Indra K. Nooyi sinh ngày 28/10/1955 tại Chennai (tên cũ là Madras, miền Nam Ấn Độ) trong một gia đình trung lưu, có cha là nhân viên Ngân hàng Nhà nước Hyderabad, mẹ làm nội trợ. Như phần đông người Ấn, gia đình Nooyi theo đạo Hindu. Indra Nooyi theo học ngành hóa học tại Cao đẳng Madras Christian và tốt nghiệp năm 1974. Sau đó, cô học thêm về quản trị kinh doanh tại Học viện Quản trị Ấn Độ ở thành phố Calcutta. Năm 1976, Nooyi hoàn tất khóa học và làm việc cho Tập đoàn Johnson & Johnson. Hai năm sau, cô quyết định sang Mỹ để lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Quản trị Yale. Năm 1980, Indra Nooyi tốt nghiệp thạc sĩ và làm việc cho Tập đoàn tư vấn Boston. Sau sáu năm cống hiến, cô chuyển sang Motorola, giữ vị trí phó giám đốc phát triển kế hoạch và chiến lược. Được một thời gian, Nooyi lại rời Motorola, sang Asea Brown Boveri - một trong những công ty năng lượng hàng đầu ở Mỹ.
Năm 1994, Indra Nooyi gia nhập Tập đoàn PepsiCo giữa lúc hãng này đang đối mặt với thất thoát tài chính lớn. Trong các năm 1996-1999, Nooyi giữ cương vị phó chủ tịch bộ phận phát triển chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc cải tổ và phát triển PepsiCo, hỗ trợ cho Chủ tịch tập đoàn lúc bấy giờ là Steve S. Reinemund. Năm 1997, bà đưa ra ý tưởng thành lập chuỗi nhà hàng Tricon (ngày nay được biết đến với tên gọi Yum!Brands) và hợp tác hoặc sang nhượng quyền sử dụng các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng như KFC, Pizza Hut, Taco Bell để thúc đẩy Pepsi trở thành thức uống chính trong các bữa ăn nhanh. Ý tưởng này đã đem lại kết quả ngoài mong đợi nên PepsiCo tiếp tục mở rộng thị trường sang ngành kinh doanh thực phẩm. Năm 1998, nhận thấy thị trường Mỹ đang có xu hướng chuộng các thực phẩm chứa ít calorie, Nooyi đề xuất chiến lược hạn chế sản xuất loại nước ngọt có gas cho dù lúc đó nó đang là sản phẩm chính của Pepsi để chuyển hướng đầu tư vào thị trường thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Bà chịu trách nhiệm chính trong một quyết định thương mại quan trọng của PepsiCo: mua lại và sáp nhập hai nhãn hiệu thực phẩm nổi tiếng Quaker Oats (ngũ cốc) và Tropicana (nước trái cây) với giá hàng chục tỉ USD. Nooyi đã đúng và chiến lược này của bà đưa PepsiCo trở thành một trong những công ty sản xuất thực phẩm hàng đầu tại Mỹ. Từ năm 2000, Nooyi trở thành Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tài chính của PepsiCo. Dưới sự lãnh đạo của bà, doanh thu hàng năm tăng được 72%, lợi nhuận đạt 5,6 tỉ USD. Năm 2006, Nooyi trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành PepsiCo. Từ đó, bà tập trung mở rộng thị trường sang các nước Trung Đông, Trung Quốc và quê hương Ấn Độ. Hiện nay, PepsiCo đang vững vàng tiến tới vị trí hàng đầu ngành công nghệ thực phẩm dinh dưỡng theo như kế hoạch bà đã vạch ra.
Indra Krishnamurthy Nooyi - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn PepsiCo
Từ kinh nghiệm của bản thân, Indra Nooyi chia sẻ với các nhà khởi nghiệp các bí quyết thành công của mình như sau:
Biết chế ngự cảm xúc
“Để thành công trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thực sự tin vào một tương lai tài chính sáng sủa. Không nên chỉ để cảm xúc dẫn dắt dù tình huống có tồi tệ thế nào chăng nữa. Nói một cách đơn giản, nhà lãnh đạo phải biết khi nào nên “đi vào” và thời điểm nào phải “nhảy ra”, dù có thể quyết định đó làm bạn đau lòng” - Indra Nooyi chia sẻ như thế trong một lần phỏng vấn với tạp chí Wharton.
Rèn luyện tính kiên định
“Nhà lãnh đạo cần thể hiện sự kiên định, dù cho có lúc nó khiến bạn cảm thấy mình đơn thương độc mã” - Nooyi khẳng định - “Khi PepsiCo tiến hành cuộc bỏ phiếu về việc mua lại Tropicana, có đến 20 phiếu không đồng ý và vỏn vẹn chỉ năm phiếu chấp nhận chiến lược này, nhưng điều đó không thể khiến tôi bỏ cuộc. Quyết định cuối cùng thường theo ý kiến đa số, song thực tế cho thấy cách làm đó không phải luôn luôn là giải pháp tốt nhất”.
Có năng lực xử lý khủng hoảng
“Xử lý khủng hoảng là một kỹ năng cơ bản của bất cứ nhà lãnh đạo nào - giống như người thuyền trưởng biết điểu khiển con tàu đi đúng hướng và luôn biết phải làm gì khi sóng to gió lớn” - Indra Nooyi lý giải. Bà còn cho biết chìa khóa giúp PepsiCo thoát khỏi khủng hoảng tài chính (mất 800 triệu USD năm 1996) rồi vươn lên thành công là nhờ triển khai các chiến lược truyền thông tức thời, hiệu quả.
Tìm được cơ hội lớn từ những điều nhỏ nhặt
“Thật thú vị khi phát hiện ra những cơ hội lớn thường thu mình trong hàng tỉ thứ nho nhỏ. Không phải thành công vĩ đại nào cũng bắt đầu với một cơ hội lớn. Thế giới ngày nay có hàng ngàn vấn đề để chúng ta nắm bắt cơ hội cho riêng mình” - Indra Nooyi đúc kết.
Luôn xác định được mục tiêu cho ngày mai
Ngày nay PepsiCo đạt đến lợi nhuận đáng ngưỡng mộ với gần 25 tỉ USD, xếp hạng thứ tư trong ngành giải khát và thực phẩm thế giới. Sự thăng tiến mạnh mẽ của PepsiCo có thể đáng kinh ngạc với giới truyền thông, nhưng với Nooyi thì đó mới chỉ là thành công hiện tại và bà còn phải cố gắng nâng cao hơn nữa vị thế của PepsiCo trong tương lai.