Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điều chỉnh chính sách vĩ mô cho nông nghiệp
20 | 06 | 2008
Đánh giá kết quả thực hiện chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng việc đầu tư tập trung cho nông nghiệp khoảng 530.000 tỉ đồng trong 7 năm qua chỉ đáp ứng được 55% đến 60% yêu cầu phát triển.

Do vậy, việc điều chỉnh chính sách vĩ mô cho nông nghiệp là cần thiết.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện theo yêu cầu của đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, suốt 7 năm qua (từ năm 2001 đến năm 2007), Nhà nước đầu tư khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (ước chừng 530.000 tỉ đồng) cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Sự ưu tiên đó được bộ này đánh giá là lớn và liên tục tăng qua các năm.

Trong đó, gồm: (1) Đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) trực tiếp cho các ngành sản xuất nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp và thủy lợi ước khoảng 92.000 tỉ đồng (bình quân mỗi năm 13.000 tỉ đồng), chiếm 21% tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách. (2) Đầu tư từ nguồn NSNN phát triển hạ tầng nông thôn, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các khoản hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ ước khoảng 50.000 tỉ đồng (hơn 7.000 tỉ đồng/năm), chiếm 12% tổng vốn NSNN đầu tư cho toàn bộ nền kinh tế trong kế hoạch hàng năm. (3) Đầu tư từ vốn ODA thời kỳ dài hơn, từ 1996 đến 2006, cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và giảm nghèo với mức được ký kết là 4,12 tỉ đô la Mỹ, mỗi năm khoảng 370 triệu đô la (tương đương 6.000 tỉ đồng).

Với hàng loạt các đầu tư hướng về hạ tầng trong suốt thời gian dài nhưng Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải nhận định rằng cơ sở vật chất mới chỉ đáp ứng được 55% đến 60% nhu cầu phát triển.

Thêm vào đó, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành sản xuất và chế biến hàng nông sản, lâm, ngư nghiệp thấp và thiếu ổn định, đang có xu hướng giảm sút. Hiệu quả hoạt động của các dự án FDI chưa cao, triển khai chậm và nhiều dự án thua lỗ.

Tính riêng số lượng dự án bị dừng lại trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2003 có 20% số dự án bị dừng lại hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư. Năm 2005 có đến 30% dự án FDI nông nghiệp bị dừng lại.

Muốn chuyển đổi hướng đầu tư cho nông nghiệp, ngoài nhu cầu về vốn lớn, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất điều chỉnh lại chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách giá cả. Theo đó, người nông dân cần có lãi thoả đáng để yên tâm sản xuất, có vốn tự tái tạo đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bộ này đề nghị cụ thể về giá lúa, chính sách Nhà nước phải đảm bảo người nông dân có lãi ít nhất 50% đến 60%. Ngân sách trung ương sẽ tăng hỗ trợ cho các địa phương thuần nông để các địa phương đó yên tâm sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, giữ đất lúa khoảng 3,8 triệu héc ta, đảm bảo an ninh lương thực.

Một thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận xét rằng, nếu chỉ đề xuất thay đổi chính sách vĩ mô bằng cách tăng cường đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp và điều chỉnh chính sách giá cả vẫn chỉ giúp nông dân thoát nghèo bề nổi. Vấn đề quan trọng là phải đầu tư vào chính người nông dân, thông qua các chương trình lớn về  đào tạo nguồn nhân lực và nhận thức cho nông dân, để người nông dân không đứng bên lề sự phát triển của nông nghiệp và đất nước, cũng như giúp họ thích nghi với những thách thức và khó khăn mỗi ngày một xuất hiện nhiều hơn trong sản xuất và đời sống.

 



Nguồn: TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường