Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Năm giải pháp cho nông nghiệp
30 | 12 | 2008
Quan trọng là thực hiện an sinh xã hội với đồng bào nghèo và công nhân trực tiếp lao động .

Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2009 của Bộ NN&PTNT hôm qua (29-12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự báo ngành nông nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Càng được mùa càng lo

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết cả năm 2008 giá trị tăng thêm về nông, lâm, thủy sản đạt mức 3,8% (năm 2007 đạt 3,4%); diện tích gieo trồng lúa tăng 200 ngàn ha, sản lượng tăng 2,7 triệu tấn so với năm 2007; đã giải ngân 100% vốn trái phiếu chính phủ (khoảng 3.000 tỷ đồng). Dự báo năm 2009 là năm được mùa, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt 12,5 tỷ USD...

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết nếu như sáu tháng đầu năm ngành lương thực bị thiếu hụt nghiêm trọng thì sáu tháng sau đã lật ngược tình thế. Thậm chí ngành lương thực đang lâm vào cuộc “khủng hoảng thừa” gạo. Đến thời điểm này đã ký hợp đồng xuất khẩu 5,1 triệu tấn gạo, đã xuất hơn 4,6 triệu tấn. Dự đoán năm 2009, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng sáu triệu tấn gạo. Tuy nhiên, cái khó là hiện nay tất cả sản phẩm nông sản của các nước trên thế giới cũng đều được mùa và đang tồn kho lượng lớn gạo. Nhiều nước nhập khẩu lớn đã tạm ngưng ký kết với Việt Nam trong năm tới.

Đừng say sưa với những con số

Phó Chủ tịch Hiệp hội suất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng nêu ví dụ về cá tra, đầu năm nói là thua lỗ nhưng cuối năm lại tăng 70% về sản lượng, 50% về giá trị xuất khẩu. “Đây là tăng không bình thường” - Phó Chủ tịch VASEP nhận định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá nhiều chỉ tiêu kế hoạch năm năm (2006-2010) nhưng đã đạt từ năm 2008, thậm chí giá trị xuất khẩu cũng vượt chỉ tiêu. Đây là công lớn của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân. “Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quá say sưa với những con số đã đạt được bởi năm 2009 ngành nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn bởi tăng trưởng kinh tế theo dự báo thấp hơn 6,2%” - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi mà hội nghị chưa làm rõ: Làm sao để các doanh nghiệp phát huy tối đa nội lực, tiềm năng? Làm gì để xử lý ô nhiễm môi trường, vệ sinh thực phẩm? Khi đã xác định lợi thế thì người nông dân làm gì, doanh nghiệp làm gì? Hay như đổi mới nông lâm, nông trường, nghe nhiều nhưng tới nay vẫn chưa ổn...

Trong những năm qua, sản phẩm nông nghiệp tăng và giá trị xuất khẩu cũng cao nhưng ngành nông nghiệp cũng phải dè chừng những rủi ro trong năm tới. Trong ảnh: Thu hoạch cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CTV

Năm giải pháp để tháo gỡ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra năm giải pháp và yêu cầu ngành nông nghiệp phải tập trung thực hiện.

Đó là duy trì sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ NN&PTNT phải giúp đỡ các hiệp hội, các doanh nghiệp, địa phương những việc làm cụ thể như miễn giảm thuế, hạ lãi suất. Bộ phải chỉ đạo và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho dự trữ, kho đông lạnh để có thể thu gom sản phẩm nông nghiệp chưa tiêu thụ để đảm bảo cuộc sống người nông dân luôn ổn định. Thủ tướng yêu cầu Bộ phải tìm cách giúp đỡ các doanh nghiệp huy động các nguồn lực để kích cầu vào đầu tư, tranh thủ nhập các thiết bị phục vụ sản xuất bởi hiện nay giá cả đang rẻ.

Quan trọng hơn cả là thực hiện an sinh xã hội với hai đối tượng chủ yếu là đồng bào nghèo và công nhân trực tiếp lao động. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phải có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo về y tế, giáo dục, vốn sản xuất. Bộ phải chủ động hạn chế tối đa thiệt hại từ thiên tai, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường. “Trong năm tới, Bộ NN&PTNT phải xây dựng hệ thống dự báo thống kê, nắm tình hình sản xuất ở các địa phương thật chính xác để kịp ứng phó khi tình hình kinh tế trên thế giới có biến động” - Thủ tướng chỉ đạo.

Quy hoạch sản xuất phải gắn với thị trường

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhận định: “Thời gian tới phải có sự phối hợp đồng bộ giữa hai bộ Công thương và NN&PTNT trong khâu quy hoạch sản xuất (lúa gạo, cao su...) với công tác thị trường nước ngoài và cơ chế xuất khẩu để giảm tác động tiêu cực của thị trường. Phải khắc phục yếu kém trong dự báo, giữa sản xuất và tiêu thụ, kể cả xuất khẩu để tăng trưởng bền vững. Phải hạn chế nhập khẩu thức ăn cho cá, gia súc để giảm nhập siêu, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu”.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường