Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp thiếu vốn để phát triển
06 | 08 | 2008
Khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam chiếm hơn 70% dân số nhưng chỉ chiếm 17% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của hệ thống tổ chức tín dụng. Kinh tế thị trường phát triển, nông nghiệp, nông thôn và người nông dân càng khó có cơ hội tiếp cận với các nguồn tài chính - tín dụng.
Nguồn tài chính không tương xứng

Theo các số liệu chưa đầy đủ thì trong 5 năm (2003-2007), Việt Nam đầu tư cho phát triển nông nghiệp (NN) chỉ đạt 113 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,7% vốn đầu tư Nhà nước và mới chỉ đáp ứng 17% nhu cầu của khu vực NN. Bảo hộ NN mới chỉ ở mức 4% (260 triệu USD) trong khi cam kết với WTO là 10% (650 triệu USD) so với giá trị sản lượng nông nghiệp.

Đầu tư cho khuyến nông chỉ là 0,13% GDP (trong khi các nước khác tỷ lệ này là 4%). Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào NN, nông thôn mới chiếm 3% tổng nguồn FDI… Là khu vực sinh lời thấp, chi phí cao, nhiều rủi ro khách quan (thiên tai, dịch bệnh, khả năng trả nợ của khách hàng thấp…) nên luồng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn thương mại không đổ vào nhiều.

Ước tính đến tháng 6/2008, dư nợ cho vay đối với hộ sản xuất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NHNo&PTNT) và hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân, cộng với vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt khoảng 181.500 tỷ đồng, số dư nợ này chỉ chiếm khoảng 17% tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Một ví dụ về sự đầu tư không tương xứng với đóng góp của nông dân, nông nghiệp là khu vực nông thôn TP Hà Nội (trước ngày 1/8/2008) có khoảng 1,2 triệu dân sinh sống, chiếm 35% tổng số dân TP Hà Nội nhưng khu vực này chỉ chiếm 2,6% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Thu hoạch cá tra tại ĐBSCL (Ảnh minh họa)

Nguồn vốn đã ít mà theo phản ánh của một số tổ chức tín dụng thì việc phân bổ vốn cho nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Ví dụ: Vốn của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu để thực hiện các chương trình, dự án dài hạn.
Cơ cấu dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng theo vùng kinh tế như sau: Vùng Đông Nam Bộ chiếm 42%; vùng Đồng bằng sông Hồng 29%; Đồng bằng sông Cửu Long 10%; vùng Duyên hải miền Trung 7%: Bắc Trung Bộ 4%; Đông Bắc Bộ 4%; Tây Nguyên 3%; Tây Bắc 1%.

Nguồn: Trung tâm Thông tin Tín dụng

Việc phân bổ vốn đầu tư còn mất cân đối và chưa hợp lý, thiếu trọng điểm, trọng tâm còn biểu hiện tình trạng ban phát; nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp - nông thôn có nhiều kênh đáp ứng cho nhiều đối tượng, nhưng chưa được phối hợp đồng bộ để đầu tư, sử dụng có hiệu quả mà còn trong tình trạng dàn trải, chồng chéo; do thiếu nguồn vốn giá rẻ nên lãi suất các khoản cho vay thương mại đối với nông nghiệp - nông thôn ở mức rất cao... Đây là một trong những lý do tại sao tình hình khu vực nông nghiệp VN chưa có những cải thiện mạnh mẽ cả về mức sống và trình độ kinh tế.

Thiếu vốn, “tam nông” không khả thi

Mặc dù hiện thị trường tài chính nông thôn Việt Nam đang được tiếp nhận nhiều nguồn vốn đầu tư đa dạng như: Vốn ngân sách nhà nước; vốn tín dụng NN lãi suất ưu đãi đầu tư các dự án; vốn tín dụng lãi suất ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách… Tuy nhiên, đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ, chính xác nào về tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, thực trạng và nhu cầu vốn đầu tư cho từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể trong nông nghiệp.

Có dư luận cho rằng, một số tổ chức, trong đó có định chế tài chính đã đưa ra những số liệu đầu tư cho nông nghiệp lớn hơn số thực tế để lấy thành tích. Về vấn đề này, ông Trần Đình Định, nguyên Phó Tổng Giám đốc NHNo&PTNT Việt Nam, nói: “Để có thể đạt được mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể CNH-HĐH nông nghiệp - nông thôn đến năm 2010 và 2020 (không phải là ảo tưởng) thì điều quan trọng nhất là xác định rõ tổng nguồn vốn đầu tư, phân ra từng loại nhu cầu, chia theo thời gian. Nếu không xác định rõ nhu cầu vốn thì không thể lo được nguồn vốn và không có vốn đáp ứng thì “tam nông” chỉ là chính sách không khả thi”.

Có nhiều nguyên nhân làm cho khu vực nông thôn khó tiếp cận các nguồn tài chính. Trước hết, do tích lũy của khu vực nông nghiệp rất thấp. Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (Bộ No&PTNT) từ năm 2002, mức tích lũy trung bình một người ở nông thôn tăng lên rõ rệt nhưng cũng chỉ đạt chưa đầy 800.000 đồng/năm, rất thấp để có thể đầu tư hiệu quả và có tích lũy để tái đầu tư hoặc mở rộng sản xuất. Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ lạm phát càng cao, mức tích lũy của người dân càng thấp trong khi vốn cần để đầu tư sản xuất ngày càng nhiều. Trong khi đó, không có vốn huy động thành thị chuyển về cho vay nông thôn mà lại có tình trạng vốn huy động từ địa bàn nông thôn lại chuyển ra cho vay tại đô thị (qua điều chuyển vốn trong hệ thống các tổ chức tín dụng và tiền gửi dân cư ra TP).

Nguồn vốn từ ngân sách, vốn tín dụng Nhà nước lãi suất ưu đãi đầu tư các dự án, các vùng được khuyến khích, vốn đầu tư và tài trợ của nước ngoài cho khu vực nông nghiệp, nông dân còn quá nhỏ bé so tỷ trọng đầu tư vào các khu vực khác (như đã nêu ở trên).

Rủi ro tín dụng của các định chế tài chính khi cho vay các hộ nông dân và cá nhân là khá cao.

Từ năm 2007 đến nay, đặc biệt là 7 tháng đầu năm 2008, thị trường tiền tệ Việt Nam có những biến động khá phức tạp. Các tổ chức tín dụng phục vụ đối tượng nông thôn ngày càng khó huy động vốn trên địa bàn, trên thị trường liên NH cả trong và ngoài nước. Trong 6 tháng đầu năm 2008, do các ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi rất cao nên hệ thống quỹ tín dụng nhân dân bị giảm nguồn tiền gửi do khách hàng rút tiền ra gửi các ngân hàng đô thị được hưởng lãi suất cao hơn. Tình hình này không những làm giảm nguồn tiền gửi mà còn ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của các quỹ tín dụng. Với mặt bằng lãi suất hiện nay thì tiền gửi sẽ bị hút từ địa bàn nông thôn ra đô thị và khu vực nông thôn ngày càng thiếu vốn vì không thể chịu được mức lãi suất cho vay cao.

Theo bà Huỳnh Thị Bích Điệp, Phó Giám đốc NHNo&PTNT Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) thì: “Thị trường tài chính tín dụng nông thôn vốn đã yếu, sau khi Việt Nam gia nhập WTO lại càng dễ bị tổn thương, không ổn định và bền vững. Các công cụ đầu tư tài chính chuyên nghiệp cho thị trường này hầu như chưa có. Khả năng huy động vốn tại chỗ chưa cao, bị động trong sử dụng vốn, đầu tư còn bất hợp lý, chồng chéo, nhiều chương trình, dự án kinh tế không được đầu tư đúng hướng, đúng tiến độ gây thất thoát tài sản”.

Giải bài toán về vốn cho thị trường tài chính nông thôn trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO là một vấn đề hết sức khó khăn. Nền kinh tế còn nhiều bất ổn với giá dầu và giá lương thực. Việt Nam, cũng như các nước đang phát triển trên thế giới, phải đối phó với vấn đề thiếu vốn nói chung, đặc biệt thiếu vốn cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao thường dựa vào khu vực sản xuất công nghiệp - thương mại và dịch vụ, khu vực nông nghiệp ít nhận được sự quan tâm. Vì vậy, bài toán vốn cho nông nghiệp và nông thôn đang đặt ra cho Chính phủ, các tổ chức tài chính những vấn đề cần có giải pháp tạo nguồn và sử dụng vốn có hiệu quả để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất NN, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân.


Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn

Xem tin gốc tại đây:
http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/08/797151/



Báo cáo phân tích thị trường