Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiến nghị xem lại chính sách thuế xuất khẩu gạo
08 | 08 | 2008
Trước tình hình giá lúa trong nước giảm và khó tiêu thụ trước tác động của giá gạo thế giới đang giảm mạnh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cuối tuần qua đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan kiến nghị bỏ thuế xuất khẩu gạo hoặc nâng mức giá gạo xuất khẩu chịu thuế.
Trước đó, theo Quyết định 104/2008/QĐ-TTg ngày 21-7 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành mức thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gạo và phân bón xuất khẩu thì mức khởi điểm chịu thuế của gạo là giá bán từ 600 đô la Mỹ/tấn gạo trở lên.

Nâng mức khởi điểm chịu thuế

Trong trường hợp nâng mức giá gạo xuất khẩu khởi điểm chịu thuế, VFA kiến nghị giá từ 800 đô la Mỹ/tấn trở lên thay vì 600 đô la Mỹ/tấn.

Sở dĩ VFA kiến nghị nâng mức giá gạo khởi điểm chịu thuế vì theo lý giải của tổ chức này, giá gạo thế giới hiện nay còn khoảng 750 - 780 đô la Mỹ/tấn, tùy phẩm cấp. Trong khi đó, giá gạo Việt Nam chào bán ở mức thấp hơn. Thậm chí, ngay cả lúc cao điểm giá gạo thế giới lên đến 1.200 đô la Mỹ/tấn vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 thì lúc đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam 620 – 630 đô la Mỹ/tấn.

Nếu dựa vào số liệu xuất khẩu 7 tháng đầu năm thì Việt Nam đã xuất 2,7 triệu tấn gạo với kim ngạch 1,55 tỉ đô la Mỹ, tức giá xuất khẩu bình quân theo phương thức giao hàng FOB được 574 đô la Mỹ/tấn. Riêng trong tháng 7, giá gạo xuất khẩu cao, đạt bình quân 823 đô la Mỹ/tấn (405.226 tấn với kim ngạch 333,4 triệu đô la Mỹ) được các doanh nghiệp cho là nhờ có các lô hàng xuất khẩu theo các hợp đồng trúng thầu giá cao trước đây.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp trong thời gian qua được cho là do khách hàng nước ngoài ép giá khi ký hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không vay được vốn ngân hàng để mua gạo giao cho nhà nhập khẩu, phải chấp nhận bán giá thấp một chút để bù lại là nhà nhập khẩu ứng trước tiền để mua gạo; thậm chí nhiều hợp đồng, nhà nhập khẩu ứng tiền mua tới 80% sản lượng gạo của đơn hàng.

Cùng với hạn ngạch xuất khẩu gạo hạn chế, đã khiến các nhà xuất khẩu gạo không dám mua vào, nên giá lúa ở ĐBSCL trong mấy ngày qua đã xuống còn 4.500 - 4.700 đồng/kg, thậm chí còn có nhiều khả năng giảm nữa vì chưa thấy nhiều dấu hiệu các doanh nghiệp sẽ mua vào. Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng, mức giá mà nông dân trồng lúa có lãi trong tình hình lạm phát, vật tư đầu vào cho sản xuất tăng thì phải 5.000 đồng/kg lúa trở lên.

Chỉ đánh thuế, và nên bỏ hạn ngạch

Ông Trần Bá Hoàn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, cho rằng việc áp thuế xuất khẩu gạo gây bất lợi cho doanh nghiệp và người nông dân.

Doanh nghiệp nếu ký hợp đồng xuất khẩu gạo giá 600 - 700 đô la Mỹ/tấn - mức giá phổ biến hiện nay của các lô hàng gạo chào bán - là phải chịu thuế 500.000 đồng/tấn, nên doanh nghiệp sẽ thu mua lúa gạo của nông dân với giá thấp, kéo theo người nông dân cũng gặp khó khăn.

Ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), nhà xuất khẩu lớn nhất, chiếm 50 - 60% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, đưa ra ý kiến rằng, hoặc là nâng giá khởi điểm chịu thuế tuyệt đối hoặc tốt nhất là bỏ luôn vì thuế xuất khẩu gạo thật ra đánh trực tiếp vào nông dân. Mặt khác, thời điểm áp dụng thuế xuất khẩu gạo cũng không thích hợp, giá gạo thế giới xuống thấp và khó tiêu thụ hơn, trong khi chi phí đầu vào sản xuất lúa lại tăng rất cao.

Ngược lại với các ý kiến trên, một giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gạo không muốn nêu tên, cho biết ông ủng hộ chính sách thu thuế tuyệt đối xuất khẩu gạo và dùng chính sách thuế này để điều tiết giá gạo ở thị trường trong nước. Ông cho rằng, chính sách này có hiệu quả hơn là biện pháp áp dụng hạn ngạch (chỉ tiêu) xuất khẩu gạo trong nhiều năm qua. Bởi, theo ông, thực chất thì việc áp dụng hạn ngạch cũng như một loại thuế gián tiếp đánh vào thu nhập người nông dân mà Nhà nước thì không thu được tiền.

Ông cũng cho rằng, quyết định đánh thuế xuất khẩu gạo của Chính phủ lẽ ra phải thay thế chính sách hạn ngạch xuất khẩu gạo mang nặng tính hành chính áp đặt như lâu nay. Thế nhưng, quyết định 104, theo ông, không hề đề cập tới việc xóa bỏ hạn ngạch. Không chỉ vậy, việc xuất khẩu gạo hiện nay của doanh nghiệp, ngoài việc chịu thuế, còn phải chịu áp dụng hạn ngạch, áp dụng biện pháp phê chuẩn hợp đồng theo giá định hướng của VFA.

Ngoài ra, theo ông, khi Chính phủ ban hành chính sách thuế xuất khẩu gạo thì cũng cần phải có thời gian cho doanh nghiệp điều chỉnh.

Vài tháng trước khi giá gạo thế giới đang cao và lúc ấy có nhiều thông tin đồn đoán rằng Nhà nước sẽ áp thuế xuất khẩu gạo, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký VFA cũng cho biết việc áp dụng chính sách thuế phải cần có thời gian, ít ra phải đầu năm 2009 và linh động, tức có thể áp dụng khi giá gạo tăng quá cao.





Nguồn: giaothuongnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường