Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thuỷ lợi phí, nhiều nơi miễn trên…giấy
22 | 05 | 2008
Ngày 15/10/2007, Chính phủ ban hành Nghị định 154/2007/NĐ-CP miễn thuỷ lợi phí cho nông dân. Ở ĐBSH gánh nặng thuỷ lợi phí của nông dân đã được nhiều tỉnh “giải phóng” được 2-3 vụ, nhưng lại còn không ít tỉnh, chính sách miễn thuỷ lợi phí vẫn còn nằm trên… giấy!
I. Nông dân mỏi cổ chờ

Là tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp ở ĐBSH, nhưng cho đến thời điểm này nông dân Hải Dương vẫn chưa được miễn thuỷ lợi phí. Người dân bức xúc vì bị đơn vị cấp nước gây khó khăn còn các cơ quan chức năng từ xã lên đến tỉnh thì đổ lỗi cho nhau…

Bức xúc

“Ngay sau khi có quyết định của Chính phủ, vụ mùa năm 2007, gánh nặng thuỷ lợi phí chiếm tới 70% các khoản đóng góp của nông dân Hưng Yên - địa phương liền kề với chúng tôi đã được nhà nước miễn hoàn toàn. Trong khi đó chúng tôi vẫn phải đóng tiền thuỷ lợi phí. Thấy không bình thường, chúng tôi lên hỏi xã, xã bảo chờ huyện. Hỏi huyện, huyện trả lời chính sách của nhà nước là chung, nhưng bên Hưng Yên họ thực hiện trước, ở Hải Dương cho đến nay huyện chưa nhận được quyết định nào của tỉnh về việc này cả. Vì thế bà con cứ về đóng thuỷ lợi phí để người ta cấp nước phục vụ cày cấy, khi nào tỉnh có quyết định hãng hay. Nhưng chúng tôi chờ đến tận bây giờ, vẫn chưa thấy tỉnh có quyết định nào cả”- ông Vũ Văn Đoàn, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang bức xúc.

Ông Mô, đại diện HTX Bình Xuyên cho biết: “Hiện nay HTX đang nợ đầm đìa. Tiền điện, tiền nước, tiền trả lương nông giang…thì vẫn phải chi mà lại không thể thu thuỷ lợi phí của dân.” Tại huyện Thanh Miện, huyện nghèo nhất Hải Dương, các hộ nghèo nơi đây là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Giá cả gia tăng, nếu quy thuỷ lợi phí ra thóc mà dân vẫn phải đóng góp thì sẽ không còn thóc mà ăn”, một người dân nói.

"Chính sách miễn thuỷ lợi phí của nhà nước đã được nông dân đón nhận rất hồ hởi. Họ đã bớt đi được một gánh nặng không nhỏ, để hạt thóc làm ra đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng thực tế đang diễn ra tại Hải Dương cho thấy, chính sách ưu việt thế, nhưng chỉ đẹp trên giấy, còn vào được cuộc sống của nông dân không dễ chút nào"

Chưa được miễn thuỷ lợi phí, người dân đã chịu thiệt thòi hơn các nơi khác. Nhưng chưa hết, các đơn vị cấp nước cũng không có tiền hoạt động nên việc cung cấp nước cũng chểnh mảng, nhiều vùng dân phải đối mặt với các khó khăn về nước tưới, nơi thì nước về chậm, nơi thì nước về ít.

Ông Trần Văn Quý - Trưởng phòng NN-PTNT Cẩm Giàng cho biết: “Cho đến tận thời điểm này, tư tưởng chung của cả chúng tôi lẫn nông dân là chờ đợi được miễn thuỷ lợi phí. Nhưng các đơn vị cung cấp nước họ bảo không có tiền thuỷ lợi phí trong khi nhà nước lại chưa cấp bù theo quy định của Chính phủ thì họ khó duy trì hoạt động. Tiền điện, tiền lương công nhân, lấy đâu ra mà trả? Vì thế trong thời gian qua, một số đơn vị cung cấp nước theo kiểu nhỏ giọt, làm ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân.”

PCT UBND huyện Cẩm Giàng Trần Duy Giới cho rằng, việc ở một số nơi đơn vị cấp nước cấp nước không kịp thời phục vụ sản xuất của nông dân là do tỉnh triển khai việc hướng dẫn chậm. Chính sách có rồi, tỉnh triển khai xuống thì cơ sở sẽ thực hiện. Ông Vũ Quang Sang - PCT UBND huyện Bình Giang cũng khẳng định: “Việc triển khai miễn thuỷ lợi phí chậm là nguyên nhân dẫn đến việc cấp nước ở một số nơi không đảm bảo, ảnh hướng đến sản xuất của nhân dân.”

"Thủ tục hành chính rườm ra quá!"

Trao đổi với NNVN, lãnh đạo một số huyện và xã ở Hải Dương đều cho rằng, đến tận thời điểm này chưa thực hiện miễn thuỷ lợi phí cho dân, làm ảnh hưởng đến việc cấp nước và nông dân bức xúc là lỗi tại tỉnh chứ không phải tại huyện. Và, họ đặt câu hỏi: Tại sao một tỉnh đi đầu về sản xuất nông nghiệp và là tỉnh khá về công nghiệp, thu ngân sách 3.000 tỷ/năm mà lại khó thực hiện đến như thế? Chính sách muốn xuống được đến dân, đi vào đời sống thì trách nhiệm ấy đương nhiên thuộc các cấp chính quyền địa phương chứ chẳng phải thuộc Chính phủ.

Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương Nguyễn Hữu Dương thì lại cho rằng: “Việc chậm thực hiện chính sách miễn thuỷ lợi phí, làm dân bức xúc lỗi không phải do Sở. Chúng tôi đã làm đề án miễn thuỷ lợi phí từ rất sớm, báo các tỉnh từ năm 2007 và dự định sẽ thực hiện việc miễn giảm thuỷ lợi phí cho nông dân ngay vụ mùa năm 2007 như tỉnh Hưng Yên nhưng do tỉnh không cân đối được ngân sách nên phải để đến năm 2008. Sau đó, trong quá trình thực hiện thì lại mất quá nhiều thời gian do thủ tục hành chính của mình nó quá rườm rà. Ngoài ra, chúng tôi lại phải chờ TƯ hướng dẫn. Nên mãi vừa mới đây chúng tôi mới trình được Thường trực HĐND thông qua.”

Năm 2008, ngân sách TƯ và tỉnh Hải Dương dự trù cấp bù cho miễn thuỷ lợi phí là trên 105,9 tỷ đồng. Trong đó ngân sách TƯ 48,8 tỷ, ngân sách tỉnh 57,1 tỷ. Được biết, dù 1 năm Hải Dương thu ngân sách 3.000 tỷ đồng nhưng lại là 1 trong tổng số 54 tỉnh, TP trong cả nước không cân đối được ngân sách chi cho miễn thuỷ lợi phí nên TƯ vẫn phải cấp bù cho các đơn vị thuỷ lợi.


Như vậy là, trách nhiệm thực hiện chính sách miễn thuỷ lợi phí chậm được đẩy từ cán bộ nông giang của HTX lên đến tận tỉnh. Tỉnh lại cho rằng chậm là do… TƯ hướng dẫn chậm.

Ông Nguyễn Hữu Dương khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng, bắt đầu từ tháng 7/2008 sẽ thực hiện việc miễn thuỷ lợi phí cho nông dân bằng việc cấp bù gần 37 tỷ đồng cho 344 HTXNN hoạt động dịch vụ dẫn nước cho dân. Nếu đến tháng 7 này mà không thực hiện được thì tình hình sẽ rất phức tạp. Mặc dù đến thời điểm này chưa thực hiện miễn thuỷ lợi phí cho dân nhưng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước vẫn cấp đủ nước để dân sản xuất và không được thu tiền thuỷ lợi phí của dân. Nếu nơi nào không cấp đủ, nơi nào vẫn thu tiền của dân là không đúng với chỉ đạo chung" (Còn nữa)

--------------

Tin liên quan

>> Chính sách cho nông dân - Từ văn bản đến thực tiễn
>> Bài 2: Toát mồ hôi vay vốn làm trang trại

Vũ Minh Việt - Nông nghiệp Việt Nam

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường