Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo xuất nhiều nhưng giá thấp
01 | 09 | 2009
Mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nhưng giá gạo xuất khẩu của VN hiện đang ở mức gần thấp nhất thế giới. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là chính các doanh nghiệp VN tự chào bán giá thấp.

Diễn biến giá gạo (loại 5% tấm) xuất khẩu của VN và Thái Lan (Nguồn: Agroinfo) - Đồ họa: V.Cường

Theo ông Huỳnh Minh Huệ - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo VN lâu nay đã thấp hơn gạo cùng chủng loại của Thái Lan, nhưng gần đây khoảng cách này đang nới ra. Đặc biệt, gạo xuất khẩu của VN còn thấp hơn cả gạo của Pakistan mặc dù chất lượng gạo VN được công nhận tốt hơn gạo Pakistan.

Lượng tăng, giá trị giảm

Theo VFA, tính đến hết ngày 27-8 VN đã ký xuất khẩu 5,632 triệu tấn gạo, tăng 66,58% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 1,834 tỉ USD, giảm 3,64%.

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn Agroinfo (Bộ NN&PTNT), nếu như giá gạo xuất khẩu của VN vào cuối tháng 6 đầu tháng 7-2009 ở mức 413 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 355 USD/tấn đối với gạo 25% tấm, thì giá gạo xuất khẩu của VN trong tháng 8 tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009, còn 392,94 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 340,39 USD/tấn (gạo 25% tấm). Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu bình quân của Thái Lan trong tháng 8 là 524,56 USD/ tấn (gạo 5% tấm) và 432,06 USD/ tấn (gạo 25% tấm).

Điều đáng nói là lượng gạo chất lượng cao mà VN đã xuất khẩu hồi đầu năm tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trung bình vẫn giảm. Cụ thể, trong bảy tháng đầu năm các doanh nghiệp đã xuất khẩu 1,606 triệu tấn gạo cao cấp, chiếm 39,09% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Đặc biệt, tình hình xuất khẩu các tháng giữa năm có nhiều thuận lợi, gạo xuất khẩu tiếp tục nhận được các tín hiệu tốt do nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới tăng cũng như việc nguồn cung đang ở mức thấp do Thái Lan và Ấn Độ vẫn chưa bán lượng gạo dự trữ ra thị trường.

Tự hại mình

Theo ông Nguyễn Thọ Trí - phó chủ tịch VFA, thời gian qua do tình hình giao dịch thị trường gạo thế giới trầm lắng, một số doanh nghiệp trong nước vội bán nên đã bị thương nhân nước ngoài ép giá xuống.

Bên cạnh đó một số doanh nghiệp trong nước kinh doanh theo thời vụ, không có kho chứa, để bán được hàng đã cố tình chào bán với giá thấp làm ảnh hưởng tới mặt bằng giá xuất khẩu nói chung. Ông Trí cho biết dù VFA đưa ra mức giá sàn gạo xuất khẩu 5% tấm là 400 USD/tấn, thế nhưng vẫn có những doanh nghiệp chào bán với giá 380 USD/tấn.

Theo quy định, những doanh nghiệp ký hợp đồng với giá thấp hơn giá sàn thì sẽ không được đăng ký hợp đồng xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp có rất nhiều cách để lách quy định này.

Chẳng hạn như khi ký hợp đồng doanh nghiệp vẫn đưa ra mức giá 400 USD/tấn và mở L/C rồi báo cáo VFA, nhưng khi thanh toán hợp đồng, các doanh nghiệp cùng đối tác điều chỉnh hợp đồng theo hướng giảm giá mà không thông báo cho hiệp hội biết. “Chỉ cần một đơn vị trong nước bán với giá thấp là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lấy đó làm cái cớ để áp giá mua gạo của toàn bộ các doanh nghiệp còn lại” - ông Trí nói.

Nhiều nhưng không đồng chất

Ngoài lý do kiểu “tự hại mình”, GS-TS Võ Tòng Xuân (một trong những chuyên gia lúa gạo hàng đầu VN) cho biết trong một bao gạo xuất khẩu có khi có cả chục giống lúa được trộn lẫn.

Đồng tình với nhận định của GS Xuân, ông Lê Hữu Hải, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy (Tiền Giang), cho rằng: “Nhìn bằng mắt thường người ta cũng dễ dàng thấy kích cỡ gạo xuất khẩu của VN trong một lô hàng không đồng nhất vì có nhiều giống lúa khác nhau. Ngay cả khi nhìn thấy kích cỡ hạt bằng nhau thì chất lượng cũng không chắc như nhau.

Theo giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang, lý do dẫn đến chất lượng gạo không đồng nhất là do một phần diện tích canh tác lúa ở ĐBSCL hiện nay manh mún, nông dân phải tự tính toán gieo sạ giống lúa nào thu hoạch nhanh nhất, chi phí thấp nhất. Do đó, trên cùng cánh đồng sẽ có nhiều loại giống lúa khác nhau.

Bên cạnh đó, đa số hộ nông dân hiện không có sân phơi, không có máy sấy lúa và cũng không có nhà kho trữ lúa. Chính vì vậy họ buộc phải bán ngay tại ruộng với bất kỳ giá nào mà thương lái đưa ra để có tiền trang trải nợ nần, cái ăn, cái mặc, học hành và tái sản xuất vụ sau.

Giá giảm 29%

Theo báo cáo của Bộ Công thương về tình hình xuất khẩu nhóm hàng nông sản, số lượng các mặt hàng xuất khẩu này đều tăng, mạnh nhất là gạo tăng 43%, hạt tiêu tăng 46,8%, cà phê tăng 17%... Tuy nhiên, giá giảm đã khiến giá trị xuất khẩu nhóm hàng này giảm tới gần 10% so với cùng kỳ 2008. Đặc biệt, với gạo, giá đã giảm tới 29%.

Theo ông Huỳnh Minh Huệ, mục tiêu xuất khẩu gạo sắp tới nên giữ giá hơn là tăng lượng. Nếu giá mua gạo VN tiếp tục xuống, ông Huệ cho biết có thể nhiều doanh nghiệp VN sẽ hủy hợp đồng xuất khẩu.

Trong khi đó, thị trường lúa gạo tại ĐBSCL ngày 31-8 tiếp tục “lạnh” vì hầu hết các doanh nghiệp đã thu mua đủ 400.000 tấn gạo tạm trữ theo chỉ đạo của VFA. Giá lúa thường đã phơi khô cao nhất chỉ khoảng 3.600 đồng/kg, còn lúa hạt dài cao nhất khoảng 3.800 đồng/kg. Tuy nhiên đa số nông dân không bán mà trữ lại chờ giá tăng mới bán.



Theo www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường