Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Loay hoay giải ngân vốn nông nghiệp
07 | 07 | 2007
Trong năm 2007, ngành nông nghiệp được giao kế hoạch giải ngân khoảng 5.420 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và trái phiếu chính phủ.
Song, tính đến hết tháng 6, vốn thực hiện mới đạt 1.947 tỷ đồng, tương đương 36% tổng vốn. Vốn giải ngân thực tế còn thấp hơn do nhiều dự án chưa thể quyết toán.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục tồn đọng do năng lực thực hiện của một số chủ đầu tư (chủ yếu là khối viện, trường nông nghiệp...) còn yếu, nên tiến độ phê duyệt dự án bị chậm, triển khai lúng túng.

Với tổng vốn đầu tư dành cho nông nghiệp và lâm nghiệp trong năm 2007 do Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn quản lý khoảng 510 tỷ đồng song khối lượng thực hiện chỉ đạt 170 tỷ đồng (tương đương 33%), trong đó nhiều dự án đạt mức dưới 20% tổng vốn.

Tuy nhiên, bức xúc nhất vẫn là tiến độ thực hiện các dự án thủy lợi do Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn triển khai.

Theo kế hoạch năm 2007, ngành nông nghiệp được giao kế hoạch giải ngân khoảng 4.500 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản thủy lợi từ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và trái phiếu chính phủ. Song, tính đến hết tháng 6/2007, khối lượng xây dựng mới đạt 1.675 tỷ đồng, tương đương 37% vốn đầu tư, vốn giải ngân thực tế còn thấp hơn do nhiều dự án chưa thể quyết toán.

Do nguồn vốn được cân đối thấp hơn nhiều so với yêu cầu, nên Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đang gặp khó khăn trong bố trí kế hoạch và giải quyết các mục tiêu, đặc biệt là vốn cho các công trình thuỷ lợi thuộc nhóm B đầu tư đã quá 4 năm, các dự án đảm bảo an toàn các hồ chứa nước. Cơ cấu vốn đầu tư cũng có bất lợi do vốn đối ứng trong nước quá thấp, vốn ngoài nước chỉ tập trung vào một số dự án, một số vùng nên những khu vực khác thêm khó khăn.

Bên cạnh đó, thủ tục trình tự lập, thẩm định, phê duyệt các dự án ODA của các nhà tài trợ vẫn rất phức tạp và thiếu nhất quán, kéo dài thời gian. Vì vậy, ngoài một số dự án sử dụng vốn ODA có tốc độ thực hiện cao như dự án WB2, ADB3, một số dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp..., thì những dự án khác mới chỉ ở giai đoạn triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, bổ sung danh mục đầu tư...

Trong khi đó, tình hình triển khai các công trình thuỷ lợi trọng điểm, sử dụng vốn trái phiếu của Chính phủ cũng đang gặp khó khăn về vốn do những thay đổi về giá vật tư, nguyên liệu, bổ sung điều chỉnh thiết kế, nên tổng mức đầu tư của nhiều công trình trái phiếu đã vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn), tiến độ thực hiện các công trình vốn trái phiếu chính phủ còn thấp có nguyên nhân từ công tác đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện chậm, năng lực các nhà thầu, công tác tư vấn, thẩm định, phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ không đáp ứng được tiến độ đề ra. Nhiều nhà thầu không tập trung đủ lực lượng, thiết bị, máy móc, nhân lực và gặp khó khăn về tài chính trong việc thực hiện các gói thầu đã ký kết; tư vấn thiết kế chưa đáp ứng được yêu cầu làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Tính đến hết tháng 6/2007, giá trị khối lượng xây dựng thực hiện tại các công trình thuỷ lợi sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã thực hiện được 1.065 tỷ đồng giá trị khối lượng (đạt 32,3% vốn giao), giải ngân được 515 tỷ (đạt 16% vốn giao). Dự kiến, trong năm 2007, ngành nông nghiệp tập trung hoàn thành 9 cụm công trình thủy lợi lớn, đầu tư các công tình chuyển tiếp và khởi công một số dự án thủy lợi miền núi, thủy lợi ĐBSCL...

Đến nay, ngoài một số công trình đã hoàn thành bước đầu và phát huy hiệu quả như hồ Suối Dầu (Khánh Hòa), hồ Lòng Sông (Bình Thuận), Kênh 79 (Long An), nhiều công trình thủy lợi khác do ngành nông nghiệp quản lý vẫn tiếp tục chậm do áp dụng các kỹ thuật thi công tiên tiến , phức tạp với thời gian chuẩn bị kéo dài như hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa), hồ Định Bình (Bình Thuận)...

Chưa kể, khối lượng đồ án kỹ thuật quá lớn đã khiến các nhà thầu tư vấn thiết kế gặp khó khăn đối với việc đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công để chặn dòng theo kế hoạch như hồ Cửa Đạt, Tả Trạch, Nước Trong...

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp tăng cường quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời ứng vốn kế hoạch năm 2008 để hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, công trình có vốn ODA. Tiến hành rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản chuyên ngành, trong đó có việc ban hành một số định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn thiết kế, thi công, thí nghiệm vật liệu...

Bộ cũng sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương hỗ trợ các đơn vị thi công giải phóng mặt bằng, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục giải ngân, thiết kế kỹ thuật để thi công đúng tiến độ, đặc biệt đối với các công trình trái phiếu chính phủ. Bộ cũng đề nghị các đơn vị thi công bố trí lực lượng tập trung cho các công trình trọng điểm vượt lũ, chặn dòng, đảm bảo an toàn hồ chứa; các công trình giống, trồng rừng...

Nguồn tin: Vneconomy

Báo cáo phân tích thị trường