Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khủng hoảng tài chính thách thức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
20 | 11 | 2008
Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới và sau này, thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt chủ yếu thực tế không phải là ở tầng tài chính mà là ở mô hình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Nói một cách cụ thể, mô hình tăng trưởng kinh tế quá lệ thuộc vào nhu cầu bên ngoài, quá lệ thuộc vào đầu tư khó có khả năng duy trì.
Trong lúc này, chỉ tung ra các chính sách vĩ mô là không đủ mà cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển sang tiêu dùng nội địa. Về mặt kết cấu kinh tế, điều đó đồng nghĩa với việc chuyển hướng từ ngành công nghiệp chế tạo sang ngành dịch vụ.

Muốn chuyển hướng sang tiêu dùng, phải làm cách nào? Chủ nghĩa Keynes truyền thống không phải không đắc dụng. Phương thuốc của chủ nghĩa Keynes truyền thống là tăng chi chính phủ trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Nhưng vấn đề của Trung Quốc không thể chỉ cần tăng chi chính phủ là giải quyết được mà cần kích thích tiêu dùng trong nước, để người dân tích cực chi tiền hơn.

Muốn người dân tích cực chi tiền tiêu dùng, trước hết phải để người dân có thu nhập cao hơn, về chính sách cần giảm thuế cho cả doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai cần cải thiện phân phối thu nhập, tăng tài sản và nguồn thu của người dân. Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 đã nêu ra một phương hướng đáng chú ý đó là “tăng thu nhập có tính tài sản của người dân”. Muốn tăng thu nhập này, trước tiên phải tăng tài sản của người dân, và trong số đó, 500 triệu nông dân Trung Quốc là đối tượng đầu tiên cần tăng tài sản. Hội nghị Trung ương 3 khoá 17 ĐCS Trung Quốc đã tiến hành một số điều chỉnh trong chính sách như kéo dài thời hạn giao khoán đất, đây là một cải cách lớn trong chế độ ruộng đất nhưng chỉ riêng việc này thôi không đủ, nông dân còn chưa có tài sản ruộng đất, trong tương lai còn cần thực hiện những quyền lợi về đất đai cho nông dân.

Thứ ba, muốn kích thích tiêu dùng cần hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội. Nếu chính phủ tăng chi ngân sách không nên tiếp tục sửa đường xây cầu mà cần chi tiền để “sạc pin” cho hệ thống bảo hiểm xã hội, giải toả nỗi lo cho tương lai của người dân để người dân yên tâm tiêu dùng.

Dựa vào tiêu dùng để lôi kéo kinh tế tăng trưởng sẽ vấp phải một vấn đề thực tế lớn, tăng trưởng tiêu dùng không thể cao như đầu tư. Nhu cầu tiêu dùng của người dân bị ràng buộc bởi thu nhập, không thể có mức tăng trưởng hảng năm tới 20% như tăng trưởng đầu tư. Số liệu thống kê cho thấy, mức tăng trưởng bình quân của tiêu dùng nội địa Trung Quốc nằm trong khoảng 10% đến 12%, chỉ là một nửa so với mức tăng trưởng trên 20% của đầu tư. Vậy nên, nếu dựa vào tiêu dùng để lôi kéo kinh tế tăng trưởng thì mức tăng trưởng GDP khó tránh khỏi bị hạ thấp. Một khi GDP giảm sút, kinh tế Trung Quốc bước vào thời đại tăng trưởng bậc trung thì vấn đề việc làm sẽ khó lòng giải quyết được. Nhưng vì sao với Trung Quốc, mức tăng GDP xuống dưới 10% là nước này đã thấy “khó ở”, gần như khó lòng giải quyết vấn đề việc làm trong khi ở phần lớn các nước phát triển, mức tăng GDP từ 2-3% là đã đủ bảo đảm việc làm và ổn định xã hội? Nguyên nhân là bởi kết cầu kinh tế Trung Quốc mất cân bằng từ lâu nay. Một thời gian dài lệ thuộc vào đầu tư và thị trường bên ngoài khiến ngành sản xuất của Trung Quốc quá tập trung vào nhóm ngành chế tạo. Ngành chế tạo là loại hình sản xuất tập trung nhiều vốn, năng lực tạo việc làm tương đối thấp. Hiện ngành chế tạo của Trung Quốc chiếm tới trên 50% GDP của Trung Quốc nhưng nó chỉ đem lại tỷ lệ người lao động trên dân số là 25%. Do vậy, nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ ngành chế tạo tập trung vốn sang ngành dịch vụ tập trung nhiều lao động là một thách thức lớn nữa của Trung Quốc.

Dựa vào dịch vụ để tạo mới cơ hội việc làm thì có thể không cần tới mức tăng trưởng GDP 10%, chỉ cần 5% cũng có thể thực hiện tạo đủ việc làm, duy trì ổn định xã hội.

Xoá bỏ nút thắt quản lý, phát triển dịch vụ

Chính sách kinh tế vĩ mô Trung Quốc gần đây có rất nhiều sách lược mới xuất hiện, chính sách tiền tệ à chính sách tài chính đều đang được nới lỏng. Trong tình hình kinh tế này, sử dụng chính sách tài chính và chính sách tiền tệ mang tính kích thích là điều cần thiết nhưng nếu chỉ dựa vào các chính sách vĩ mô mang tính kích thích thì không thể giải quyết được vấn đề về điều chỉnh kết cấu kinh tế. Chuyển biến trong mô hình tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải tiếp tục cải cách kinh tế. Từ đầu tư sang tiêu dùng, phải dựa vào cải cách thể chế. Từ chế tạo sang dịch vụ càng cần phải cải cách thể chế.

Tại sao ngành dịch vụ của Trung Quốc lại tụt hậu? Là do tằm tự đóng kén, bị quản lý quá chặt. Các ngành dịch vụ quan trọng trong nước từ dịch vụ tài chính, giao thông vận tải tới y tế, văn hoá giáo dục, giải trí không đâu không nằm trong sự quản lý nghiêm ngặt của chính phủ, tường cao hào sâu, tài nguyên khó lòng thâm nhập một cách tự do. Sự nghiêm ngặt trong mức độ quản lý của chính phủ đối với ngành dịch vụ tài chính có thể nói là ở mức cao nhất thế giới. Gần đây có ban ngành chính phủ còn cho rằng, “Trung Quốc cần tăng cường giám sát để ứng phó với khủng hoảng tài chính quốc tế”. Nói dễ làm mới khó, bởi sự quản lý của chính phủ đã ở mức đỉnh điểm, không thể nào tăng thêm được nữa. Hiện nay các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu phải xin phép, phát hành trái khoán phải có hạn ngạch, phát hành quỹ phải có giấy phép liên ngành, tổ chức tài chính mở một bộ phận kinh doanh, một cơ sở dự trữ cũng phải xin phép cấp trên. Quản lý rủi ro của ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán hay chỉ định các chức vụ quản lý cấp cao cũng phải xin phép. Còn có mức độ giám sát nào cao hơn thế?

Thực tế, quản lý quá mức đã ngăn trở sự phát triển của ngành tài chính. Nếu nới lỏng quản lý sẽ có thể tạo ra một khối lượng lớn việc làm. Hiện trên 80% các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc không có dịch vụ tài chính, 500 triệu nông dân Trung Quốc về cơ bản cũng không có dịch vụ tài chính, đó đều là hậu quả tai hại của việc quản lý quá mức. Để thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế Trung Quốc nhất định phải nới lỏng và xoá bỏ nút thắt trong quản lý.


Thành phố Thượng Hải - Trung Quốc



Sau khủng hoảng tài chính Mỹ, người ta đều nói tới sự thiếu sót trong giám sát. Quả thực có nhiều chỗ đáng xem xét lại ví dụ ngân hàng đầu tư có nên có yêu cầu về tỷ lệ đủ vốn bắt buộc, quỹ phòng hộ có nên phải công bố các thông tin cơ bản và có sự giám sát cơ bản. Nhưng ở trong Trung Quốc, tính chất của vấn đề lại không như vậy. Người ta vẫn lấy danh là giám sát nhưng thực thế là quản lý. Để các nguồn tài nguyên lưu chuyển rộng rãi tự do hơn trong các ngành nghề, tự do hơn để lưu chuyển từ ngành chế tạo sang ngành dịch vụ cần phải xoá bỏ nút thắt quản lý. Nếu không thể xoá bỏ trong thời gian này, tình thế tất sẽ đem đến nhiều khó khăn cho chuyển đối mô hình kinh tế.

Sự điều chỉnh trong chu kỳ kinh tế này nên theo mô hình “U”, có nghĩa là, kinh tế có thể tạm dừng trong một thời gian dài ở mức độ thấp sau đó tiếp tục cất cánh. Có thể tạm dừng bao lâu ở đáy trong mô hình chữ “U”, điều này được quyết định bởi tốc độ tiến triển của cải cách thể chế kinh tế. Cải cách kinh tế được đẩy càng nhanh, giải toả vấn đề quản lý càng triệt để thì thời gian ở đáy của chữ U càng ngắn. Nếu cải cách tụt hậu thì tất yếu sẽ kéo dài thời gian điều chỉnh.

Nhưng vì sao lại là mô hình chữ “U” mà không phải là chữ “L”? Bởi tương lai đối với kinh tế Trung Quốc vẫn rất lạc quan. Nhật Bản cho đến hiện này vẫn là chữ “L” còn châu Âu có thể sẽ là “V”, nhưng Trung Quốc sẽ là “U”. Tiềm lực phát triển lâu dài của kinh tế Trung Quốc vẫn còn sáng sủa nhưng trước hết cần phải qua được cửa ải chuyển đổi mô hình hiện nay. Sau khi chuyển đổi thành công, Trung Quốc có thể thấy được một vòng mới của chu kỳ tăng trưởng kinh tế: tăng trưởng sẽ không quá cao bởi dựa vào lực đẩy tiêu dùng nhưng tăng trưởng là bền vững với việc làm đầy đủ.



Nguồn: vietimes.vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường