Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Miễn thuỷ lợi phí, một năm nhìn lại: Địa phương nghe ngóng... Trung ương
29 | 12 | 2008
Mới đây, liên Bộ NN- PTNT, Tài chính đã họp nhìn lại 1 năm thực hiện Nghị định 154 trong đó có quy định việc miễn thuỷ lợi phí…

Năm 2008, ngân sách TƯ đã cân đối 1.000 tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương cấp kinh phí cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi (QLKTCTTL).

Báo cáo của các địa phương cho thấy, nhìn chung chính sách miễn thuỷ lợi phí được ban hành đã đáp ứng nguyện vọng của nông dân, giúp họ giảm bớt một phần chi phí sản xuất, có điều kiện đầu tư, cải thiện thu nhập. Nhiều địa phương với số thuỷ lợi phí được cấp bù đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức QLKTCTTL hoạt động, cứu được nhiều Cty thuỷ nông "thoát chết". Đến nay, các tỉnh đã và đang tiến hành thống kê diện tích được miễn thuỷ lợi phí theo quy định để trình Chủ tịch UBND tỉnh, một số ít địa phương đã thực hiện xong nhưng vẫn còn nhiều tỉnh đang dang dở.

Thực tế đã xuất hiện hiện tượng thống kê diện tích chồng lấn giữa vùng phục vụ của các DN QLKTCTTL và các tổ chức hợp tác dùng nước. So với kết quả năm 2006, 2007, đa số diện tích tưới của các tỉnh đã tăng lên do việc…giấu diện tích trước kia. Đây cũng là một nguyên nhân làm yêu cầu kinh phí cấp bù tăng lên đáng kể. Nhiều ý kiến đã chỉ ra một loạt những cái vướng trong việc triển khai Nghị định 154 như: Đối với phần đất nông nghiệp của các nông trường và các BQL rừng phòng hộ, các Cty, trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống thuỷ sản (đã được giao khoán cho công nhân) chiếu theo quy định không được miễn thuỷ lợi phí, tuy nhiên thực tế các hộ này nhận khoán như các hộ nông dân, nếu phải đóng thủy lợi phí sẽ rất thiệt thòi. Nhiều tỉnh không có đơn vị tổ chức QLKTCTTL đã không được hưởng chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí như Bắc Kạn, Cà Mau, Hà Giang…mặc dù người dân đủ điều kiện để hưởng.

Thứ trưởng Đào Xuân Học: “Tiền chi cho QLKTCTTL một năm cũng ngót 7.000 tỉ. Đó là sự đầu tư cao của nhà nước, nếu chúng ta không làm tốt thì đến 10-15 năm nữa cũng không có cơ hội làm lại. Cần quan tâm đến cơ chế chính sách, đẩy mạnh việc đặt hàng, đấu thầu quản lý kể cả khoán cho tư nhân quản lý công trình để tiết kiệm và tạo điều kiện để tăng thu nhập cho cán bộ…đồng thời phải phân cấp quản lý xuống cơ sở nhiều hơn nữa” .

Mức thuỷ lợi phí để cấp bù theo thông tư số 26, việc xác định kinh phí để thực hiện miễn thu thuỷ lợi phí dựa trên cơ sở quyết định mức thu thuỷ lợi phí của địa phương đang áp dụng theo Nghị định 143 hoặc nếu chưa áp dụng thì UBND tỉnh ban hành quyết định mới theo quy định của Nghị định này…Như vậy, địa phương quy định mức cao thì ngân sách địa phương phải chi ít và được ngân sách TƯ hỗ trợ nhiều. Ngược lại địa phương (thường là các tỉnh nghèo) quy định mức thu thấp được ngân sách TƯ hỗ trợ ít, ngân sách địa phương phải chi nhiều. Mặt khác mặt bằng thu thuỷ lợi phí của các địa phương đang ở mức thấp nên chưa đảm bảo kinh phí để chi cho các đơn vị thuỷ nông duy tu, bảo dưỡng công trình.

Nhiều địa phương, ngoài kinh phí từ nguồn thu thuỷ lợi phí từ ngân sách TƯ, tỉnh không thực hiện cấp bù đối với hoạt động công ích trong lĩnh vực tưới tiêu cho các DN khai thác nên nhiều chế độ, chính sách của công nhân thuỷ nông không được đáp ứng đầy đủ. Có nơi còn “nghe ngóng” xem việc cấp kinh phí từ TƯ thế nào địa phương mới cấp tiếp nên việc cấp từ TƯ thấp, nguồn bù công ích từ chính quyền địa phương không có hoặc rất ít như ở Phú Thọ, Ninh Thuận…Việc thông tư 26 quy định mức cấp bù được khống chế theo mức thu của năm 2007 làm các đơn vị khai thác khó khăn. Hơn thế, một số địa phương chỉ được cấp bù theo đúng số kinh phí thực thu của năm 2007 mà không bao gồm số thuỷ lợi phí của các tổ chức hợp tác dùng nước nên nhiều thiệt thòi như ở Bắc Giang, Hà Tĩnh, Trà Vinh…

Rõ ràng một chính sách ưu việt như miễn giảm thuỷ lợi phí nhưng sau 1 năm triển khai lại vấp phải khá nhiều khó khăn. Vì thế để triển khai Nghị định 115 của Chính phủ, Bộ NN- PTNT khuyến cáo: Tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu họ vẫn phải đóng một phần kinh phí để góp phần duy tu bảo dưỡng, vận hành và nạo vét hệ thống công trình thuỷ lợi, kênh mương nội đồng; Các đơn vị quản lý, khai thác thực hiện tổ chức lại sản xuất, tinh giản biên chế, đẩy mạnh khoán quản lý, lập kế hoạch sản xuất và tài chính rõ ràng…



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường