Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc thoát hiểm khủng hoảng bằng cách nào?
30 | 12 | 2008
Trung Quốc xác định giải pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế cùng đẩy mạnh cải cách, điều chỉnh phương thức phát triển.

Cứ xem cách thức các nước ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính hiện nay, có thể thấy trí tuệ, tầm vóc và phong cách của ban lãnh đạo, cũng như tiềm lực của quốc gia đó.

Đúng vào dịp Trung Quốc kỷ niệm 30 năm tiến hành cải cách mở cửa với những thành tựu huy hoàng, nền kinh tế nước này chịu sự va quệt dữ dội của “sao chổi” đại khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Không riêng Trung Quốc, không quốc gia nào nằm ngoài vòng xoáy của cuộc khủng hoảng này. “Công xưởng thế giới” càng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thị trường thế giới. Dự tính, khoảng 80.000 xí nghiệp ở Quảng Đông, trái tim  công nghiệp Trung Hoa, đóng cửa trong ba năm tới. Theo dự báo mới nhất của IMF, GDP của Trung Quốc có thể rớt xuống 5-6% vào năm 2009. Chính phủ Trung Quốc lo ngại, 670.000 doanh nghiệp nhỏ đóng cửa dẫn tới 7 triệu người mất việc làm.

Báo La Repubblica (Italia) nhận xét, “mỗi ngày hàng đoàn tàu chở công nhân vừa bị sa thải khỏi nhà máy trở về quê, nơi họ đã ra đi. Phải chăng bắt đầu cuộc "hồi hương" lớn trong lịch sử Trung Quốc? Với những người trở về quê cũ, giấc mơ Trung Hoa như thế là kết thúc... Sẽ có không dưới 20 triệu người mất việc”.

Dư luận quốc tế quan ngại trước khó khăn mà chính phủ Trung Quốc trải qua trong việc duy trì ổn định đời sống của 1,3 tỷ dân. Một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc còn khuyến nghị chính quyền Obama nên lên phương án dự phòng trong trường hợp tình hình ở Trung Quốc phát triển vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của Bắc Kinh.

Nhưng, chớ nên quên rằng, cuộc cải cách bắt đầu năm 1978 từ tình trạng khó khăn như thế nào.  Sau mười năm Cách mạng văn hóa 1966-1976, Trung Quốc đã kiệt quệ. Đất nước bị đẩy tới bờ vực của suy sụp kinh tế. Thế mà, sau 30 năm cải cách, một đất nước nghèo nàn lạc hậu đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hội nghị Kinh tế Trung ương Trung Quốc, họp ngày 8-10/12/2008, có tầm quan trọng đặc biệt trong tình hình kinh tế Trung Quốc chịu tác động nghiêm trọng của khủng hoảng thế giới. Hội nghị đã đề ra biện pháp khắc phục khủng hoảng đồng thời với việc xác định phương hướng phát triển đất nước giai đoạn tiếp theo.

Theo đánh giá của Hội nghị này, 2008 là một năm rất không bình thường. Trung Quốc liên tiếp trải qua những thách thức to lớn khó bề dự liệu, hiếm có trong lịch sử. Nhưng đó là các khó khăn và thách thức trên đường tiến lên. Trung Quốc đã tích lũy được cơ sở vật chất hùng hậu, thực lực kinh tế, sức mạnh tổng hợp quốc gia, năng lực đề kháng rủi ro được tăng cường rõ rệt.

Ngày 26/12/2008, Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tập huấn để thống nhất quan điểm trong ban lãnh đạo Đảng về phương hướng giải quyết cuộc khủng hoảng. Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào xác định tiếp tục thúc đẩy cải cách, giải quyết các xung đột và vấn đề nảy sinh  thông qua cải cách để phát triển, làm cho đất nước thích nghi với thực tiễn mới, xây dựng một hệ thống cởi mở, hiệu quả và năng động  hơn, nhằm phát triển một cách khoa học.

Khắc phục khủng hoảng cùng với đẩy mạnh cải cách cơ cấu

Ban lãnh đạo Bắc Kinh đã nhanh chóng xác định được chiến lược và đối sách đối với tình hình mới, biến thách thức thành thời cơ thúc đẩy cải cách mở cửa vào giai đoạn mới. Ở điều kiện bình thường, với tầng tầng lớp lớp cơ chế từ trung ương xuống địa phương, không dễ dàng thực hiện những thay đổi mạnh mẽ và sâu rộng. Khủng hoảng là thời điểm để đẩy mạnh cải cách, chuyển đổi phương thức phát triển và điều chỉnh có tính chiến lược cơ cấu kinh tế, tạo cơ sở cho quá trình phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Đây là bước chuyển biến quan trọng sang xác lập mô hình phát triển mới, với cơ cấu kinh tế phù hợp với thực tiễn mới của tình hình hậu khủng hoảng trong nước và quốc tế. Từ tầm nhìn toàn diện, tiền rót vào cứu trợ nền kinh tế trước mắt, cũng tính tới thực hiẹn các mục tiêu dài hạn.

Để giải quyết song song hai nhiệm vụ trọng tâm hiện nay, ban lãnh đạo Trung Quốc xác định rằng, tri thức, khoa học và công nghệ có vai trò to lớn tạo ra tác động dài hạn. Nhấn mạnh vai trò động lực của khoa học công nghệ và đòi hỏi các nhà khoa học giúp các doanh nghiệp nội địa giải quyết khó khăn, cải tiến quản lý, phát triển sản phẩm mới và tạo ra công nghệ mới. Chủ trương ưu tiên đầu tư và phát triển mọi tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ sản xuất là nhằm tạo ra sự phát triển chất lượng của nền kinh tế.

Một trọng tâm khác là phát huy mạnh mẽ vai trò các doanh nghiệp tư nhân. Nhiệm vụ của thành phần kinh tế này là tiếp tục thực hiện chiến  lược “vươn ra toàn cầu” và mở rộng thị trường quốc tế, đồng thời chia sẻ trách nhiệm tạo việc làm trong nước và giúp nền kinh tế đạt được sự  phát triển lành mạnh. Đây là một phần của cách tiếp cận mới, tiếp thu bài học khủng hoảng hiện nay, nhằm tiếp tục mở cửa và mở rộng thị trường thế giới, nhưng không để bị phụ thuộc quá mức vào thị trường thế giới, chú trọng phát triển thị trường nội địa.

Nhiệm vụ bây giờ là ổn định lòng dân. Ban lãnh đạo Bắc Kinh đẩy mạnh chống tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương công bố, năm 2008, xử lý 144.000 sự vụ khác nhau với 151.000 quan chức bị kỷ luật, thu hồi thất thoát kinh tế trên 6 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 889,6 triệu USD). Các quan chức liên quan vụ melamine bị xử lý nghiêm khắc trước pháp luật, cho các xí nghiệp phá sản hoặc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân vụ sữa bột pha chất độc hại.

Thách thức rất nghiêm trọng, khó khăn còn nhiều với tình hình có những mặt khó lường, nhưng các biện pháp quyết đoán, kịp thời, phù hợp với tình hình mới đã đặt đoàn tàu phát triển của Trung Hoa vào con đường lớn cải cách mở cửa sang giai đoạn mới.

Vẫn cần thời gian để các giải pháp mà lãnh đạo Trung Quốc đề ra phát huy hiệu lực. Nhưng ở thời điểm biến động hiện nay, rất ít quốc gia từ trong khủng hoảng đã sớm xác định được lối ra, bằng cách tiếp cận mới mạch lạc, có tầm nhìn và một chiến lược hướng về phía trước như vậy.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường