN cũng phải tận dụng cơ hội khi Nhà nước có cơ chế hỗ trợ. DN phải đồng hành cùng nông dân bằng cách ký hợp đồng tiêu thụ ngay từ khi bắt đầu sản xuất, xuống giống cho đến khi thu hoạch. Như vậy mới tạo ra một chuỗi giá trị từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ, chế biến.
- Theo ông, về lâu dài, để làm tốt bài toán sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, chúng ta cần có giải pháp gì?
Ông Nguyễn Trí Ngọc: Về lâu dài, để làm tốt vấn đề tiêu thụ, chúng ta cần xây dựng, củng cố thị trường, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Cần nâng cao chất lượng hạt gạo trên cơ sở nâng cao chất lượng giống, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đồng thời thành lập Quỹ bảo hiểm cho người trồng lúa, trợ giúp nông dân khi có rủi ro.
- Xin cảm ơn ông!